Nơi chiến công đi vào lịch sử
Chiều cuối tuần, nhóm phóng viên chúng tôi có dịp về Khu di tích lịch sử quốc gia Ấp Bắc. Trước mắt chúng tôi là một quần thể kiến trúc nằm trong khuôn viên khoảng 2 ha bao gồm: Bia tưởng niệm, khu đặt tượng đồng và mộ 3 chiến sĩ gang thép, khu trưng bày hiện vật và phục chế hình ảnh.
“Bom rơi thì mặc bom rơi
Chị em Ấp Bắc vẫn khơi bếp hồng
Thổi nồi cơm dẻo thơm nồng
Giúp anh bộ đội no lòng đánh hăng”
Bia tưởng niệm tại Khu di tích ghi rõ: “Chiến thắng Ấp Bắc ngày 02/01/1963 đã đánh bại các chiến thuật: bủa lưới, phóng lao, trực thăng vận và thiết xa vận mà đế quốc Mỹ cho là tân kỳ. Chiến thắng Ấp Bắc nói lên đầy đủ ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam; sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân; là tiếng chuông báo hiệu sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm cùng chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ”.
Từ tấm bia này, chúng tôi có dịp tìm hiểu về trận Ấp Bắc để biết thêm về lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân nơi đây trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Sáng sớm ngày 02/01/1963, khi Tỉnh ủy đang họp tại xã Hưng Thạnh (thuộc huyện Tân Phước, Tiền Giang ngày nay) thì được tin địch mở cuộc càn quét do Bộ Tư lệnh sư đoàn 7 và chiến đoàn bảo an thuộc tiểu khu Định Tường đảm trách. Cuộc càn quét diễn ra trong phạm vi xã Tân Phú (thuộc vùng giải phóng liên hoàn nối liền hai huyện Cai Lậy-Châu Thành, tiếp giáp vùng căn cứ của tỉnh) để vây diệt trung đội địa phương của ta mà chúng phát hiện đang trú quân tại đó. Điểm cụ thể mà chúng đổ quân bao vây diệt lực lượng ta là Ấp Bắc. Lực lượng của ta chỉ có Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 và Đại đội 1 Tiểu đoàn 261. Năm giờ sáng ngày 02/1/1963, Tiểu đoàn A của địch chia làm 2 cánh tiến vào Ấp Bắc bị ta chặn đánh buộc chúng phải gọi tăng viện. Cùng thời gian này, trận địa công binh của ta dùng thủy lôi đánh chìm một tàu tại Vàm kinh 3 và bắn hỏng 2 chiếc khác. Đến 9h30 bọn chúng đã cho trực thăng đổ bộ xuống Ấp Bắc.
Dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Bảy Đen, đại liên ta được lệnh nổ súng vào đội hình địch, số chết, số bị thương, số còn lại chạy tán loạn. Địch tiếp tục tăng quân tấn công vào đội hình Đại đội I/d514. Đợi địch tới gần, toàn đại đội nổ súng diệt hơn 50 tên, số sống sót tháo chạy khỏi trận địa. Đến 13h30, Tiểu đoàn B và xe M113 của địch mở đợt tiến công vào đội hình Đại đội I/d261. Tình hình lúc này khá gay go, ba xe M113 và một tốp bộ binh tiến tới sát công sự. Do địa hình lồi lõm nên hoả lực của ta chi viện không kết quả. Trận địa có nguy cơ bị địch chọc thủng. Anh Nguyễn Văn Đừng, một tiểu đội trưởng thuộc Đại đội I/d261, cùng hai bạn chiến đấu bí mật bò cặp bờ ranh rồi cả 3 áp sát vào ngôi mộ cổ. Ba chiến sĩ Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch và Hùng (không biết họ) đã nấp ở ngôi mộ này cầm cự suốt, không cho địch tiến vào trận địa rồi bất ngờ nhảy lên xe M113 ném thủ pháo phá huỷ 1 xe, diệt 5 tên địch trên xe, 2 xe còn lại hốt hoảng tháo chạy trở ra. Khi 3 đồng chí quay về công sự thì bị địch chặn đánh và đã hy sinh anh dũng. Sau trận Ấp Bắc thắng lợi, nhân dân ở đây đặt cho tổ ba chiến sĩ đã hi sinh cái tên trìu mến và đầy tự hào “Tổ gang thép Nguyễn Văn Đừng”.
Ngày nay, mộ 3 chiến sĩ gang thép đặt tại Khu di tích lúc nào cũng nghi ngút hương khói của khách tham quan. Cả 3 chiến sĩ đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Sát ngôi mộ là bảng thành tích của trận đánh Ấp Bắc: 450 tên ngụy quân Sài Gòn chết và bị thương, 3 cố vấn Mỹ chết và 4 tên khác bị thương, 8 máy bay trực thăng bị bắn hạ, 3 xe lội nước M113 bị cháy, 1 tàu chiến bị đánh chìm.
Nguyên Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy quân sự TP. Hồ Chí Minh ( nay là Bộ tư lệnh Tp. Hồ Chí Minh), ông Trần Xuân Trí khi về thăm di tích Ấp Bắc đã xúc động viết nên bài thơ có đoạn:
“Những Ấp Bắc, Củ Chi, Bến Cát
Địa danh này được Bác biểu dương.
Đã rộn ràng những bài ca, câu hát
Tên tuổi anh cả nước biểu dương”.
Di tích “hút khách” số 1 của Tiền Giang
Di tích Ấp Bắc được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) xếp hạng di tích Quốc gia theo quyết định số 43/QĐBT ngày 07 tháng 01 năm 1993. Để tôn vinh chiến công của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, nhân dịp kỷ niệm 35 năm chiến thắng Ấp Bắc, Ban quản lý Khu di tích đã khánh thành tượng đài “3 chiến sĩ gang thép” do nhà điêu khắc Nguyễn Hải, ở quận Thủ Đức-TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Đặc biệt, Khu di tích hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu, hình ảnh quý giá về trận Ấp Bắc. Ngoài ra, nhiều mô hình cũng được phục chế tái hiện lại như: cảnh dân quân tải thương, nấu cơm, trảng xê, hầm bí mật...
Ông Khang Văn Khiêm – Tổ phó phụ trách Khu di tích quốc gia Ấp Bắc cho biết: “Từ khi Khu di tích được khánh thành đi vào hoạt động, mỗi năm, nơi đây đón hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Khu di tích luôn là nơi đầu tiên mà khách tham quan du lịch nghĩ đến mỗi khi về Tiền Giang. Ấp Bắc không chỉ là địa danh lưu giữ những hồi ức về một thời hào hùng của quân và dân khu 7, khu 9 trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt mà còn là điểm đến ý nghĩa để giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của của các thế hệ đi trước”.