Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng chỉ rõ: “Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát...”.
Do đó, việc thực hiện đúng, đủ, triệt để, hiệu quả đường lối, chủ trương, nguyên tắc, Điều lệ Đảng; chủ động, sáng tạo xây dựng cơ chế phát hiện kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được xem là những giải pháp nền tảng, hữu hiệu phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Không để tổ chức Đảng bị “tê liệt”, vi phạm nguyên tắc
Dư luận đặc biệt quan tâm ở thời điểm hiện tại là việc Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang “biến mất” một cách kỳ lạ, mang theo nhiều bí ẩn liên quan đến công tác tổ chức và công tác cán bộ.
Chỉ mới đây thôi, ít ai có thể hình dung được chân dung thật của con người này. Đến nay, một phần sự thật được hé mở, con đường đến với chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang của Trịnh Xuân Thanh không nằm trong quy hoạch, không đúng quy trình công tác cán bộ, mà chỉ là sự “hợp thương”, “gửi gắm”...? Và còn nữa, hàng loạt tội lỗi “tày đình” Trịnh Xuân Thanh đã gây ra cho Đảng, đất nước và nhân dân. Điều đáng nói ở đây là có phải một mình Trịnh Xuân Thanh có thể vung tay che lấp lưới trời pháp luật; bịt kín mọi dư luận và sự kiểm tra, giám sát trong Đảng, trong dân? Phải chăng tất cả các tổ chức Đảng, cơ quan đơn vị, cán bộ, đảng viên Trịnh Xuân Thanh từng gắn bó, cùng sinh hoạt, công tác lại không biết, không nhận ra, không tỏ tường về con người và những sai phạm, tội lỗi mà anh ta đã gây ra? Hay chính là sự thật đáng buồn, có những người biết rõ, nắm chắc nhưng “mũ ni che tai”, “makeno”, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, nên không đấu tranh, không phê bình?!
Nhưng vụ án trên không phải là cá biệt. Những năm qua, chúng ta chứng kiến nhiều vụ việc mà trước khi bị phát hiện, các đối tượng vẫn ung dung ở vị trí công tác quan trọng, thậm chí có đối tượng còn được tôn vinh, đề xuất khen thưởng với những hình thức cao. Trong hàng trăm vụ án tiêu cực trong Đảng được đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật, hầu hết, chưa có cấp ủy, chi bộ nào phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật do quá trình đấu tranh phê và tự phê bình. Hiếm thấy cấp trên trực tiếp phát hiện cấp dưới sai phạm để xử lý và càng hiếm có chuyện cấp dưới phát hiện cấp trên sai phạm để phê bình, đấu tranh, tố cáo... Phê và tự phê bình, thứ “vũ khí” hữu hiệu nhất bảo đảm Đảng tồn tại và phát triển lành mạnh đã âm thầm lặng lẽ bị vô hiệu hóa.
Trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, nguyên tắc tập trung dân chủ bị lợi dụng, biến dạng và biến thành “bình phong” cho những toan tính lợi ích cá nhân và mưu đồ tiến thân của Trịnh Xuân Thanh, với sự giúp sức, hợp thức hóa của tổ chức. Dân chủ ở một số tổ chức Đảng chỉ còn là hình thức, nhường chỗ cho sự tập trung không đúng nghĩa, không chân chính. Nói về thực trạng này, đồng chí Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng ban Bảo vệ Đảng cho rằng, việc vi phạm các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ đang diễn ra phổ biến, nghiêm trọng ở nhiều tổ chức Đảng hiện nay. Biểu hiện trước tiên là trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng còn dân chủ hình thức. Tình trạng thảo luận xuôi chiều, thiếu tranh luận, thiếu phản biện lẫn nhau để tìm ra chân lý còn diễn ra khá phổ biến. Thay thế vào đó, việc áp đặt ý kiến chỉ đạo của đồng chí chủ trì cấp ủy, thiếu sự trao đổi của các thành viên cấp ủy vẫn chưa được khắc phục. Có những cấp ủy viên, đảng viên khi thảo luận thì không phát biểu thể hiện chính kiến của mình, nhưng sau khi có nghị quyết lại biểu hiện sự thiếu nhất trí, hoặc nghi ngờ tính khả thi của nghị quyết. Tình trạng nói không đi đôi với làm, thiếu quyết tâm chỉ đạo còn diễn ra ở một số tổ chức Đảng, cấp ủy viên.
Từ việc vi phạm nguyên tắc Đảng nên ở nhiều nơi xuất hiện tình trạng độc đoán, chuyên quyền; công tác cán bộ cũng vì thế mà bị “lũng đoạn” bởi một số người có chức, có quyền. Biểu hiện rõ nhất là kiểu dân chủ hình thức trong việc bố trí, sử dụng cán bộ thiếu sự bàn bạc của tập thể cấp ủy mà dường như mọi quyết định về bố trí sử dụng, cất nhắc đề bạt cán bộ ở những tổ chức đảng đó đều do đồng chí chủ trì cấp ủy quyết định. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bố trí, bổ nhiệm con, em, người thân của lãnh đạo các cấp chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện diễn ra phổ biến; dẫn tới nguy cơ tạo ra những “ê kíp” cán bộ vận động theo hướng tiêu cực và tạo nên “trào lưu” cán bộ, đảng viên tìm mọi cách “chạy chức, chạy quyền”...
Hiện tượng này nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, dễ gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm niềm tin của quần chúng đối với bộ máy Đảng, Nhà nước. Nó cũng là nguyên nhân làm nảy sinh “tự diễn biến” ở nhiều đối tượng trong Đảng. Một bộ phận tự đắc, ỷ lại, trịch thượng, phát triển đột biến mà không cần phấn đấu, cố gắng; bộ phận còn lại (số đông), xuất hiện tư tưởng chán nản, nhụt ý chí phấn đấu, thiếu niềm tin vào tổ chức Đảng, cơ quan đơn vị, thậm chí có những phản ứng tiêu cực. Đó là những biểu hiện “tự diễn biến” rõ ràng dễ nhận biết; đồng thời cũng là nguy cơ dẫn đến “tự chuyển hóa” hiện nay.
Những biểu hiện nói trên, không bỗng nhiên xuất hiện, mà có một quá trình từ chớm nở như một ung nhọt nhỏ rồi phát triển qua nhiều giai đoạn. Những bệnh tật này lặng lẽ tích dồn liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm làm cho tổ chức Đảng mất sức chiến đấu, thiếu nhạy bén, không phát huy được trí tuệ tập thể, không đưa ra được đường lối, quyết sách đúng đắn, khả thi. Đến nay, tình trạng vi phạm nguyên tắc của Đảng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ ta; mà bài học về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn để lại những bài học vô cùng đắt giá về việc vi phạm các nguyên tắc của Đảng.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, việc duy trì nghiêm túc, lập lại nền nếp, chế độ nguyên tắc Đảng là công việc hết sức cần kíp hiện nay. Trước hết, cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên về nội dung, bản chất của mỗi nguyên tắc Đảng để vận dụng thực hiện hiệu quả, không chệch hướng. Cùng với đó Đảng cần chủ trương đẩy mạnh lãnh đạo việc tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc thành quy chế, quy định trong Đảng và pháp luật của Nhà nước để tổ chức thực hiện hiệu quả, nhất là trong thảo luận ra nghị quyết và công tác cán bộ. Hệ thống quy chế, quy định đồng bộ, nhất quán càng có cơ sở để quản lý, điều chỉnh các hành vi hoạt động của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Cần rà soát lại những điểm bất hợp lý, lạc hậu trong các quy chế, quy định đã ban hành để bổ sung hoàn thiện, giúp cho việc thực hiện các nguyên tắc được thống nhất. Nên chăng mỗi loại quy chế, quy định, luật pháp cần lượng hóa trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên dưới quyền; làm rõ quyền hạn gắn với trách nhiệm, giáo dục đi đôi với kiểm tra giám sát, tự giác gắn liền với bắt buộc cán bộ, đảng viên thực hiện.
Sử dụng hiệu quả công năng “quả đấm thép”
Kỷ luật Đảng được xem là “quả đấm thép” với tiêu cực, hạn chế, yếu kém trong Đảng. Thế nhưng, với tinh thần thẳng thắn nhìn vào khuyết điểm, Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng: “Những sai sót, vi phạm không được đấu tranh, xử lý nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang chưa nghiêm túc”.
Từ trước đến nay, Đảng ta luôn nhất quán duy trì nghiêm minh, nghiêm khắc kỷ luật Đảng. Vụ xử tử Trần Dụ Châu vì tham ô (năm 1950); tử hình Nguyễn Hữu Giộc (Mười Vân), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, tham nhũng hàng trăm ki-lô-gam vàng (năm 1988)... là những ví dụ cho thấy sức mạnh của kỷ luật thép trong Đảng. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng cho rằng, Đảng ta có truyền thống tự chỉnh đốn và thực hành kỷ luật nghiêm minh từ rất lâu rồi. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đảng ta đã tự phê bình, nhận ra sai lầm “tả khuynh” của mình. Thời đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư, Đảng ta còn non trẻ, nhưng đã “Tự chỉ trích” rất nghiêm khắc. Rồi cải cách ruộng đất có những sai lầm, Bác Hồ đã khóc, đã xin nhận hình thức kỷ luật và xin lỗi quốc dân đồng bào; Tổng Bí thư Trường Chinh xin từ chức... Thậm chí, có thời điểm, Trung ương chủ trương “đóng cửa Đảng”, thực hiện ngừng kết nạp đảng viên mới, tập trung sức chỉnh đốn Đảng, chống “tự chuyển hóa” trong Đảng...
Truyền thống kỷ luật Đảng là vậy, nhưng gần đây, dư luận cho rằng, Đảng chưa có nhiều giải pháp hiệu quả để xiết chặt kỷ cương. Các vụ án liên quan đến “tự chuyển hóa” được xử lý là thích đáng, nhưng khung hình phạt với loại tội phạm này còn khá nhẹ, trong khi tính chất, mức độ nguy hại của các vụ án là quá lớn và phức tạp. Cũng có quan điểm cho rằng, hiệu quả kỷ luật Đảng hiện nay chưa đạt như mong muốn là vì chúng ta chưa giải quyết tận cùng gốc rễ của vấn đề. Có nghĩa, Đảng chỉ tập trung xử lý cán bộ, đảng viên suy thoái, “tự chuyển hóa”, vi phạm kỷ luật Đảng, mà chưa xem xét, kỷ luật, xử lý các đối tượng để xảy ra tình trạng suy thoái, “tự chuyển hóa” trong tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đáng lo ngại nhất hiện nay là hiếm có cán bộ lãnh đạo nào dám đứng ra nhận trách nhiệm trước những yếu kém, sai trái ở tổ chức do mình phụ trách, quản lý, mà đinh ninh đó là lỗi của “tập thể lãnh đạo”. Đã có hàng trăm, hàng nghìn vụ án được pháp luật đưa ra ánh sáng. Thế nhưng, hầu như cán bộ lãnh đạo các cấp đều bình an trước những sự vụ, sự việc, vụ án mà đáng ra họ có trách nhiệm liên đới. Gần đây, trong các phiên họp Quốc hội, một số bộ trưởng có các đơn vị, cán bộ, đảng viên do mình phụ trách mắc sai phạm lớn, khi phát biểu thường là xin nhận hoàn toàn trách nhiệm, hứa sẽ kiểm điểm nghiêm túc và rút kinh nghiệm kịp thời...; nhưng chưa thấy cán bộ, đảng viên nào tự giác nhận hình thức kỷ luật hoặc xin từ chức. GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng: Đảng rất cần cơ chế giám sát quyền lực, cụ thể hóa thành những chế tài nhằm quy trách nhiệm và xử lý cán bộ chủ trì các cấp khi để xảy ra sai phạm lớn trong tổ chức thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý. Cũng đồng thời, sớm ban hành quy chế về việc thay thế những cán bộ không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp, chứ không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Cần thấy rằng, việc thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng cũng phải hết sức linh hoạt, tùy vào tình hình và đối tượng cụ thể. Đối với những cán bộ, đảng viên đã thật sự bị chuyển hóa thì cần xử lý nghiêm khắc, quyết liệt; nhưng đối với những đối tượng có biểu hiện tự diễn biến lại cần mềm dẻo khi áp dụng các hình thức kỷ luật Đảng. Cần sớm phát hiện để giúp họ khắc phục “tự diễn biến”; có cách lôi kéo họ về phía Đảng, ngăn chặn xu hướng tiêu cực; không nên cứng nhắc để vô hình trung đẩy đồng chí, đồng đội về phía kẻ thù và lực lượng phản động, chống đối... Tiếp cận theo nghĩa đó, thấy rằng, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chế tài, quy định nhằm phát hiện, giám sát, ngăn chặn, đẩy lùi “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” cần được sớm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện trong tình hình hiện nay.
Nhóm PV (thực hiện)
Nguồn: qdnd.vn