Bà Rịa - Vũng Tàu được coi là thủ phủ đánh bắt hải sản của vùng Đông Nam bộ với hơn 5.800 tàu cá, trong đó có 3.000 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. Những năm gần đây, diễn biến thời tiết trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là trong mùa mưa bão khiến tai nạn trên biển (TNTB) diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất của ngư dân. Đơn cử như lúc 3 giờ 15 phút ngày 12/7, trong lúc đánh bắt cá tại vùng biển cách mũi Vũng Tàu khoảng 6 hải lý về phía Đông Đông Nam, tàu cá Minh Khánh 01 gặp cơn giông lớn dẫn đến bị phá nước. Ngay sau khi nhận được tín hiệu, tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 272 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III tại TP.Vũng Tàu đã kịp thời cứu cả 6 thuyền viên trước khi tàu chìm hoàn toàn, trong đó có 4 thuyền viên sức khỏe ổn định, 2 thuyền viên bị thương nhẹ.
Ngoài những rủi ro bất khả kháng như: sóng to, giông bão, lốc xoáy, sét đánh… ngư dân còn gặp những tình huống dễ bị tổn hại sức khỏe khi lao động trên biển như: Va đập lúc lặn xuống biển sửa chữa chân vịt, bánh lái tàu gặp sự cố; lưới quấn vào chân lôi xuống biển; ngộ độc khí hầm cá; bị úp thuyền thúng khi đang đánh lưới; bị chấn thương do té vào máy tàu khi đang châm dầu, nhớt cho máy; trượt ngã trên sàn tàu gây chấn thương; rơi xuống biển mất tích… Điển hình như ngày 20/8, trong quá trình đánh bắt cá tại khu vực cách mũi Vũng Tàu khoảng 167 hải lý về hướng Nam Đông Nam, thuyền viên Nguyễn Ngọc Hào (tàu BV 94589 TS) lặn xuống để gỡ lưới bị rối thì bị dây quấn vào chân và cuốn xuống gây ngạt nước, thở khó, tay chân không cử động được.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, việc bị ngộ độc do hít phải khí hầm cá bị ô nhiễm hoặc ăn phải các loại hải sản có độc tố: cá nóc, sam lông, bạch tuộc cũng là nguyên nhân khá phổ biến. Đặc biệt, nhiều trường hợp không được sơ cứu kịp thời hoặc sơ cứu không đúng cách khiến nguy cơ tử vong càng cao. Ngoài ra, do nguồn lao động đi biển chuyên nghiệp tại chỗ luôn thiếu hụt, nhiều chủ tàu phải thuê lao động không có khả năng bơi lội và thiếu hụt nhiều kỹ năng đi biển khác. Một số tàu cá không trang bị áo phao, vật dụng bảo hộ lao động hoặc chủ quan không sử dụng... cũng là nguyên nhân dẫn đến TNTB.
Theo bác sĩ Hà Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, những hầm cá hoạt động lâu ngày thường có chứa khí độc. Do đó, trước khi xuống hầm cá, ngư dân cần phải đốt một ngọn đèn đưa xuống trước. Nếu đèn tắt thì chắc chắn hầm có lượng khí độc nhiều, lượng khí oxy thấp nên phải xử lý để khí độc thoát ra bên ngoài trước khi xuống hầm. Ngoài ra, nếu có người đang làm việc dưới hầm cá thì phải bố trí ít nhất một người ở trên hầm quan sát, theo dõi, đồng thời phải mang dây an toàn và bảo hộ cá nhân để người ở trên thực hiện biện pháp cấp cứu kịp thời khi có sự cố ngạt khí. Ngư dân cũng cần cảnh giác với các loài hải sản có hình dáng lạ, màu sắc sặc sỡ, tuyệt đối không dùng các loài hải sản độc chế biến làm thức ăn.
SẴN SÀNG ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯ DÂN
Để bà con ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ một cách an toàn, hiệu quả, thời gian qua, BĐBP tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, như: tặng cờ Tổ quốc, dụng cụ y tế, phao cứu sinh cho ngư dân; thường xuyên kiểm tra, chăm sóc sức khỏe cho người dân, hướng dẫn tàu thuyền của ngư dân vào nơi tránh trú bão an toàn.
Cụ thể là từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Phước Tỉnh, đơn vị được giao quản lý hơn 1.800 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó có 800 phương tiện đánh bắt xa bờ đã vận động gần 100 triệu đồng để trang bị 200 áo phao, 200 phao cứu sinh cho các chủ tàu cá, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngư dân chủ động nâng cao ý thức khi tham gia giao thông đường thủy, xây dựng văn hóa giao thông với bình yên sông nước. Ông Nguyễn Minh Tuấn, chủ tàu BV 93799 TS (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết: “Ngư dân chúng tôi được các cán bộ hướng dẫn một cách rõ ràng, rành mạch về những biện pháp cầu cứu và liên lạc với lực lượng biên phòng khi gặp sự cố trên biển. Do vậy, chúng tôi rất yên tâm mỗi lần ra khơi, đặc biệt là trong mùa mưa, bão”.
Không chỉ có Đồn Biên phòng Phước Tỉnh mà 100% đơn vị trực thuộc BĐBP tỉnh luôn túc trực 24/24 để tiếp nhận thông tin báo nạn của ngư dân. Khi ngư dân báo nạn, các đơn vị lập tức xác định tọa độ nơi tàu gặp nạn, sự cố của tàu, nhiên liệu và lương thực thực phẩm trên tàu… để có biện pháp ứng cứu kịp thời, đồng thời giữ liên lạc với tàu thuyền gặp nạn để nắm bắt tình hình, động viên ngư dân trong thời gian chờ lực lượng đến ứng cứu.
Ngoài ra, tại 26 xã, phường, thị trấn ven biển trong tỉnh, các đơn vị BĐBP đã vận động 2.350 phương tiện với 22.580 ngư dân tham gia 346 “Tổ tàu thuyền đánh bắt hải sản trên biển”. Trong mỗi chuyến ra khơi, ngư dân trong Tổ không hoạt động riêng lẻ mà tập hợp thành từng nhóm từ 5-10 tàu cùng đi. Khi gặp các sự cố, rủi ro trên biển, các thuyền viên sẽ chủ động ứng cứu lẫn nhau. “Nhờ tham gia “Tổ tàu thuyền đánh bắt hải sản trên biển” mà tôi thấy yên tâm hơn mỗi khi tàu cá ra khơi, bởi khi một tàu nào đó trong tổ gặp sự cố rủi ro, các tàu còn lại sẽ sẵn sàng ứng cứu hoặc tương trợ lẫn nhau, bảo đảm tính mạng và tài sản cho ngư dân”, ông Hồ Ngôn, thuyền trưởng tàu cá BV 5715 TS (21/23 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường 3, TP.Vũng Tàu) chia sẻ.
Theo thống kê của BĐBP tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra 68 vụ tai nạn làm 12 tàu bị chìm, 31 người chết, 15 người mất tích, 3 người bị thương, 2 phương tiện va chạm làm hư hỏng 25 tấm lưới. BĐBP tỉnh đã phối hợp với các lực lượng có liên quan cứu 38 ngư dân bị tai nạn trên biển, tiếp nhận và đưa đi cấp cứu 1 thuyền viên nước ngoài trôi dạt trên biển và 2 thuyền viên nước ngoài bị bệnh.
Đại tá Đào Quang Hiển, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các ban, ngành địa phương, lực lượng chức năng nắm chắc tình hình thời tiết, số lượng tàu hoạt động trên vùng biển, tình hình xảy ra va chạm, tai nạn… để có phương án tìm kiếm, cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại do tai nạn gây ra; tăng cường tuyên truyền kiến thức về bảo đảm an toàn cho ngư dân khi lao động trên biển, đồng thời kiên quyết không cho xuất bến đối với các phương tiện không trang thiết bị đủ các thiết bị bảo hộ hoặc không đủ giấy tờ hợp lệ về các điều kiện hoạt động trên biển của phương tiện.
Theo ông Lương Trường Phi, Phó Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III, trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản trên biển, nếu xảy ra bất cứ sự cố nào liên quan đến người và phương tiện, ngư dân cần bình tĩnh, đồng thời nhanh chóng liên lạc với Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III qua đường dây nóng 02543.850.950. Đối với phương tiện có trang bị máy thu phát vô tuyến MF/HF ICOM có thể phát thông tin cấp cứu trên tần số 7903 kHz, các thông tin yêu cầu trợ giúp sẽ được các đài thông tin duyên hải (32 đài trực canh 24/24h) trải dài theo bờ biển từ Móng Cái đến mũi Cà Mau sẽ tiếp nhận, trợ giúp và chuyển đến các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn để có các biện pháp, phương án ứng cứu kịp thời. Trong trường có người bị thương, cần tiến hành sơ cứu kịp thời và đưa vào điểm có cơ sở y tế để chăm sóc, chữa trị.