Từ ngày 1-1-2016, quân nhân tại ngũ chính thức tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định tại Nghị định số 70/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu.
Đây là một chính sách hoàn toàn mới nên sau một năm triển khai tổ chức thực hiện, một số cán bộ, chiến sĩ vẫn chưa hiểu đúng, đầy đủ về chính sách mới này. Vì vậy, Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu một số nội dung cơ bản về chế độ, chính sách BHYT quân nhân đến bạn đọc.
Điểm lưu ý đầu tiên, đó là thực hiện BHYT quân nhân chỉ thay thế phương thức thực hiện và nguồn bảo đảm tài chính trong khám, chữa bệnh (KCB) thường xuyên, thời bình từ ngân sách Nhà nước sang quỹ BHYT. Các khoản ngân sách Nhà nước bảo đảm cho các nhiệm vụ khác, như: Y tế cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thảm họa, thời chiến, nhiệm vụ đặc biệt, đào tạo, huấn luyện y tế... đối với quân đội vẫn thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ và Bộ Quốc phòng.

Về lộ trình thực hiện, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định cụ thể đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý tham gia BHYT, cụ thể: Năm 2016, có ít nhất 30%, sang năm 2017 con số này sẽ là 60% và năm 2018, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ là 100% quân nhân tham gia BHYT. Đối với các đơn vị chưa tham gia BHYT (theo lộ trình), vẫn thực hiện việc KCB như quy định hiện hành và do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí KCB.
Quân nhân tham gia BHYT không phải bỏ tiền túi để đóng BHYT mà ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ phần kinh phí đóng BHYT cho quân nhân, với mức đóng hiện nay là 4,5% tiền lương đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, 4,5% mức lương cơ sở đối với hạ sĩ quan, binh sĩ.
Mỗi quân nhân được BHXH Bộ Quốc phòng cấp một thẻ BHYT duy nhất, có giá trị sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Thẻ BHYT của quân nhân có màu sắc riêng (có hình ngôi sao năm cánh ở chính giữa thẻ và các tia màu hồng lan tỏa...), khác với thẻ BHYT của các đối tượng tham gia BHYT hiện hành. Khi quân nhân đi KCB phải xuất trình thẻ BHYT và một giấy tờ tùy thân có dán ảnh. Khi quân nhân hành quân dã ngoại, làm nhiệm vụ đột xuất, nghỉ phép được KCB ở bất kỳ cơ sở y tế nào và xuất trình thêm giấy giới thiệu của đơn vị hoặc giấy công tác, hoặc giấy nghỉ phép.
Phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT của quân nhân được thể hiện trên thẻ BHYT bằng mã số 5, xác định quân nhân có phạm vi quyền lợi và mức hưởng 100% chi phí KCB, kể cả chi phí KCB ngoài phạm vi của BHYT, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chi phí KCB ban đầu tại quân y cơ quan, quân y đơn vị nơi quản lý trực tiếp quân nhân; chi phí khám bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con tại các cơ sở y tế quân y, dân y; chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế, máu, chế phẩm của máu và không áp dụng tỷ lệ, điều kiện thanh toán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thứ hai, chi phí thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế không thuộc phạm vi BHYT nhưng được phép lưu hành tại Việt Nam.
Thứ ba, chi phí vận chuyển người bệnh do quỹ BHYT chi trả trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật từ tuyến huyện và tương đương trở lên lên tuyến trên, chuyển ngang tuyến, chuyển từ tuyến trên xuống tuyến dưới đến tuyến huyện và tương đương.
Thứ tư, chi phí vận chuyển ngoài phạm vi chi trả của quỹ BHYT sẽ được ngân sách quốc phòng thanh toán trong các trường hợp: Vận chuyển từ nơi công tác, làm việc, học tập hoặc cư trú tới nơi đăng ký KCB ban đầu; vận chuyển từ nơi KCB cuối cùng về nơi công tác, làm việc, học tập hoặc cư trú; chi phí dành cho người hộ tống.
Thứ năm, được KCB BHYT thông tuyến huyện trên phạm vi cả nước từ ngày 1-1-2016. Có nghĩa là quân nhân đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện tuyến huyện (và tương đương), phòng khám đa khoa, trạm y tế xã được KCB tại bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa, trung tâm y tế xã trong cả nước và được hưởng đầy đủ BHYT theo quy định. Và thông tuyến tỉnh từ ngày 1-1-2021.
Thứ sáu, đối với trường hợp chưa được hưởng quyền lợi tại cơ sở KCB, quân nhân có thẻ BHYT được cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng thanh toán trực tiếp, căn cứ trên hồ sơ KCB, biên lai thu viện phí mà người bệnh đã chi trả cho cơ sở KCB với mức hưởng theo quy định.
Các chi phí KCB ngoài phạm vi thanh toán BHYT và không được ngân sách chi trả, quân nhân phải tự thanh toán với cơ sở KCB, gồm: Phần chi phí vượt mức thanh toán BHYT khi quân nhân tự đi KCB không đúng tuyến (trừ quân nhân được cấp thẻ BHYT có ghi mã khu vực là K1, K2, K3); phần chi phí KCB do quân nhân tự chọn thầy thuốc, tự chọn buồng bệnh, tự chọn dịch vụ kỹ thuật hoặc sử dụng dịch vụ kỹ thuật theo hình thức xã hội hóa, KCB tại các cơ sở y tế ngoài công lập.
Như vậy, thực hiện BHYT, quân nhân được quyền KCB tại các bệnh viện quân y, dân y trên toàn quốc, thay vì chỉ trong bệnh viện quân y như trước đây, với phạm vi hưởng, mức hưởng cao nhất so với tất cả các đối tượng tham gia BHYT. Đây là sự thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Thế nhưng, để đưa chính sách mới đi vào cuộc sống, khâu tổ chức thực hiện là hết sức quan trọng, quyết định đến hiệu quả của chính sách đó. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ trước hết phải hiểu đúng, đầy đủ, thấy được quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc tham gia có trách nhiệm vào thực hiện chính sách BHYT quân nhân.
Nguồn: qdnd.vn