Thượng tướng Trần Văn Trà.
Năm 1939, đến thành phố Sài Gòn, đồng chí làm công nhân và tiếp tục hoạt động cách mạng. Nhưng chỉ 6 tháng sau đó, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 6 tháng tù. Sau thời gian giam cầm, khi chúng đưa về quản thúc tại Quảng Ngãi, đồng chí lại trốn vào Sài Gòn. Sau khi liên lạc được với Kỳ bộ Việt Minh Nam Kỳ, đồng chí được giao phụ trách biên tập Báo Giải phóng. Tháng 11-1944, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Tân Định. Địch giam cầm và tra tấn đồng chí rất dã man. Mãi đến ngày 22-8-1945, Chính phủ Trần Trọng Kim quyết định thả tù chính trị, đồng chí mới được trả tự do. Ngày 25-8-1945, đồng chí tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn thành công.
Khi thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Nam Bộ, đồng chí Trần Văn Trà gia nhập đoàn du kích chiến đấu ở các mặt trận Cầu Bông, Bà Chiểu, Phú Nhuận, sau đó phải lui quân ra ngoại thành. Sau khi mặt trận Sài Gòn bị vỡ, đồng chí cùng một số lực lượng của ta rút về Bà Điểm, Hóc Môn. Trước tình hình phức tạp, do các lực lượng vũ trang chống thực dân Pháp tự hình thành, đồng chí Trần Văn Trà bàn bạc với Xứ ủy và Tỉnh ủy Gia Định thành lập Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa (đó là 3 điểm có cơ sở mạnh) và đảm nhiệm công tác đảng, công tác quần chúng (sau là Chính trị viên). Đây là đơn vị vũ trang đầu tiên ở Nam Bộ do Đảng trực tiếp tổ chức và lãnh đạo.
Các tướng lĩnh trong Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng miền Nam tại rừng miền Đông năm 1967, từ trái sang Nguyễn Thị Định, Trần Văn Trà, Trần Độ, Lê Trọng Tấn. Ảnh: Tư liệu
Sau Hiệp định Sơ bộ Việt Nam - Pháp ngày 6-3-1946, Khu 8 gặp nhiều khó khăn, đồng chí Trần Văn Trà được giao nhiệm vụ về củng cố, chấn chỉnh lại Khu 8. Đồng chí cùng Ban Lãnh đạo Khu 8 thành lập Chi đội 14 (đồng chí là Chi đội trưởng), lập ra Xứ ủy Đảng lâm thời, sau đó xây dựng lại Ủy ban kháng chiến - hành chính Nam Bộ. Đây là việc làm quan trọng củng cố được lãnh đạo Nam Bộ cả về Đảng và chính quyền, đem lại niềm tin cho nhân dân.
Tháng 9-1946, đồng chí Trần Văn Trà được chỉ định là Khu trưởng Khu 8. Với cương vị Khu bộ trưởng, đồng chí xây dựng vùng Đồng Tháp Mười thành căn cứ hiểm yếu và vững chắc, về sau là nơi đứng chân lâu dài của nhiều cơ quan, đơn vị của Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến – hành chính Nam Bộ, của Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Tại đây, đồng chí tổ chức rèn cán, chỉnh quân và trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh như: Trận Cổ Cò, trận Giồng Dứa, trận đánh chìm tàu trên kênh Sở Thượng của Khu 8... tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu vũ khí, bắt tù binh, tạo niềm tin phấn khởi trong nhân dân. Cuối năm 1947, đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên của Nam Bộ được thành lập - Tiểu đoàn 307. Tiểu đoàn được xây dựng mạnh cả về quân số, vũ khí, cán bộ và huấn luyện, cơ động tác chiến trên chiến trường, trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù với những chiến thắng Tháp Mười, Mộc Hóa, La Bang… thúc đẩy phong trào du kích tiến công địch khắp nơi. Những chiến thắng vang dội của Khu 8 thời kỳ này đã chứng tỏ khả năng chỉ đạo tác chiến, sáng tạo nghệ thuật đánh địch của đồng chí Trần Văn Trà.
Năm 1949, đồng chí được bổ nhiệm Tư lệnh, kiêm Chính ủy Khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ năm 1950 đến năm 1951, đồng chí là Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu 7. Dưới sự chỉ huy của đồng chí, các lực lượng vũ trang Khu 7 tổ chức bắn pháo vào tàu Mỹ ở Sài Gòn; cùng phong trào học sinh, sinh viên biểu tình rầm rộ yêu cầu đuổi tàu Mỹ khỏi địa phận Sài Gòn... Từ năm 1951 đến năm 1954, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh phó Nam Bộ, kiêm Tư lệnh Phân Liên khu miền Đông Nam Bộ.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, tháng 9-1954, đồng chí Trần Văn Trà nhận nhiệm vụ chỉ huy lực lượng tập kết ra miền Bắc. Những năm từ 1955 đến 1963, đồng chí trải qua các chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, kiêm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn, Giám đốc Học viện Quân chính, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương và được cử đi học tại Học viện Quân sự Cao cấp Liên Xô. Năm 1959, đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng. Cũng thời gian này, đồng chí Trần Văn Trà đã đề nghị với Trung ương Đảng chấp thuận cho cán bộ tập kết tại miền Bắc trở lại miền Nam, đề nghị được chấp thuận. Để đưa được lực lượng của ta vào miền Nam chiến đấu, việc cấp bách trước tiên là phải có đường đi. Được Trung ương và Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ, đồng chí Trần Văn Trà đề xuất và tổ chức xây dựng đường 559 (hay còn gọi “Đường Hồ Chí Minh”). Ban đầu đây chỉ là con đường mòn đi bộ, người tham gia vận chuyển phải mang gùi trên lưng, sau phát triển lên thành đường xe thồ. Tháng 12-1960, đoàn cán bộ đã vào tới miền Nam, kịp dự Lễ thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Để chi viện vũ khí cho chiến trường, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Văn Trà, năm 1962, tuyến vận tải biển 759 hoạt động, chuyến tàu gỗ đầu tiên chở 28 tấn vũ khí, cập bến Rạch Gốc (Cà Mau) thành công. Ta tiếp tục đóng những chiếc tàu lớn, trọng tải 100 tấn, nâng cao hiệu quả vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam, được Bác Hồ khen ngợi (sau này, tuyến chi viện 759 được bàn giao cho Bộ Tư lệnh Hải quân phụ trách, đổi tên thành Đoàn 125). Thời gian đồng chí Trần Văn Trà phụ trách, tuyến chi viện 759 đã thực hiện nhiều chuyến chở vũ khí và đều an toàn. Với việc tổ chức xây dựng thành công 2 tuyến chi viện 559 và 759, miền Nam đã có khung cán bộ quân sự được đào tạo cơ bản, chính quy, có vũ khí hạng nặng để xây dựng đơn vị chủ lực.
Năm 1963, đồng chí quay trở lại chiến trường miền Nam, đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, là Ủy viên Trung ương Cục, Phó Bí thư Quân ủy Miền, cùng đồng bào Nam Bộ trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Để xây dựng lực lượng chủ lực, đồng chí đề xuất với Trung ương Cục chủ yếu tuyển thanh niên ở đồng bằng Sông Cửu Long và chuyển vũ khí từ miền Tây về Sông Bé (nay là hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước), Bắc Tây Ninh (nơi có rừng núi, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đóng)1. Những năm từ 1964 đến 1965, đồng chí Trần Văn Trà cùng Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo Quân giải phóng miền Nam làm nên những chiến thắng vang dội ở Đất Cuốc, Phước Long, Bình Giã, Đồng Xoài.
Năm 1968, với cương vị Tư lệnh phó, Phó Bí thư Quân ủy Quân giải phóng miền Nam, đồng chí cùng Ban Lãnh đạo lên kế hoạch, tổ chức lực lượng, triển khai cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968). Những thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã tạo ra bước ngoặt chiến lược có lợi cho ta, làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, chấn động dư luận nước Mỹ và thế giới, buộc đế quốc Mỹ phải chuyển sang chiến lược “Phi Mỹ hóa chiến tranh” (1968-1969), rút dần quân Mỹ, tiến hành chiến tranh bằng quân ngụy Sài Gòn, có sự chi viện của cố vấn Mỹ… Và cuối cùng là thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1975), trút gánh nặng cho quân ngụy Sài Gòn. Quân Mỹ rút hết về nước.
Giữa năm 1971, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương: “Giành thắng lợi quyết định trong năm 1971” bằng một cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Cục, đồng chí Trần Văn Trà họp bàn với Ban Lãnh đạo Quân ủy Miền, quyết định mở Chiến dịch Nguyễn Huệ (1-4-1972 - 1-4-1973) trên khu vực các tỉnh Tây Ninh, Bình Long, Phước Long... Bộ Tư lệnh Miền thành lập Bộ Chỉ huy Tiền phương, đồng thời là Bộ Chỉ huy Chiến dịch, do Trung tướng Trần Văn Trà làm Tư lệnh. Dưới sự chỉ huy của Trung tướng Trần Văn Trà và Bộ Chỉ huy Chiến dịch, Chiến dịch Nguyễn Huệ giành được một số thắng lợi, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng vùng chiến lược rộng lớn nối với Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên và hậu phương miền Bắc.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Clêbê (Pari, Cộng hòa Pháp). Đồng chí Trần Văn Trà làm Trưởng đoàn Đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Cuối năm 1974, tương quan so sánh lực lượng ở miền Nam Việt Nam thay đổi, có lợi cho cách mạng, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975-1976), đồng chí Trần Văn Trà (Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam) họp bàn cùng Ban Lãnh đạo Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền vạch kế hoạch mở đợt tiến công lớn trong mùa khô 1974-1975 nhằm “làm thay đổi cục diện chiến trường”, tạo điều kiện thuận lợi sẵn sàng đón thời cơ xuất hiện. Qua 3 đợt chiến đấu, đến giữa tháng 1-1975, ta giải phóng huyện Tánh Linh, 4 xã thuộc huyện Hoài Đức, nối liền vùng giải phóng Bà Rịa - Long Khánh với Khu 6 và Miền, uy hiếp thị xã Long Khánh từ hướng Bắc. Cũng trong năm 1974, đồng chí Trần Văn Trà được thăng quân hàm Thượng tướng.
Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, Chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh (26-4-1975 - 30-4-1975), Thượng tướng Trần Văn Trà là Phó Tư lệnh Chiến dịch. Trong trận quyết chiến mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc, quân ta gặp nhiều khó khăn, Phó Tư lệnh Trần Văn Trà đích thân vượt sông Đồng Nai, đến Sở chỉ huy Quân đoàn 4 ở La Ngà để nắm tình hình. Đồng chí quyết định thay đổi cách đánh: Chỉ kiềm chế trực diện và đánh mạnh phía sau, chia cắt cứ điểm Xuân Lộc khỏi hậu phương Biên Hòa, Bà Rịa, Vũng Tàu. Đánh theo phương án ấy, quân ta đã buộc địch phải tháo chạy khỏi Xuân Lộc một cách hỗn loạn. Ngày 30-4-1975, các cánh quân của các quân đoàn đồng loạt tiến công vào Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Sau ngày 30-4-1975, đồng chí Trần Văn Trà đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định. Nhận nhiệm vụ mới, đồng chí đi gần như khắp Sài Gòn để xem xét tình hình như một người dân bình thường. Mặc dù thành phố mới được giải phóng còn nhiều phức tạp và xáo trộn, nhưng dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Ủy ban Quân quản thành phố đã làm được những việc hết sức to lớn như: Ổn định được trật tự của thành phố, tuyên bố trả quyền công dân cho toàn bộ viên chức của chính quyền Sài Gòn, giúp đăng ký học tập cải tạo cho hàng chục vạn sĩ quan và binh lính quân đội Sài Gòn, sau đó trả lại quyền công dân cho họ, kịp thời cứu đói cho dân nghèo. Đồng thời, Ủy ban Quân quản còn tạo điều kiện đưa hàng triệu đồng bào chạy giặc trong chiến tranh trở về quê làm ăn sinh sống; duy trì và ổn định bộ máy làm việc cho mọi hoạt động của thành phố, kêu gọi các nhân viên, viên chức trở lại nhiệm sở làm việc...
Sau khi nghỉ hưu, đồng chí vẫn tiếp tục tham gia các đoàn thể, công tác xã hội, là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Mặc dù sức khỏe yếu, đồng chí vẫn luôn dành tình cảm, sự quan tâm tích cực, vận động nhiều nguồn tài trợ để xây nhà tình nghĩa cho những người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn.
Thượng tướng Trần Văn Trà không chỉ giỏi đánh trận mà còn là người say mê nghiên cứu khoa học, một cây bút sắc sảo, để lại hàng ngàn trang bản thảo, gần một nửa trong số đó đã được xuất bản như: Gởi người đang sống (1997), Mùa thu lịch sử (1996), Cảm nhận về Xuân Mậu Thân 1968 (1998)… Đặc biệt, năm 1982, đồng chí đã hoàn thành cuốn “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”. Đây là đóng góp quan trọng cuối đời của đồng chí vào kho tàng nghệ thuật quân sự và lịch sử Quân đội; mang lại nhiều hiểu biết bổ ích và cảm nhận sâu sắc cho các thế hệ...
Ngày 20-4-1996, Thượng tướng Trần Văn Trà từ trần trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí, đồng đội. Đến sau này nhiều người vẫn nhắc lại lời đồng chí từng nói trong Lễ mừng chiến thắng tại Sài Gòn năm 1975: “Dân tộc ta từ đây nhất định trường tồn và phát triển”.
Ghi nhận những công lao to lớn của đồng chí Trần Văn Trà, Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Hồ Chí Minh; 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; 2 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất… Tại nhiều tỉnh, thành phố nước ta, có nhiều con đường, nhiều trường học được vinh dự mang tên Trần Văn Trà như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Đồng Nai. Ở xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi - quê hương của đồng chí, có Trường Tiểu học và Trường trung học cơ sở mang tên Trần Văn Trà.