Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc ta và quốc tế sâu sắc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại những bài học vô giá, những giá trị lịch sử trường tồn và nguồn động lực tinh thần to lớn giành và giữ chính quyền cách mạng, xây dựng chính quyền dân chủ thực sự của dân, do nhân dân và vì nhân dân. Người chỉ rõ: “Dù nhân dân ta đã nắm chính quyền, nhưng giai cấp đấu tranh trong nước và mưu mô đế quốc xâm lược vẫn còn”. Do đó, xây dựng chính quyền phải đi đôi với bảo vệ chính quyền; hai nhiệm vụ quan trọng này không khi nào được tách rời nhau. Người khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”.
Tuy cách mạng đã thành công, chính quyền đã về tay nhân dân, nhưng nếu không chăm lo xây dựng chính quyền vững mạnh thì không thể quản lý, điều hành được đất nước. Mặt khác, giành được chính quyền, nhưng các thế lực thù địch, phản động cả bên trong và bên ngoài vẫn còn cấu kết với nhau để chống phá cách mạng. Nếu không chăm lo bảo vệ chính quyền thì không thể giữ được thành quả cách mạng, không giữ được chính quyền vừa mới giành được. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ lâm thời ngày 03-9-1945, Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ: “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” và “phải có một Hiến pháp dân chủ”.
Về xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do nhân dân, vì nhân dân là ở chỗ Chính phủ, các cơ quan công quyền là công bộc của dân, các cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Bác khẳng định: “Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”. Trong thư gửi Ủy ban hành chính cán bộ, huyện, làng xã ngày 17-10-1954, Người viết: “Cơ quan Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, xã là đầy tớ của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật”. “Dân là chủ thì Chính phủ là đầy tớ…”. Mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân được thể hiện cụ thể trong mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước có nghĩa vụ với công dân đồng thời có những quyền theo quy định của Hiến pháp, pháp luật để thực thi công quyền mà nhân dân giao phó, ngược lại công dân vừa có quyền, đồng thời có nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “Đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, kiệm, liêm, chính”. Người xác định đây là một trong 6 vấn đề khẩn cấp mà Chính phủ lâm thời phải giải quyết sau khi giành được độc lập. Trong “Lời tuyên bố trước Quốc hội” ngày 31-10-1946, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tuy trong nghị quyết không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”.
Trong khi đặt lên hàng đầu tư tưởng về việc xây dựng một nhà nước là công bộc của dân, xây dựng một chính phủ liêm khiết, Người rất quan tâm đến việc xây dựng một Chính phủ có năng lực quản lý, điều hành đất nước. Người nhấn mạnh tư tưởng về “một Chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ được độc lập và thống nhất của nước nhà”. Khi một Chính phủ có năng lực làm việc thì sẽ giải quyết được nhiều nhiệm vụ của nước nhà, đem lại lợi ích cho quốc gia - dân tộc, cho nhân dân, làm tăng thêm sức mạnh của đất nước, để đủ sức bảo vệ được chính quyền cách mạng. Muốn có một chính quyền như vậy, thì đương nhiên là phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức có đủ đức và tài; phải có chính sách để thu hút nhân tài tham gia vào bộ máy của Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển thêm nhiều”. Bác khẳng định: Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.
Nêu cao tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng phải quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị (Khóa XII, nhất là Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời xây dựng chính quyền cơ sở xã, phường, đô thị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương; thay đổi phương thức giao kinh phí dựa trên tổ chức và biên chế hiện nay; tăng quyền chủ động cho các địa phương trong tổ chức các cơ quan chuyên môn. Đây là một chủ trương đúng đắn và rất cần thiết phải được nghiên cứu, triển khai một cách khoa học đồng bộ trong thực tiễn với sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, thường xuyên của Đảng. Phải đấu tranh khắc phục các nguyên nhân đẻ ra các tệ nạn tiêu cực; càng phải khắc phục nguyên nhân đã để cho các tệ nạn tiêu cực phát triển. Trong cuộc đấu tranh này, phải lấy việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ then chốt, như đã được nêu ra trong nhiều nghị quyết của Đảng.
Vận dụng bài học của Cách mạng Tháng Tám 1945, chúng ta cần tranh thủ những điều kiện và thời cơ thuận lợi trong nước và quốc tế, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.