(QK7 Online) - Sáng ngày 6/4/2017, huyện ủy Lộc Ninh tổ chức tọa đàm Ý nghĩa chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng huyện Lộc Ninh ngày 7/4/1972. Tham dự có Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Trung tướng Nguyễn Đức Xê, nguyên Giám đốc học viện Lục quân; Thiếu tướng Vũ Văn Thược, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4; Đồng chí Hà Minh Hồng, Phó GS-TS, Giảng viên Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM; lãnh đạo huyện ủy – UBND huyện, các học giả, nhà khoa học.
Các đại biểu tại buổi tọa đàm
Chiến dịch Nguyễn Huệ chính thức mở màn vào ngày 1/4/1972 bằng trận tiến công có xe tăng thiết giáp của ta phối hợp với các đơn vị tiến vào cứ điểm Xa Mát và cứ điểm Bàu Bưng trên đường 22 (Tây Ninh), địch trong các cứ điểm hướng Tây Ninh rất hoảng sợ, chống trả yếu ớt, hầu hết bị tiêu diệt và bắt sống. Trong khi địch đang điều chỉnh lực lượng, phòng giữ Tây Ninh, vào lúc 05 giờ 30 phút ngày 5/4/1972, Sư đoàn 5 (hướng chủ yếu) do Tư lệnh Bùi Thanh Vân và Chính ủy Nguyễn Văn Cúc chỉ huy, có xe tăng phối hợp, dưới sự chi viện của Trung đoàn pháo 42 tiến công đồng loạt nhiều hướng và cụm cứ điểm phòng ngự của địch ở Lộc Ninh... Sau 3 ngày chiến đấu ta làm chủ trận địa, địch bị thiệt hại nặng nề, huyện Lộc Ninh hoàn toàn được giải phóng và trở thành huyện Lộc Ninh trở thành huyện đầu tiên được giải phóng vững chắc, đồng thời được chọn đặt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (và sau đó được chọn đặt Sở Chỉ huy tiền phương trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước).
Trung tướng Đặng Quân Thụy, Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội thảo luận trên sơ đồ chiến dịch Nguyễn Huệ
Thắng lợi của 2 trận đánh then chốt Lộc Ninh (từ ngày 5 đến ngày 7/4) và Bình Long (từ ngày 13/4 đến ngày 15/5) đã góp phần quyết định vào thắng lợi của Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 ở miền Đông Nam bộ.
Thiếu tướng Vũ Văn Thược, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4 thảo luận tại buổi tọa đàm
Đồng chí Hà Minh Hồng, PGS-TS Giảng viên Trường Đại học KH&XHNV TP.HCM tại buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm các đại biểu cho biết thắng lợi của chiến dịch Nguyễn Huệ làm thành bàn đạp cho những hoạt động tiến công quân sự, chọc thủng tuyến phòng thủ vòng trong của địch, đồng thời làm thất bại chiến thuật phòng ngự cấp chiến đoàn của chúng trên khu vực rộng lớn áp sát đô thành Sài Gòn. Thắng lợi này đã tạo ra thế và lực mới của ta trên chiến trường Nam bộ; tạo thế uy hiếp trực tiếp đối với tuyến phòng thủ ven Sài Gòn, tạo điều kiện cho các địa phương của Nam bộ tiếp tục tiến công đánh phá bình định của địch.
Những trận đánh quyết liệt ở Lộc Ninh, Bình Long, Tàu Ô, Tân Khai...cho thấy bản lĩnh kiên cường, tinh thần và khả năng chiến đấu tuyệt vời của bộ đội ta trong chiến dịch; đồng thời minh chứng cho sự chỉ huy hiệp đồng tác chiến chặt chẽ và hiệu quả giữa các binh chủng, chỉ đạo phối hợp giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và quần chúng nhân dân ở vùng tạm bị chiếm. Lực lượng tại chỗ đã được huy động trong mọi tình huống chiến đấu để tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội chủ lực. Có thể nói, Nhân dân và các lực lượng vũ trang Bình Phước đã góp phần xứng đáng vào thành công của chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972.
Trần Rô