Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương kiểm tra hoạt động trưng bày, lưu giữ hiện vật của Bảo tàng
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Với tầm nhìn chiến lược bảo vệ di sản văn hóa - lịch sử - quân sự, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chỉ đạo tập trung sưu tầm hình ảnh, tài liệu, hiện vật, xây dựng Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ, nhằm khắc ghi những chiến công của các đơn vị lực lượng vũ trang và Nhân dân, đồng thời tri ân những cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngày 5/2/1988, Tư lệnh Quân khu ban hành Quyết định số 26 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Bảo tàng LLVT Miền Đông Nam bộ. Và ngày 5/2 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Bảo tàng LLVT Miền Đông Nam Bộ.
Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu tặng hoa chúc mừng nhân kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống Bảo tàng
Song song đó, công tác sưu tầm được triển khai nhanh chóng. Các đơn vị quân đội, không kể là của Bộ, hay của Quân khu, khi cán bộ bảo tàng đến đặt vấn đề sưu tầm hiện vật đều hỗ trợ hết mình, chính vì thế mà một khối lượng lớn vật thể khối được vận chuyển về bảo tàng, phục vụ cho công tác trưng bày, bảo quản.
Trong giai đoạn đầu, đội ngũ cán bộ được điều động từ nhiều nơi về như cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần… Tất cả đều quyết tâm xây dựng Bảo tàng bằng nhiệt huyết cách mạng, không nề hà khó khăn, gian khổ.
Sau 2 năm xây dựng, Bảo tàng được khánh thành, đưa vào phục vụ khách tham quan nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1990) và kỷ niệm 15 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/1990). Cùng thời điểm này, Phòng trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng được khánh thành, trở thành một bộ phận quan trọng của Bảo tàng LLVT Miền Đông Nam Bộ trong suốt 35 năm qua.
Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Bảo tàng tri ân các thế hệ lãnh đạo Bảo tàng tại buổi họp mặt kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống
Sau ngày khánh thành đưa vào trưng bày, công tác nghiên cứu lập quy hoạch và đề cương trưng bày bảo tàng tiếp tục được triển khai thực hiện. Tổng diện tích trưng bày trên 17.500 m2 trong nhà và ngoài trời, lưu giữ trên 20.000 hiện vật các loại.
Nội dung trưng bày phong phú, độc đáo, đa dạng, phản ánh trung thực, sinh động lịch sử hình thành, phát triển của LLVT miền Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, Nam Tây nguyên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khởi phát từ những ngày đầu Nam bộ kháng chiến đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiếp đó đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược bảo vệ biên giới Tây Nam và làm tròn nghĩa vụ quốc tế; LLVT Quân khu 7 tiếp tục cùng quân dân cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Các hoạt động triển lãm luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của LLVT Quân khu.
Nội dung triển lãm mang tính giáo dục, tính chiến đấu cao đối với cán bộ, chiến sĩ LLVT và Nhân dân.
Tổ chức hiệu quả chương trình “Hành trình đến với bảo tàng”.
Phối hợp tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên đề góp phần tăng cường công tác giáo dục truyền thống.
Để phát triển Bảo tàng Quân khu tương xứng với tầm vóc, chiến công của LLVT miền Đông Nam bộ, Thường vụ Đảng ủy, Ban Chủ nhiệm Cục Chính trị yêu cầu:
Một là, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng làm cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, người lao động nhận thức rõ nhiệm vụ; luôn thấu suốt quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của QUTW, Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và Đảng ủy, Ban Chủ nhiệm Cục Chính trị, đặc biệt là các nghị quyết về phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật trong tình hình mới.
Hai là, lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, chú trọng công tác sưu tầm, bảo quản chuyên sâu, đột phá ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới nâng cao chất lượng công tác trưng bày, triển lãm, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, quân sự, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Ba là, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ tâm, đủ tầm, có lực lượng kế thừa vững chắc; coi trọng thu hút nhân tài, chủ động đề nghị cho cán bộ có đủ năng lực được đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ tại các trường trong và ngoài quân đội; có kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công tác bảo tàng trong tình hình mới.
Bốn là, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đoàn kết thống nhất cao trong nội bộ và đoàn kết quân dân. Thường xuyên quan tâm chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên. Phối hợp chặt chẽ với địa phương, đơn vị thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.
Năm là, tập trung xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”; tích cực phòng chống các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện tốt các khâu đột phá mà Nghị quyết đại hội đã xác định, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Bảo tàng cho biết: “Để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo tàng, Ban Giám đốc Bảo tàng đã có nhiều biện pháp hiệu quả, đề ra nhiều mô hình thi đua thiết thực như: Mô hình “Giỏi chuyên môn, năng lao động”, “Giỏi một việc, biết nhiều việc”; “Hành trình đến với Bảo tàng”… thực sự trở thành động lực thúc đẩy đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, xây dựng bản lĩnh, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ; khuyến khích, động viên tinh thần học tập, nghiên cứu về lý luận, thực tiễn các hoạt động bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; chủ động ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào trưng bày. Không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp thuyết minh, phù hợp với từng đối tượng khách tham quan, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ tự hào với lịch sử hào hùng của dân tộc, qua đó bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quân sự, truyền thống tốt đẹp của dân tộc nói chung, LLVT miền Đông Nam Bộ nói riêng trong thời kỳ mới”.