Xung quanh câu chuyện về nguồn gốc Quốc Tổ Hùng Vương hết sức lý thú và có sức thuyết phục. Hình tượng Hùng Vương là sự hun đúc của truyền thống lịch sử - văn hóa, sự kết tinh của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong văn hóa Việt Nam, được gìn giữ - trao truyền suốt mấy nghìn năm lịch sử; thể hiện đầy đủ, nổi bật ý nghĩa triết lý về sự trường tồn, sức mạnh vật chất và văn hóa trong đời sống của dân tộc ta. Đó là một dân tộc có nguồn gốc “cha rồng mẹ tiên”; là sự giao thoa, nơi hội tụ, hòa hợp của trời và đất tạo thành sức mạnh vô biên để vượt qua mọi hiểm nghèo, thử thách; đồng thời, đề cao những giá trị tinh thần nhân văn sống nhân nghĩa, tương thân tương ái, quý trọng tình người, yếu tố cốt lõi làm nên ý nghĩa sâu sắc của ngày Giỗ Tổ. Có thể nói, phải có một dân tộc hùng tráng như Việt Nam thì cội nguồn dân tộc mới đạt đến giá trị tâm linh và toát lên ý nghĩa triết lý cao đẹp, trở thành chất keo gắn kết 54 dân tộc anh em thành một khối bền vững. Nhờ vậy, mà trước tham vọng thôn tính, đô hộ, đồng hóa của kẻ thù phương Bắc, dân tộc ta vẫn tồn tại, Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn tồn tại và chúng ta vẫn là người Việt, với nền văn hóa đặc thù Việt Nam. Do đó, không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương mà bạn bè quốc tế khi đến thăm viếng Đền Hùng đã hết sức kinh ngạc và tỏ lòng khâm phục về ý thức cội nguồn dân tộc của chúng ta.
Cũng có thể nói, trên thế giới khó tìm thấy đất nước nào như Việt Nam, khi cả dân tộc cùng thừa nhận một tổ tiên chung, cùng thờ cúng một con người cụ thể - Hùng Vương, vị vua đầu tiên lập nên Nhà nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, trải qua 18 đời cha truyền con nối, từ đó có chung một ngày Giỗ Tổ. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên rừng, đã khơi dậy ý thức về cội nguồn dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tinh thần đoàn kết và yêu nước còn được dân gian lưu lại qua truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thánh Gióng; hay tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể có tính đại diện cho nhân loại”..., mà thời đại văn minh các Vua Hùng đã tạo dựng, vun đắp và trao truyền cho hậu thế. Tất cả những điều đó không chỉ tạo cho Lễ hội Đền Hùng có một đặc thù riêng là phần lễ nặng hơn phần hội và qua đó còn nói lên tâm tưởng những người tới dự lễ luôn hướng về tổ tiên, cội nguồn với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc.
Giỗ Tổ Hùng Vương và Đền Hùng từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt; điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần yêu nước - đại đoàn kết dân tộc; nguồn sức mạnh tinh thần vô song giúp cho dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi thiên tai và kẻ thù.
Kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết và yêu nước, cũng như những giá trị văn hóa, tinh thần mang tính truyền thống sâu sắc được hình thành từ thời Hùng Vương, từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã 2 lần về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ đều đã về thăm viếng Đền Hùng. Ngày 2/4/2007, Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 Âm lịch hàng năm đã trở thành ngày Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc. Đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, mọi trái tim người Việt dù đang sống và làm việc ở muôn nơi đều cùng chung một nhịp đập, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng và luôn nuôi dưỡng, hình thành ý thức dân tộc, nghĩa tình đồng bào, gắn kết thành một khối, một nguồn cội và một tổ tiên.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta không chỉ càng thêm tự hào về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên, mà còn ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của hế hệ hôm nay trong việc vun đắp, kế thừa và phát huy các di sản của thời đại Vua Hùng và các thế hệ tiền nhân để lại. Hiện nay, thế và lực đất nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng). Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, đất nước nhìn chung vẫn còn nghèo, nền kinh tế phát triển chưa ổn định và thiếu bền vững; nhiều vấn đề phức tạp nẩy sinh trong xã hội; nạn tham nhũng, lãng phí, lối sống ích kỷ cùng với những thói hư, tật xấu vẫn đang diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch không ngừng tăng cường chống phá ta, chúng tập trung khai thác là lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân… Vì vậy, để vượt qua những khó khăn, thách thức, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết dân tộc và lòng yêu nước mà các Vua Hùng đã tạo nên và xem đây là một trong những nhân tố có tính quyết định.
Ngày Giỗ Tổ là một sự kiện mang ý nghĩa thiêng liêng; là dịp quan trọng để chúng ta củng cố, thắt chặt tinh thần đoàn kết - yêu nước; đồng thời cũng là dịp để quảng bá ra thế giới về một di sản văn hóa vô cùng độc đáo, có giá trị, đã tồn tại hàng nghìn năm của dân tộc ta. Với tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao to lớn của các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, thế hệ người Việt Nam hôm nay nguyện một lòng khắc ghi và quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, vững bước đi lên CNXH.