Đặc biệt, những người lính từng là cấp dưới của ông hoặc có thời gian gắn bó, công tác với ông không khỏi bàng hoàng, xúc động, tiếc thương người thủ trưởng, người đồng chí đầy ân nghĩa, trách nhiệm...
Sau giây phút xúc động, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ hồi tưởng lại quãng thời gian được công tác với đồng chí Lê Khả Phiêu. Sau giải phóng miền Nam, Thiếu tướng lúc đó là Tham mưu trưởng của Trung đoàn 88 được biên chế trong đội hình chiến đấu mặt trận 719 (tham gia hỗ trợ Campuchia trong cuộc chiến chống lại chế độ diệt chủng).
Tướng Thổ kể, trong ác liệt, gian khổ của các chiến trường, đồng chí Lê Khả Phiêu luôn trở thành biểu tượng của sự dũng cảm, lòng quyết tâm để cán bộ, chiến sĩ noi theo. Trong những trận vào sinh, ra tử của Mặt trận 719, nhiều lần bằng sự mưu trí dũng cảm của người chỉ huy, đồng chí Lê Khả Phiêu giải quyết nhiều tình huống để không phải hy sinh xương máu đồng đội.
Thiếu tướng Thổ kể tiếp, hai kỷ niệm đáng nhớ là trong một trận giao tranh ác liệt của cán bộ chiến sĩ Mặt trận 719 với bọn diệt chủng và trong một trận đánh cao điểm biên giới phía Bắc. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, phẩm chất của một “dũng tướng”, “nhân tướng” của đồng chí Lê Khả Phiêu giúp toàn đơn vị tránh nhiều tổn thất…
Bài học về chữ “Nhẫn”
Cũng theo Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, ông là người khá gần gũi, có nhiều năm là cấp dưới của đồng chí Lê Khả Phiêu, điều ông học được nhiều nhất từ Thủ trưởng của mình chính là chữ “Nhẫn”. Tướng Thổ luôn nhớ và thuộc 4 câu di huấn về chữ “Nhẫn” mà Thượng tướng Lê Khả Phiêu căn dặn. Đó là: “Có khi nhẫn để yêu thương/ có khi nhẫn để tìm đường lo toan/ có khi nhẫn để vẹn toàn/ có khi nhẫn để tránh tàn sát nhau”.
“Đây là 4 câu di huấn mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho đồng chí Lê Khả Phiêu mà tôi vinh dự được Thượng tướng truyền lại, nhắc nhở nhiều lần. Thậm chí bắt tôi phải thuộc và kiềm bớt sự nóng tính khi xử lý công việc của một người làm chỉ huy tham mưu như tôi”- Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nói…
Đại tá Nguyễn Trí Thức nhớ lại vụ việc ở Bình Minh (Thống Nhất cũ-nay là huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), lúc đó đồng chí Lê Khả Phiêu là Thường trực Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo Quân khu 7 và tỉnh Đồng Nai kiên nhẫn, giải quyết tốt vụ việc liên quan tôn giáo, lập lại trật tự, xây dựng mối đoàn kết lương giáo tốt đẹp.
“Sau này, mỗi lần ra họp Quốc hội (khóa X) lúc đó đồng chí Lê Khả Phiêu là Tổng bí thư, đồng chí vẫn quan tâm, dặn dò và nhắc nhở nhiều bài học quý trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến tôn giáo. Khu vực Đông Nam Bộ và tỉnh Đồng Nai cũng là địa bàn trọng điểm, luôn được nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu quan tâm, nhắc nhở, kể cả khi nghỉ hưu ông vẫn quan tâm đặc biệt, đến thăm và căn dặn cán bộ nhiều bài học quý. Trong đó bài học về chữ “nhẫn”, về sự kiên trì trong vận động, trong giải quyết và xử lý rất quan trọng mà tôi may mắn học được ở đồng chí Lê Khả Phiêu”, Đại tá Nguyễn Trí Thức nói.
Đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Ông là con người nhiệt tình, trách nhiệm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới đất nước. Ông có ý tưởng và kiên quyết triển khai trong thực tiễn đó là “an sinh phải xuất phát ngay từ cơ sở”. Theo ông, chỉ khi đời sống người dân ở cơ sở ổn định, có cuộc sống hạnh phúc thì dân mới đồng thuận, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và mới mang lại thành tích cho cấp trên, cho tỉnh, quốc gia. Nói cách khác, khi thực thi chủ trương đường lối muốn biết có đúng không, có hợp lòng dân không thì phải đưa về thực tiễn cơ sở kiểm nghiệm. Ông cũng là con người tiêu biểu về học tập phong cách giản dị, gần dân, sát cơ sở từ Bác Hồ.
Đối với Quân đội, ông là một vị tướng cao cấp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ở ông luôn chân tình, gần gũi với cấp dưới; yêu thương đồng chí, đồng đội, nghĩa tình với anh em. Khi góp ý phê bình cấp dưới cũng luôn chân tình, nhẹ nhàng, rành mạch, không nói chữ nghĩa nhiều mà chỉ cụ thể để anh em rút kinh nghiệm sửa chữa. Ông thực sự là một chiến tướng hội đủ “dũng tướng” và “nhân tướng”, là một biểu tượng đẹp để cán bộ chiến sĩ trong toàn quân học tập.