(QK7 Online) - Cách đây 50 năm đã xảy ra một biến cố vô cùng quan trọng trên toàn miền Nam. Đó là sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của Quân giải phóng vào các sào huyệt của Mỹ, ngụy. Cùng với nhiều đô thị ở miền Nam, tại Sài Gòn, lực lượng Biệt động thành đã đồng loạt công kích vào các cơ quan đầu não của địch làm cho chúng khiếp đảm, kinh hoàng, góp phần làm nên một Mậu Thân chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng dấu ấn xuân Mậu Thân năm 1968 mãi mãi là niềm tự hào - bản anh hùng ca bất tử của ý chí khát vọng độc lập tự do, tinh thần anh dũng bất khuất của quân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.
Trận tiến công Bộ Tổng Tham mưu ngụy
Trận đánh nổ ra tại cổng số 4 gần ngã ba Trương Quốc Dụng - Võ Tánh (Hoàng Văn Thụ) do đồng chí Đỗ Tấn Phong cùng các đồng chí Ba Tâm, Tám Bền, Năm Đức chỉ huy.
Tại đây địch chống trả quyết liệt ngay từ đầu, nên các mũi xung kích không lọt vào bên trong căn cứ được, nên phải trụ lại ngoài bờ rào và các ngôi nhà kế cận. Các chiến sĩ ta lợi dụng địa hình địa vật chiến đấu, đẩy lùi nhiều cuộc xung phong của bộ binh và xe tăng địch có phi pháo yểm trợ. Đến chiều ngày 31/1, địch bị chia cắt đội hình. Phía ta Cụm Biệt động 6 – 7 – 9 thương vong khá nhiều nên sức chiến đấu giảm dần, một bộ phận buộc phải rút khỏi trận địa. Số còn lại kiên cường chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.
Kết quả, địch chết và bị thương gần 100 tên. Trong trận này chiến sĩ Phạm Thị Mỹ (Oanh) đã có hành động dũng cảm. Sau này Phạm Thị Mỹ (Oanh) và đồng chí Đỗ Tấn Phong được tuyên dương Anh hùng LLVTND.
Trận đánh Đài phát thanh Sài Gòn
Trận đánh dinh Độc lập
Diễn ra lúc 1 giờ 30 phút ngày 31/1, rạng sáng ngày mùng 2 tết Mậu Thân do 15 chiến sĩ của Đội 5 Biệt động thực hiện dưới sự chỉ huy của đồng chí Trương Hoàng Thanh. Đơn vị tiến công ở hông đường Nguyễn Du. Một tổ lọt được vào trong khuôn viên dinh nhưng đều thương vong. Đơn vị phải triển khai chiến đấu dọc đường Nguyễn Du, đánh cháy xe Jeep và diệt nhiều địch, song tình thế quá ác liệt, đến sáng thì toàn đội hy sinh 8 đồng chí, trong đó có đội trưởng Trương Hoàng Thanh, 4 người khác bị thương. Số còn lại buộc phải rút vào cố thủ trên lầu 3 của nhà số 56, đường Thủ Khoa Huân kiên quyết chiến đấu đến hết đạn. Đồng chí Lê Tấn Quốc (bí danh Bảy rau muống - Anh hùng LLVTND) chốt chặn cầu thang anh dũng hy sinh. Sáng ngày 1 tháng 2, bảy đồng chí còn lại trong đó có nữ y tá Chín Nghĩa di chuyển sang ngôi nhà 108 Gia Long (Lý Tự Trọng hiện nay), tất cả đều bị bắt.
Kết quả, Đội 5 bắn cháy 2 xe Jeep, diệt gần 50 tên, ta hy sinh 8, bị bắt 7 (trong đó 4 bị thương).
Trận đánh Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy
Do đồng chí Nguyễn Văn Lép (Bảy Lớp) chỉ huy gồm 16 cán bộ, chiến sĩ chia làm 2 mũi bất ngờ đánh chiếm mục tiêu khiến địch không kịp đối phó. Sau đó địch củng cố lực lượng bao vây, cùng lúc bọn địch ở dưới sông Sài Gòn dùng tiểu pháo 20 mm và trọng 5 liên 12,7 mm bắn lên. Các chiến sĩ đơn độc chiến đấu, người trước ngã, người sau tiến lên. Đến 6 giờ sáng thì toàn đội hy sinh gần hết. Hai đồng chí thoát khỏi trận địa bơi qua sông về căn cứ. Đội trưởng Bảy Lớp bị bắt và sau đó đã bị sát hại. Kết quả ta đánh sập một lô cốt và nhà canh phòng của đại đội công vụ hải quân, diệt 12 tên. Đội 3 biệt động hy sinh 14 đồng chí.
Trận đánh đại sứ quán Mỹ
Do đội trưởng Ngô Thanh Vân (Ba Đen), đội trưởng Đội 11 chỉ huy gồm 17 cán bộ, chiến sĩ. Sau khi diệt bọn lính canh cổng, các chiến sĩ đã dùng bộc phá đánh thủng tường bao lao vào trong khuôn viên chiếm tầng trệt, bắt tù binh. Từ đó đánh lên tầng 3. Từ 3 giờ sáng trở đi, địch điều động lực lượng hỗn hợp Mỹ - ngụy đến giải vây và dùng hỏa lực mạnh từ cao ốc xung quanh bắn sang. Đến 5 giờ sáng quân ta thương vong quá nửa, nhưng vẫn cố thủ kiên cường chiến đấu. Mãi đến 8 giờ sáng trực thăng Mỹ mới đổ được quân đánh từ trên nóc sân thượng xuống. Đội trưởng Ba Đen và anh em bình tĩnh diệt nhiều tên. Nhưng vì lực lượng ít, anh em lần lượt hy sinh. Cuối cùng chỉ còn lại Ba Đen bị thương do sức ép bộc phá ngất ở cầu thang và bị địch bắt. Đến 9 giờ địch mới tràn vào chiếm lại tòa nhà
Kết quả trận đánh: Đội 11 biệt động đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh chiếm tòa đại sứ Mỹ từ tầng trệt đến tầng 3, giữ trận địa được 6 giờ. Địch thương vong 124 tên. Đội 11 biệt động hy sinh, còn lại đội trưởng Ba Đen bị bắt.
Có thể nói trận đánh Đại sứ quán Mỹ của Biệt động trong tết Mậu Thân đã làm chấn động dư luận nước Mỹ và cả thế giới.
Đợt 1 Mậu Thân tại Sài Gòn đến ngày 28 tháng 3 năm 1968 kết thúc.
Đợt 2 Mậu Thân 1968
Để chuẩn bị cho đợt 2 Mậu Thân, lực lượng võ trang nội thành được tổ chức lại. Quân số của các Cụm biệt động 1, 2, 8; 3, 4, 5; 6, 7, 9, Biệt động Hoa vận … và một số mới bổ sung thành lập một cụm mạnh lấy cán bộ, chiến sĩ ở cụm 6, 7, 9 làm nòng cốt. Các lực lượng biệt động và võ trang của thanh niên, học sinh, Hoa vận, công vận chưa chiến đấu trong đợt 1 được lệnh sẵn sàng chiến đấu làm nhiệm vụ tấn công địch ở cấp quận.
Một bộ phận của cánh Phụ vận Thành ủy, khoảng 30 chị em thành lập “Tiểu đoàn Lê Thị Riêng” do đồng chí Lê Thị Bạch Cát và Lê Hồng Quân chỉ huy.
Tuy nhiên, theo kế hoạch hợp đồng, vào 13 giờ ngày 4 tháng 5, một bộ phận biệt động đã dùng chất nổ tiến công Đài truyền hình ngụy nằm trên đường Hồng Thập Tự (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, hiện nay), mở đầu cuộc tiến công đợt 2 tại Sài Gòn – Gia Định.
Trong đợt 2 này, Biệt động thành phối hợp với các đơn vị thọc sâu của các phân khu, lực lượng Biệt động Thành đoàn, lực lượng tự vệ của các quận 2, 7, 8, 10, Biệt động cánh Hoa vận đã tập kích đều khắp trên địa phương mình, trong đó cánh Hoa vận đã chiếm được tòa hành chánh quận 5. Đến ngày 15/5/1968 địch mới giải tỏa được.
Đợt 2 Mậu Thân chấm dứt vào ngày 18 tháng 6 năm 1968, đồng thời kết thúc cơ bản cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định. Đây cũng là thời gian kết thúc Mậu Thân đối với lực lượng Biệt động thành.
Dấu ấn của Biệt động thành trong Mậu Thân 1968 mãi mãi là dấu chấm son trong trang sử vàng của Đảng bộ, Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.