Hình minh họa
Đồng Nai có động thái mới về tuyến cao tốc quan trọng sẽ khởi công trong năm nay
Dự án Dầu Giây – Liên Khương có tổng chiều dài hơn 200km, kết nối Đồng Nai với tỉnh Lâm Đồng. Tuyến cao tốc này được chia làm 3 dự án thành phần gồm Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương.
Trong đó, hai đoạn Dầu Giây – Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai. Với cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, dự án có quy mô 4 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h. Làn dừng khẩn cấp bố trí không liên tục, khoảng 4-5km bố trí 1 điểm dừng khẩn cấp.
Với cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, dự án có quy mô đầu tư 4 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h. Làn dừng khẩn cấp bố trí không liên tục, khoảng 4-5km bố trí một điểm dừng khẩn cấp.
Bà Rịa – Vũng Tàu quy hoạch hàng loạt khu công nghiệp, đô thị dọc theo đường Vành đai, cao tốc, cảng biển
Theo Quy hoạch tỉnh, định hướng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển trục kinh tế động lực công nghiệp - cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và QL51. Dựa trên vùng chức năng đã được xác định rõ, ngoài 2 khu công nghiệp tại Vũng Tàu (Đông Xuyên và dầu khí Long Sơn) và Đất Đỏ (Đất Đỏ 1), toàn bộ vùng phát triển khu công nghiệp của tỉnh sẽ nằm tại Phú Mỹ và Châu Đức.
Cùng với đó, dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4, TP.HCM hình thành trục kinh tế động lực công nghiệp - logistics; phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ; hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ mới tại Cù Bị và Suối Nghệ (Châu Đức); khu logistics dọc Vành đai 4; các trung tâm logistics cấp tỉnh tại huyện Châu Đức.
Các khu công nghiệp trong trục động lực này thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành công nghiệp có công nghệ cao, tiên tiến: điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo; sản xuất phương tiện vận tải; dược phẩm, chế phẩm sinh học…
Từ ngày 15/5, giá điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng một lần
Ngày 26/3, Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thay thế cho Quyết định 24/2017/QĐ-TTg được ban hành từ năm 2017.
Theo đó, hàng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả khâu và việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
Khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Khi giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Bất động sản sẽ có sự phân hoá ra sao trong năm 2024?
Theo Vietnam Report, thị trường bất động sản năm 2024 có tín hiệu tích cực hơn năm 2023 nhưng sẽ có sự phân hóa giữa các phân khúc thị trường.
Kết quả khảo sát với chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản về triển vọng của đơn vị này cho thấy, thời điểm phục hồi của các phân khúc thị trường cho thấy các phân khúc phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp, nhu cầu ở thực, phù hợp với điều kiện tài chính của người dân sẽ phục hồi trước; các phân khúc nhà ở, chung cư cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi chậm hơn.
Bất động sản nhà ở, chung cư giá rẻ và trung cấp là phân khúc mà cầu vượt cung trên thị trường, những chính sách tháo gỡ, thúc đẩy thị trường sẽ là điều kiện để tăng nguồn cung và đưa thị trường nhộn nhịp trở lại.
Điểm nhấn trong phân khúc này là tầm nhìn xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030, kết hợp cùng các quy hoạch quỹ đất, ưu đãi cho chủ đầu tư và điều chỉnh chính sách chào bán sẽ là cơ hội để tăng nguồn cung và giúp nhiều đối tượng thu nhập thấp có thể tiếp cận được nhà ở xã hội.
Hoàng An (TH)