Nhận xét của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trên đây thể hiện rất rõ và sinh động trong thời điểm Nhân dân và LLVT Sài Gòn - Gia Định - dưới sự lãnh đạo của Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu Võ Văn Kiệt - xác định quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, khi chúng trực tiếp đưa quân chiến đấu vào chiến trường miền Nam.
Trong lúc đó, vào thời điểm giữa năm 1965, LLVT Sài Gòn - Gia Định có 7 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội đặc công, 1 đoàn biệt động, 3.000 dân quân tự vệ du kích. Tổng cộng LLVT toàn Quân khu hơn 9.000 cán bộ, chiến sĩ. Vấn đề đặt ra lúc này là, Nhân dân và LLVT cách mạng Sài Gòn - Gia Định - vốn là những nông dân cầm súng, trang bị vũ khí thô sơ - có dám đương đầu chiến đấu với quân đội viễn chinh Mỹ và đồng minh của Mỹ là những đơn vị chiến đấu nhà nghề, được tổ chức huấn luyện bài bản, chính quy và trang bị hết sức hiện đại? “Liệu quân và dân ta có dám đánh Mỹ không? và nếu dám, có đánh thắng quân Mỹ không?”. Đó là câu hỏi luôn trăn trở trong tư duy của Võ Văn Kiệt và tập thể Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Trả lời câu hỏi ấy phải căn cứ vào sự chỉ đạo của cấp trên và sự phân tích kỹ lưỡng khả năng của lực lượng kháng chiến cùng những diễn biến thực tiễn trên chiến trường.
Cuối năm 1965, nhận lại trách nhiệm Bí thư Khu ủy, tiễn đồng chí Nguyễn Văn Linh về lại Trung ương Cục, đồng chí Võ Văn Kiệt nhận được bản sao Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 (ngày 27-12-1965) của Trung ương Đảng. Nghị quyết chỉ rõ: “Quân và dân ta cần ra sức tăng cường lực lượng về mọi mặt, tiếp tục phát triển thế chủ động, liên tiếp tiến công địch, tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận quan trọng quân đội Mỹ, làm cho nó bị tổn thất nặng, không thể ngăn chặn được sự tan rã của ngụy quân, ngụy quyền”.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Trung ương Cục miền Nam, Bí thư, Chính ủy Quân khu Võ Văn Kiệt cùng với tập thể Thường vụ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu trao đổi, nghiên cứu phân tích kỹ lưỡng khả năng, điểm mạnh và những sơ hở, điểm yếu của Quân đội viễn chinh Mỹ, phát huy cao độ thế mạnh của chiến tranh Nhân dân địa phương, đề ra nhiều giải pháp nhằm xây dựng ý chí quyết tâm đánh Mỹ, xây dựng niềm tin và tìm cách đánh thắng Mỹ. Đồng chí khẳng định: “Trước khi quân viễn chinh Mỹ vào, ta đã đánh được Mỹ trong nội đô Sài Gòn, trong các cuộc chống càn quét của quân lực Việt Nam cộng hòa có cố vấn Mỹ và trang bị vũ khí của Mỹ. Nay quân Mỹ vào, chúng ta cần nghiên cứu sự khác biệt về quy mô lực lượng để đánh. Nhất định đánh được và đánh thắng Mỹ”. Từ kết luận trên, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định lãnh đạo các LLVT đẩy mạnh hoạt động tiến công địch trên các chiến trường.
Trong nội đô, lực lượng Biệt động Thành liên tục tổ chức thành công các trận tập kích vào căn cứ Mỹ và những tụ điểm có nhiều sĩ quan binh lính Mỹ. Có thể kể một số trận tiêu biểu tại: trụ sở phái đoàn MACV (Bộ chỉ huy Viện trợ quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam - The US Military Assistance Command, Vietnam - cơ quan chỉ huy quân sự thống nhất đối với toàn bộ lực lượng quân sự của Mỹ tại miền Nam Việt Nam (1-1965); tòa Đại sứ Mỹ ở đường Hàm Nghi (3-1965), phòng tiếp tân dành riêng cho Bộ chỉ huy Mỹ ở sân bay Tân Sơn Nhất (5-1965); khách sạn Metropol dành cho sĩ quan Mỹ (12-1965); căn cứ khu vực hậu cần Sư đoàn 25 Mỹ ở ngã tư Bảy Hiền (12-1965); khách sạn Victoria nơi ở của trên 200 sĩ quan và nhân viên sĩ quan kỹ thuật hàng không Mỹ (4-1966); tàu 12.000 tấn hậu cần Mỹ tại sông Lòng Tàu (7-1966),…
Ở vùng ven, Tiểu đoàn Quyết Thắng cùng LLVT các huyện nông thôn phối hợp với bộ đội chủ lực Miền liên tục đánh quân đội Sài Gòn, có cố vấn Mỹ chỉ huy càn quét nhẳm tìm diệt Quân giải phóng và căn cứ địa kháng chiến.
Một số trận đánh điển hình không chỉ tiêu hao sinh lực quân đội Sài Gòn mà còn diệt nhiều tên Mỹ và trang bị chiến tranh hiện đại của Mỹ: Trận phục kích đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn địch tại cầu An Hạ - lộ 10 (30-4-1965); trận phục kích đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 30 biệt động tại Quán Chuối (7-5-1965); trận đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 quân đội Sài Gòn tại Bàu Lách - Nhuận Đức (9-5-1965). Tại Đồng Dù - Củ Chi, ngày 23-1-1966, Lữ đoàn 2, Sư đoàn bộ binh 25 “Tia chớp nhiệt đới” do Đại tá Lynwood Johnson chỉ huy đến chốt giữ, biến nơi đây thành một “pháo đài quân sự” kiên cố. Trước động thái mới của Mỹ, đồng chí Võ Văn Kiệt trao đổi với Ban thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu chủ trương thành lập vành đai diệt Mỹ xung quanh căn cứ Đồng Dù. Toàn bộ vành đai được tổ chức thành một hệ thống trận địa gồm nhiều tuyến, nhiều ổ, cụm chiến đấu, lỗ bắn tỉa, ấp, xã chiến đấu liên hoàn. Từ các tuyến vành đai, du kích, bộ đội địa phương liên tục trụ bám, bắn tỉa, chiến đấu ngăn chặn quân Mỹ bung ra ngoài đi càn quét. Phong trào giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” phát triển mạnh mẽ.
Thực tiễn trên đây đã hình thành trong tư duy của Bí thư Khu ủy, Chính ủy Võ Văn Kiệt nói riêng, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định nói chung về quyết tâm và cách thức đánh Mỹ. Ngày 7-2-1966, tại xã An Phú, Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định tổ chức Hội nghị tổng kết kinh nghiệm chiến tranh Nhân dân trên địa bàn Củ Chi. Đại hội tuyên dương và tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ diệt máy bay cho 209 cán bộ, chiến sĩ trong toàn Quân khu, đồng thời rút ra 10 bài học về cách đánh Mỹ và thắng Mỹ.
Hoạt động đánh Mỹ trên các chiến trường và 10 bài học kinh nghiệm được đúc kết trong Hội nghị tổng kết kinh nghiệm chiến tranh Nhân dân của Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã cung cấp những luận cứ thực tiễn sinh động để Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy các LLVT Nhân dân giải phóng miền Nam - chỉ đạo quân và dân miền Nam thực hiện phương châm “cứ đánh Mỹ rồi sẽ tìm ra cách đánh” và “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”. Kinh nghiệm về đánh Mỹ ở Sài Gòn - Gia Định được nhanh chóng phổ biến rộng rãi, tạo nên một phong trào tìm Mỹ mà diệt trên toàn chiến trường miền Nam. Thành tựu ấy xuất phát từ đường lối chiến tranh Nhân dân và nghệ thuật quân sự của Đảng Lao động Việt Nam trong chiến tranh giải phóng; từ tinh thần yêu nước, quả cảm, sáng tạo của quân và dân Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; từ sự tài trí, khả năng phân tích tình hình, đề ra và tổ chức thực hiện trong thực tiễn quyết tâm, cách thức hành động hợp lòng người, phù hợp với quy luật phát triển khách quan của tập thể thường trực Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định mà người đứng đầu là đồng chí Võ Văn Kiệt!