Thời sự

Next
Prev
Thứ năm, 10/08/2017, 08:28 (GMT+7)
876 lượt xem

Chung tay phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết (SXH) phát triển và lây lan khá mạnh ở nhiều địa phương và các thành phố lớn trong cả nước, nhất là nơi tập trung đông dân cư. Để phòng, chống SXH hiệu quả, vấn đề quan trọng nhất là phải hiểu cơ chế gây ra dịch bệnh, xác định hành động quyết liệt, loại trừ tận gốc côn trùng gây bệnh.

SXH là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh sau đó đốt người lành và truyền virút qua vết đốt, có thể gây thành dịch. Do chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên để phòng bệnh cần tập trung vào các biện pháp phòng, chống muỗi đốt hoặc tiêu diệt, hạn chế sự phát triển của muỗi vằn.

Ở nước ta, muỗi vằn là côn trùng truyền bệnh SXH chủ yếu, chúng có tên khoa học là Aedes aegypti. Muỗi có thân màu đen, đốm trắng. Chúng có đặc tính luôn thích tìm mồi để đốt hút máu suốt ngày, nhưng chủ yếu vào sáng sớm và chập choạng tối. Chúng chỉ đậu nghỉ khi đã no máu hoặc vào ban đêm. Khi có thời cơ, chúng đậu lên chỗ da hở và hút máu ngay, rồi bay đi rất nhanh. Theo các chuyên gia về côn trùng, thời gian đốt hút máu của muỗi vằn vào buổi chiều tối có thể kéo dài đến 20 giờ. Do đó, việc phòng chống muỗi vằn đốt cũng cần đặc biệt quan tâm trong suốt cả ngày, chứ không chỉ về đêm như nhiều người thường nghĩ. Hoạt động tìm mồi hút máu của muỗi phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường, nếu nhiệt độ dưới 23 độ C thì muỗi hầu như không có khả năng hoạt động hút máu. Sau khi đốt hút máu no, muỗi vằn thích tìm chỗ trú đậu tiêu máu trong nhà, ở các góc, xó tối, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng, nhất là trên các loại vải có màu sẫm tối, đặc biệt là trên quần áo chưa giặt giũ, có mùi mồ hôi.


Chiến sĩ Cục Quân y trình diễn trang, thiết bị phòng dịch mới đưa vào sử dụng. Ảnh: Mạnh Thắng. 

Muỗi vằn rất thích đẻ trứng ở các vật chứa nước sạch có sẵn trong nhà và xung quanh nhà, nhất là những vật chứa có ánh nắng mặt trời chiếu làm nước ấm lên, ít thấy chúng đẻ trứng nơi nước dơ bẩn, đục bùn. Bất kỳ một chỗ chứa nước, đọng nước nào cũng có thể làm nơi muỗi vằn đẻ trứng như các vật dụng dùng chứa nước (bể nước, chum, vại, lu, khạp, thùng, xô, chậu, can...), các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước (lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ chai nước, lon nước, chum vại vỡ, xoong nồi hỏng, gáo dừa....), các ổ chứa nước tự nhiên (các ao hồ, giếng nước, hố, vũng nước, hệ thống thoát nước (cống, rãnh, hố ga), hốc cây, vết bánh xe trên đất... Sau khi muỗi đẻ trứng, trứng phát triển thành bọ gậy, loăng quăng rồi thành muỗi trưởng thành mất khoảng 7-13 ngày (tùy nhiệt độ). Như vậy, bất cứ một ổ nước nào tồn tại khoảng thời gian này cũng sẽ là nơi muỗi đẻ trứng và là nơi trứng phát triển thành muỗi trưởng thành. Khoảng 5 ngày sau khi phát triển thành muỗi từ trứng, muỗi cái bắt đầu đốt máu và đẻ trứng. Số lượng trứng đẻ của mỗi con muỗi cái từ 100 đến 150 trứng /lần đẻ,  trong đời muỗi đẻ từ 6 tới 7 lần. Ở điều kiện của phòng thí nghiệm, muỗi có thể đẻ tới 13 lần. Trứng muỗi có màu đen, riêng rẽ từng quả một đính vào thành vật chứa hay chìm xuống nước, điều kiện thuận lợi trứng muỗi có thể tồn tại từ 3 đến 6 tháng.

Muỗi vằn trưởng thành có thể sống từ 20 đến 40 ngày, thậm chí trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, chúng có thể sống được đến 2-3 tháng. Do đó chúng truyền virút dengue trong suốt thời gian này vì virút có thể nhân lên, phát triển trong cơ thể muỗi.

Muỗi vằn thường hoạt động gần khu vực chúng sinh ra, khoảng cách bay xa là 200m. Tuy nhiên, mật độ muỗi vằn vào đầu và cuối mùa mưa hoặc những thời kỳ nắng nóng xen kẽ mưa rào trong mùa mưa thường rất cao, chính áp lực mật độ cao cũng buộc chúng phải phân tán tìm mồi, bay xa hơn và gieo rắc mầm bệnh.

Ngoài muỗi vằn Aedes aegypti, có một loại muỗi khác cũng có vai trò truyền bệnh SXH, đó là Aedes albopictus (hay còn gọi là muỗi hổ châu Á). Muỗi hổ châu Á về hình thể rất giống muỗi Aedes aegypti, chỉ khác đặc điểm trên mặt lưng có một vạch trắng chạy dọc lưng. Đặc điểm sinh lý, sinh thái của muỗi hổ châu Á tương tự như muỗi vằn nhưng chúng phân bố hoạt động chủ yếu ở vùng nông thôn, miền núi; ít gặp ở thành phố. Đầu tiên, loài muỗi hổ châu Á chỉ phát hiện được ở châu Á và Madagascar nhưng gần đây, chúng đã xâm nhập đến Bắc Mỹ, Nam Mỹ cũng như Tây Phi. Cũng như loại muỗi vằn, muỗi hổ châu Á thường đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước tạm thời nhưng chúng vẫn thích đẻ trứng tự nhiên ở trong rừng như các hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, vỏ dừa... Ngoài ra, muỗi cũng đẻ trứng ở trong vườn, các dụng cụ chứa nước tạm thời ở trong nhà nhưng mức độ ít hơn.

Từ những hiểu biết về đặc điểm về nơi đẻ trứng và phát triển vòng đời của muỗi vằn, các tập tính hoạt động của chúng, giúp ta có biện pháp phòng chống muỗi đốt tốt hơn, góp phần hạn chế đến mức cao nhất nguy cơ mắc bệnh SXH. Một điều đáng quan tâm là muỗi vằn cũng chính là loại muỗi truyền bệnh Zika, một bệnh mới nổi, đang là tâm điểm chú ý của nhiều người.

Biện pháp đơn giản nhất mà ai cũng có thể làm được để hạn chế muỗi vằn sinh sôi, phát triển, đó là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Với các dụng cụ chứa nước lớn, khó có điều kiện thau rửa thường xuyên: thả cá nhỏ vào để diệt loăng quăng/bọ gậy. Các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ: thường xuyên thau rửa hàng tuần. Thu gom, hủy các vật dụng phế thải có thể bị đọng nước dài ngày trong nhà và xung quanh nhà như: Chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu, chum, vại vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ... kết hợp dọn vệ sinh môi trường. Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông. San lấp các hố chứa nước, làm phẳng bề mặt đất không để có vũng nước đọng xung quanh đơn vị, nhất là khu vực vườn rau của đơn vị.

Nên nhớ phương châm hàng đầu trong phòng chống SXH mà Bộ Y tế đề ra: “Không có loăng quăng, không có bệnh sốt xuất huyết”.

Bên cạnh việc loại bỏ nơi sinh sản, phát triển của muỗi vằn, các quân nhân cần biết cách hạn chế bị muỗi đốt:  Ngoài giờ hành chính, nên mặc quần, áo dài thường xuyên, nhất là những lúc chạng vạng sáng sớm và chiều tối. Nên ngủ trong màn/mùng kể cả ngủ trưa. Nếu có thể mua, trang bị loại kem xua diệt côn trùng để xoa phần da hở khi học tập, công tác, canh gác... Ngay cả người đã bị SXH cũng nên nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác. Đây chính là biện pháp cách ly người bệnh hiệu quả và đơn giản nhất.

Biện pháp phun thuốc xua diệt muỗi thường được các nhân viên y tế tiến hành khi có dịch SXH ở đơn vị. Biện pháp này chỉ có tác dụng diệt muỗi trưởng thành đang chứa mầm bệnh virút ở thời điểm phun thuốc. Sau 5-7 ngày, sẽ có những lứa muỗi trưởng thành khác ra đời, mà không bị thuốc tác động, nên biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy vẫn là biện pháp cơ bản, cần làm thường xuyên để hạn chế muỗi vằn phát triển. Tuy nhiên, khi có dịch, cũng cần tích cực phối hợp với quân y nhằm bảo đảm tất cả các phòng làm việc, phòng ngủ của đơn vị đều được phun thuốc diệt muỗi, nhanh chóng cắt sự lây lan của dịch.

Các biện pháp phòng chống muỗi vằn nêu trên cần được người chỉ huy đơn vị quan tâm với sự tham mưu của quân y, cùng sự tham gia tích cực của các quân nhân trong đơn vị, để trở thành nền nếp thường xuyên của mỗi đơn vị, như thế sẽ góp phần hạn chế sự sinh sôi, phát triển và truyền bệnh của muỗi vằn, kẻ gieo rắc bệnh SXH hiện nay.

T.L (tổng hợp)

TIN MỚI NHẤT

DƯ LUẬN QUAN TÂM

BẢN TIN TRUYỀN HÌNH QUÂN KHU 7

PHÓNG SỰ ẢNH

ĐỌC BÁO IN

BẠN CẦN BIẾT

DỰ BÁO THỜI TIẾT

Thiết kế phần mềm Công ty phần mềm GSOT GROUP