Côn Đảo được biết đến như một di tích lịch sử vĩ đại. Nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” và là trường học đấu tranh cách mạng về ý chí quật cường những người con ưu tú của đất nước. Ngày nay, Côn Đảo là mảnh đất thanh bình, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, giàu tiềm năng, lợi thế cho phát triển.
TRƯỜNG HỌC CÁCH MẠNG
Thị trấn Côn Đảo thật yên bình, thế nhưng chứa đựng nhiều di tích trọng điểm thuộc khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo. Nằm giữa thị trấn là tòa nhà trước đây từng là tư dinh của các chúa đảo, nay trở thành nơi trưng bày di tích. Khách tham quan đến đây, đều có cảm nhận, Côn Đảo như một bản cáo trạng sống về tội ác “trời không dung, đất không tha” của thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai. Ngay khi chiếm đóng Côn Đảo (11/1861), thực dân Pháp đã biến một quần đảo này thành nơi giam cầm, đày đọa những nông dân và sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương, Đông kinh nghĩa thục, trong đó có những danh sĩ như cụ Phan Chu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng… Tiếp đó là hàng vạn cán bộ, đảng viên cộng sản thời kỳ tiền khởi nghĩa, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng bị giam cầm nơi đây, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng…
Qua nhiều thế hệ bị tù đày kéo dài hơn 100 năm, hàng vạn chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước đã hy sinh dưới ách tàn bạo của thực dân, đế quốc, họ nằm xuống, trong hàng ngàn nấm mồ không tên tuổi. Năm 1992, nghĩa trang Hàng Dương được khởi công xây dựng và tôn tạo, với mục đích giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Mỗi nắm đất nơi đây là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng qua các thời kỳ. Kẻ thù càng dã man tàn bạo bao nhiêu thì những chiến sĩ yêu nước cách mạng lại càng kiên trung bất khuất bấy nhiêu.
Hơn một năm sau ngày giải phóng (8/1976), khi thăm lại nhà tù Côn Đảo, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: “Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng, Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại, Côn Đảo là một trường học lớn cho các thế hệ mai sau”. Hôm qua, hôm nay và mai sau, các thế hệ con, cháu Việt Nam sẽ tiếp tục về với vùng đất thiêng liêng này để ghi nhớ và khắc sâu truyền thống kiên cường bất khuất của các anh hùng, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
CÔN ĐẢO HÔM NAY
Nằm ở vị trí tiền tiêu, án ngữ vùng biển phía Nam của Tổ quốc, không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, tiềm năng kinh tế, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Côn Đảo đã đạt được những thành tựu đáng kể, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển mạnh từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước và trong dân làm cho bộ mặt huyện đảo thay đổi rõ rệt. Nhiều công trình được xây dựng mới như sân bay, bến cảng, khách sạn, dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông … được đầu tư nâng cấp mang tính hiện đại và bền vững. Hiện nay Côn Đảo được biết đến là một điểm du lịch sinh thái tuyệt vời, gắn với khám phá thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn di tích lịch sử cách mạng...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Minh Sơn - Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện cho biết: Côn Đảo có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, lại giàu tiềm năng du lịch, hải sản, gần đường hàng hải quốc tế… Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, lực lượng vũ trang huyện đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được, tập trung thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cả trên không và trên biển; tiến hành có hiệu quả công tác dân vận, xây dựng nông thôn mới; tham gia công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; phối hợp với các lực lượng trên đảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tập trung mọi nguồn lực xây dựng Côn Đảo trở thành địa phương mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng-an ninh…
Cùng với sự nỗ lực của địa phương, Côn Đảo luôn có sự chung tay góp sức của đồng bào cả nước, để một ngày không xa, hòn ngọc quí Côn Đảo sẽ tỏa sáng lấp lánh trong lòng biển Đông.
Bài, ảnh: Xuân Huy