Trong cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp viết bằng tiếng Pháp xuất bản ở Paris tháng 12/1925, Nguyễn Ái Quốc đã dành phần 4 trong chương XII viết về cách mạng Nga dưới tiêu đề Cách mạng Nga với các dân tộc thuộc địa.
Vào nửa sau những năm 1920, trong quá trình chuẩn bị thành lập chính đảng vô sản ở nước ta, Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần viết về Cách mạng tháng Mười Nga và Lenin. Người coi đó là một nội dung quan trọng, là bài học cơ bản trong việc đào tạo cán bộ, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập Đảng. Báo Thanh niên, cơ quan Trung ương của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo từ năm 1925 đến 1927, đã giới thiệu kỹ về Lenin và Cách mạng tháng Mười Nga. Báo đã ra số đặc biệt vào ngày 7/11/1926 kỷ niệm lần thứ 9 của Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vĩ đại với nhiều bài viết về Lenin và mối quan hệ của Cách mạng tháng Mười đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Đây có lẽ là số báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam dành riêng kỷ niệm Cách mạng tháng Mười.
Năm 1927, Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản cuốn Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc. Đó là một số đề cương bài giảng của người trong các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu được tập hợp lại. Trong tác phẩm nổi tiếng này, Nguyễn Ái Quốc đã dành một phần riêng về Cách mạng tháng Mười dưới tiêu đề Lịch sử cách mạng Nga. Sau khi phân tích các cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ và Cách mạng tháng Mười Nga, Người kết luận: “Chỉ có Cách mạng tháng Mười Nga là cuộc cách mạng triệt để nhất vì nó đem lại tự do bình đẳng hạnh phúc thật sự cho nhân dân lao động và còn giúp đỡ các dân tộc bị áp bức làm cách mạng để tự giải phóng. Và bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lenin”. Đường kách mệnh đã có tác dụng quan trọng trong việc đào tạo cán bộ cách mạng và đặt nền tảng cho cương lĩnh của Đảng ta sau này.
Năm 1930, dưới được sự giúp đỡ tài liệu của một số đồng chí Liên Xô cùng với sự nghiên cứu của mình, Nguyễn Ái Quốc đã viết cuốn Nhật ký chìm tàu gồm 24 chương, dưới hình thức kể chuyện về ba người hành khách còn sống sót sau tai nạn đắm tàu, họ đã được một chiếc tàu buôn Liên Xô cứu thoát và đưa tới đất nước Xô viết một thời gian. Qua cuốn Nhật ký chìm tàu, Nguyễn Ái Quốc muốn giới thiệu những sự thay đổi toàn diện ở Liên Xô trước và sau Cách mạng tháng Mười, đập tan những luận điệu xuyên tạc vu khống của kẻ thù đối với đất nước Xô viết và tuyên truyền, động viên nhân dân ta vùng lên đấu tranh theo con đường của Cách mạng tháng Mười.
Vào những năm 1952 và 1954 khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đang trải qua thời kỳ ác liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết các bài Sự nghiệp vĩ đại của Lenin (Báo Nhân dân, ngày 24/1/1952), Lenin dạy (Báo Nhân dân, ngày 21/1/1954). Trong hai bài viết này, Người nhắc lại những lời dạy quý báu của Lenin nhằm động viên nhân dân ta khắc phục mọi khó khăn đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, và “như vậy là kỷ niệm Lenin một cách xứng đáng nhất”.
Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo nổi tiếng Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lenin. Tiếp đó, tháng 4/1962, Người viết bài Chủ nghĩa Lenin vĩ đại muôn năm (Báo Nhân dân, ngày 22/4/1962) và bài Lenin, người thầy của cách mạng Việt Nam (Báo Sự thật, Liên Xô).
Năm 1967, kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Cách mạng tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc cho Báo Pravda (Sự thật) của Liên Xô. Người tiếp tục khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”, đồng thời nhấn mạnh: “Cách mạng tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”…
Với những bài viết đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định ý nghĩa vĩ đại, những bài học cơ bản của cuộc Cách mạng tháng Mười, sức mạnh vô địch của chủ nghĩa Lenin đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, cũng như đối với nhân dân các nước trên thế giới. Vào những năm này, trong đời sống chính trị quốc tế đã xảy ra những diễn biến phức tạp. Đồng thời, các lực lượng đế quốc quốc tế, đứng đầu là Mỹ, đang ra sức thi hành chủ nghĩa thực dân mới nhằm phản kích, chống lại cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc ở Việt Nam. Đế quốc Mỹ đã điên cuồng lao vào chiến tranh đẩy mạnh xâm lược hòng đè bẹp cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Từ thực tiễn đấu tranh gian khổ nhưng thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chủ nghĩa Lenin không những là cẩm nang thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Qua 105 năm, những nhận định về Cách mạng tháng Mười của Chủ tịch Hồ Chí Minh so với thực tiễn nhân loại tuy có thay đổi về hình thức biểu hiện nhưng tính chất đúng đắn vẫn còn nguyên vẹn. Điều đó càng cho thấy sự sáng suốt của Người khi nhìn nhận về một sự kiện mang tính lịch sử đối với loài người, cũng như giá trị vững bền của sự kiện ấy đối với tiến trình vận động của thế giới.