(QK7 Online) - Bảo tàng LLVT miền Đông Nam bộ, còn được biết với cái tên thân mật khác là Bảo tàng Quân khu 7, vừa tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống. Nơi đây đã trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống, truyền ngọn lửa cách mạng đến thế hệ trẻ.
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và cán bộ, nhân viên Bảo tàng LLVT miền Đông Nam bộ qua các thời kỳ trong buổi họp mặt.
Ngày 5-2-1988, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ban hành quyết định xây dựng Bảo tàng LLVT miền Đông Nam bộ. Được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, qua 30 năm Bảo tàng Quân khu 7 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu về LLVT Quân khu và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Điều này đã phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc và Quân đội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tá Đỗ Văn Bảnh, Bí thư Đảng ủy Cục Chính trị, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 phát biểu chúc mừng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực nhưng Bảo tàng Quân khu 7 đã chủ động tổ chức nhiều cuộc triển lãm tại chỗ và lưu động phục vụ hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ; khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập. Công tác sưu tầm hiện vật, di vật của liệt sĩ trên địa bàn Quân khu 7 cũng được Bảo tàng LLVT miền Đông Nam bộ chú trọng thực hiện suốt hành trình 3 thập kỷ qua. Mới đây, sự hỗ trợ trưng bày Nhà truyền thống Mặt trận 779 tại Campuchia đã để lại nhiều ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế.
Toàn bộ hình ảnh, hiện vật trưng bày trong Nhà truyền thống Mặt trận 779 Quân khu 7 tại Campuchia do Bảo tàng Quân khu thực hiện.
Với đội ngũ cán bộ, nhân viên yêu nghề, không ngại khó khăn, hiện nay 100% cán bộ, nhân viên Bảo tàng có trình độ Cao đẳng, Đại học đúng chuyên ngành, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ chỗ không có hiện vật trưng bày phải nhờ sự giúp đỡ của các bảo tàng bạn và bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, hiện nay Bảo tàng LLVT miền Đông Nam bộ đã có hơn 18 ngàn hiện vật gốc và hơn 15 ngàn hình ảnh, tư liệu quý, hiếm, trong đó có sổ “Trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh” được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia.
Bảo vật quốc gia - Sổ Trực ban Chiến dịch Hồ Chí Minh hiện đang trưng bày tại số 2 Lê Duẩn, quận 1.
Ghi nhận những đóng góp trong suốt thời gian qua, dịp này Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ quốc phòng đã gửi thư chúc mừng Bảo tàng Quân khu 7. Trong thư có đoạn "Tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những thành tích và sự tiến bộ, trưởng thành của Bảo tàng Quân khu 7. Mong rằng trong giai đoạn cách mạng mới, các đồng chí tiếp tục nêu cao phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, phát huy truyền thống "Trung thành tận tụy, đoàn kết kỷ luật, khoa học thực tiễn"; ra sức xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của Đảng".
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7 tặng hoa chúc mừng.
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu chụp hình lưu niệm với cán bộ, nhân viên Bảo tàng qua các thời kỳ.
Hải Yến