Ý nghĩa lễ cúng Giao thừa
Lễ cúng Giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ Tịch, diễn ra vào thời khắc thiêng liêng nhất trong năm: lúc 0 giờ ngày mùng 1 Tết. Đây là thời điểm mà trời đất giao hòa, âm dương chuyển đổi, tạo nên nguồn năng lượng mới. Theo phong tục, lễ cúng Giao thừa mang ý nghĩa:
- Tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới: Lễ cúng nhằm cảm tạ các vị thần linh đã phù trợ trong năm qua và cầu mong sự che chở cho năm tới.
- Đón vị Hành Khiển mới: Theo quan niệm dân gian, mỗi năm có một vị Hành Khiển (vị thần cai quản hạ giới) luân phiên thay đổi. Lễ cúng Giao thừa là để tiễn vị thần cũ và nghênh tiếp vị thần mới.
- Cầu mong may mắn và bình an: Thông qua lễ cúng, gia chủ gửi gắm những mong ước tốt đẹp cho gia đình và người thân trong năm mới.
Chọn giờ tốt cúng Giao thừa đón may mắn trong năm mới
Theo phong tục Việt Nam, việc cúng Giao thừa cần được tiến hành vào đúng thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tức từ 23h ngày 30 tháng Chạp đến 1h sáng mùng 1 Tết. Tuy nhiên, để tăng cường sự linh thiêng và mang lại nhiều may mắn, nhiều gia đình thường chọn giờ tốt để thực hiện lễ cúng.
Giao thừa năm 2025 sẽ diễn ra vào đêm ngày 28/1/2025 (dương lịch), tức ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn (âm lịch). Đáng chú ý, năm 2025 không có ngày 30 Tết do tháng Chạp chỉ có 29 ngày.
Năm 2025 là năm Ất Tỵ, thuộc mệnh Hỏa trong ngũ hành. Dưới đây là các khung giờ tốt nhất để cúng Giao thừa mà gia đình bạn có thể lựa chọn:
- Giờ Tý (23h - 1h): Đây là thời điểm linh thiêng nhất trong đêm giao thừa, đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Giờ Tý không chỉ là thời khắc chuyển giao giữa các vị thần cai quản mà còn là lúc năng lượng của đất trời giao hòa, xua tan những điều không may mắn của năm cũ và chào đón vận may của năm mới. Việc cúng vào giờ Tý được cho là mang lại sự thịnh vượng, an khang và may mắn cho cả năm.
- Giờ Sửu (1h - 3h): Nếu vì lý do nào đó bạn không thể thực hiện lễ cúng vào giờ Tý, giờ Sửu là một sự thay thế tuyệt vời. Đây cũng là một trong những giờ hoàng đạo, giúp gia đình thu hút tài lộc và có một năm mới thuận lợi, bình an.
Chọn đúng giờ cúng giao thừa sẽ giúp gia chủ khai mở nguồn năng lượng tích cực, thu hút tài lộc và may mắn từ những vị thần linh cai quản. Tuy nhiên, nếu không thể cúng vào những giờ này, bạn vẫn có thể thực hiện lễ cúng vào những giờ khác trong ngày mùng 1 Tết, chỉ cần đảm bảo thành tâm và chuẩn bị mâm cúng chu đáo.
Về mâm cúng giao thừa có thể là đồ chay hoặc đồ mặn, vị trí đặt mâm cúng có thể trong nhà hoặc ngoài trời tùy thuộc vào điều kiện và truyền thống của từng gia đình. Điều quan trọng là lễ vật phải được chuẩn bị tươm tất, thành tâm.
Việc bày mâm cúng giao thừa ngoài trời, gia chủ cần chuẩn bị một chiếc bàn lớn đủ rộng để bày mâm lễ, có thể trải khăn hoặc vải sạch sẽ, sang trọng để nơi cúng lễ đẹp đẽ và bày tỏ được sự tinh tế, trân trọng đối với các vị thần.
Cúng ngoài trời không cần bát hương mà chỉ cần bát gạo để cắm hương và hai ngọn nến cùng với mâm cỗ cúng.
Mâm cúng giao thừa ngoài trời thường có mâm ngũ quả, hương, hoa tươi, 2 cây đèn hoặc nến, trầu cau, gạo muối, trà, nước (hoặc rượu), quần áo, mũ nón thần linh, một con gà trống luộc, xôi, bánh chưng, mứt, bánh kẹo.
Cúng Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025 là một nghi lễ quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu của năm mới đầy hy vọng. Việc chọn giờ tốt để cúng không chỉ giúp gia đình bạn thực hiện nghi lễ một cách trọn vẹn mà còn đem lại nhiều may mắn, tài lộc và bình an trong năm mới.
Hãy đảm bảo chuẩn bị chu đáo từ lễ vật đến thời gian để đón một năm Ất Tỵ thật suôn sẻ và hạnh phúc.
* Thông tin trong bài mang tính tham khảo
Châu An