Nhiều người thức xuyên đêm để đấu giá đất ở Hà Nội mới đây
Phiên đấu giá gay cấn
Sau hơn 19 tiếng, phiên đấu giá 19 thửa đất thuộc xã Tiền Yên, Hoài Đức (Hà Nội) kết thúc với giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2, thấp nhất 91,3 triệu đồng/m2. Đây là phiên đấu giá đặc biệt từ 9h ngày 19/8 đến 4h30 sáng 20/8 mới xong.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, trước ngày diễn ra phiên đấu giá 19 lô đất có diện tích từ 74-118 m2 ở khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, hơn 700 bộ hồ sơ của khoảng 400 người nộp tham gia đấu giá. Giá khởi điểm thấp nhất từ 7,3 triệu đồng/m2.
Để giành quyền sử dụng lô đất, nhà đầu tư phải thực hiện nhiều vòng trả giá bắt buộc, mỗi bước giá tối thiểu là 6 triệu đồng/m2.
Ở vòng đấu giá cuối, còn khoảng hơn 20 người ở lại tham gia trả giá. Sau 9 vòng, lô LK03-12 trúng được đấu giá cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng/m2, cao gấp hơn 18 lần giá khởi điểm. Đây là thửa góc có 3 mặt tiền, rộng hơn 113m2, được trả hơn 15 tỷ đồng.
2 lô đất có giá trúng đấu giá cao thứ 2 lần lượt là lô LK03-6 và LK04-6 giá 127,3 triệu đồng/m2.
14 lô còn lại có giá trúng đấu giá từ 97,3-121,3 triệu đồng/m2. 2 lô trúng có giá đấu giá thấp nhất cũng lên đến 91,3 triệu đồng/m2.
Trước đó, khi phiên đấu giá kéo dài đến nửa đêm, nhiều người đã phải bỏ cuộc vì giá quá cao.
Dù buổi đấu giá kéo dài sang đến ngày hôm sau, kết thúc lúc rạng sáng nhưng nhiều môi giới vẫn chờ đợi trước cửa hội trường Trung tâm văn hóa thông tin huyện Hoài Đức để xin thông tin lô đất, số điện thoại những người trúng.
Môi giới cho biết, việc lấy thông tin để lấy mức giá chênh của nhà đầu tư mong muốn lướt cọc hoặc khi có khách hàng quan tâm sẽ liên hệ ngay với nhà đầu tư.
Từ trước cuộc đấu giá, mặt bằng giá 90-100 triệu đồng/m2 cho các thửa đất tại xã Tiền Yên đã được một số nhà đầu tư, môi giới dự đoán.
Theo một số nhà đầu tư, môi giới, giá đất thổ cư xung quanh khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức đang ở mức 80 triệu đồng/m2 đối với đất mặt đường, trong khi mặt ngõ ở mức 40-50 triệu đồng/m2. Khu đất có thể hưởng lợi sau khi dự án vành đai 4 hoàn thành khi chỉ cách khoảng 100m.
Cũng theo tiết lộ từ một số môi giới, mặc dù đang trong buổi đấu giá, trên các trang mạng đã xuất hiện nhiều thông tin sang ngay các lô đất đấu giá với mức chênh từ 200 – 400 triệu đồng.
Trong thời gian gần đây, những cuộc đấu giá đất nền vùng ven Hà Nội đang gây chú ý bởi nhiều yếu tố bất thường. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, bất động sản nhiều khu vực “đóng băng” thì các cuộc đấu giá vẫn sốt nóng với mức trúng đấu giá cao ngất ngưỡng.
Trước đó, cũng đã diễn ra phiên đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội). Sau khi kết thúc, lô đất có giá trúng cao nhất là hơn 100 triệu đồng/m2, gấp 8 lần so với giá khởi điểm. Các lô thường cũng có giá trúng từ 63-80 triệu đồng/m2, cao gấp 5 đến 6,4 lần so với giá khởi điểm.
Ai đang “thổi lửa”?
Chia sẻ trên báo chí, Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội cho biết, mức trúng cao nhất gấp hơn 18 lần khởi điểm tại phiên đấu giá đêm 19/8 ở Hoài Đức có thể do một số hội nhóm hoặc cò đất đến từ nơi khác đẩy giá.
"Đây là hiện tượng không mới, vài năm trước cò đất từng gây nhiễu thị trường ở một số địa phương như Thái Bình khi giá đất trong thôn lên đến 40-50 triệu đồng một m2", vị này nói.
Một chuyên gia bất động sản nhận định rằng, kết quả đấu giá đất với mức giá cao như vậy sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án mới trở nên đắt đỏ hơn. Với mức giá trúng đấu giá cao hơn mặt bằng chung từ 2 đến 3 lần, người dân sở hữu đất ở khu vực xung quanh có tâm lý đẩy giá bán đất của mình theo.
Mức giá đất cao đột biến cũng có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm lợi nhuận từ việc giá đất tiếp tục tăng. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác.
Chia sẻ trên báo Tiền Phong, TS Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam cho rằng, về cơn sốt đất đấu giá các huyện vùng ven như Thanh Oai, Hoài Đức... có giá trúng cao hơn nhiều so với thị trường một phần do các nhóm đầu cơ thao túng, “thổi giá”. Bởi theo dõi các phiên đấu giá gần đây, xuất hiện nhóm nhà đầu tư từ Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang.... tham gia đấu giá, trả giá cao. Đây là yếu tố đẩy giá nhà đất và bất động sản lên cao trong thời gian tới, khiến những người có nhu cầu thực khó tiếp cận.
TS Trần Xuân Lượng cho rằng, để ngăn tình trạng đầu cơ, thổi giá cần tăng mức đặt cọc lên 50% giá trị ban đầu, khi có kết quả trúng đấu giá, phải từ 1-2 năm mới được mua bán, công chứng.
Nguyễn Văn