Chỉ cần nhận được điện thoại khẩn của nhân viên y tế thông báo có bệnh nhân nguy kịch cần truyền máu gấp, những thành viên của "ngân hàng máu sống" sẵn sàng lên đường hiến máu cứu người, bất chấp khi đó là đêm tối hay trong mưa bão...
Khi cần là có máu
Đã có rất nhiều trường hợp bệnh nhân nguy cấp cần phẫu thuật, bệnh viện đủ thiết bị, thầy thuốc đủ chuyên môn nhưng vẫn không dám mổ vì không có máu hoặc không đủ máu truyền cho bệnh nhân. Thế nhưng, từ khi có "ngân hàng máu sống", tình trạng đó phần nào được giải quyết, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Đầu năm 2018, Trung tâm Y tế Quân dân y Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng) đã huy động 2 đơn vị máu từ "ngân hàng máu sống" để cấp cứu cho ngư Lê Văn Quang (28 tuổi, quê Thanh Hóa). Do biển động nên sau 2,5 giờ đồng hồ, tàu mới đưa được bệnh nhân vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế Quân dân y Bạch Long Vĩ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc do đau, mất máu kéo dài, trung tâm tiến hành hồi sức chống sốc tích cực cho bệnh nhân, đồng thời xin ý kiến của Sở Y tế, UBND huyện Bạch Long Vĩ cho phép huy động "ngân hàng máu sống" ngay trong đêm để truyền cấp cứu cho bệnh nhân. Ngay lập tức, hai thành viên của "ngân hàng máu sống" công tác tại Ban CHQS huyện và Trạm kiểm ngư huyện tham gia hiến máu khẩn cấp. Bác sĩ Nguyễn Đức Quân (Trung tâm Y tế Quân dân y Bạch Long Vĩ) cho biết: “Ngân hàng máu sống" tại đảo được thành lập từ tháng 7-2013. Trong điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động truyền máu tại đảo còn rất hạn chế, xa đất liền thì việc duy trì "ngân hàng máu sống" là cách làm hiệu quả góp phần kịp thời cứu sống người bệnh.
Các bác sĩ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương khám sức khỏe, tuyển chọn thành viên "ngân hàng máu sống" ở thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). |
Việt Nam có nhiều đảo, có nhiều địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa nên việc bảo đảm nguồn máu để cứu người lúc khẩn cấp là vô cùng cần thiết. GS,TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, “cha đẻ” của "ngân hàng máu sống" đã từng tâm sự: “Không phải nơi nào cũng có chi phí để trang bị tủ lạnh và điều kiện cần thiết cho trữ máu. Nước ta có khoảng 3.000 đảo, chi phí không phải đơn giản để đầu tư 3.000 chiếc tủ lạnh; vận chuyển máu ra đảo cũng là cả vấn đề, chưa kể đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa khác. Vì vậy, xây dựng lực lượng hiến máu dự bị tại chỗ là phương án tối ưu nhất, bởi những “ngân hàng máu sống” này có thể cung cấp máu bất cứ lúc nào cần.
Rất thích hợp cho y tế miền núi, biển đảo
Không chỉ có câu chuyện tại Bạch Long Vĩ, ở nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo, "ngân hàng máu sống" thực sự phát huy hiệu quả cứu người trong trường hợp khẩn cấp.
Tối 17-9-2017, Bệnh viện đa khoa Cát Bà, TP Hải Phòng tiếp nhận bệnh nhân Đào Thị H (38 tuổi, tổ dân phố số 3, thị trấn Cát Bà) trong tình trạng bất tỉnh, mất máu nhiều do tai nạn xe máy. Bệnh nhân được chẩn đoán đa chấn thương, đặc biệt là vùng hàm mặt, vỡ gan, cần truyền máu số lượng lớn trong khi bệnh viện chỉ còn dự trữ 3 đơn vị khối hồng cầu nhóm O. Trong khi chờ chi viện máu từ đất liền ra đảo, bệnh viện cùng Ban liên lạc "Ngân hàng máu sống" huyện Cát Hải khẩn trương mời gọi người hiến máu dự bị tới tham gia hiến máu. 5 thành viên đã tới hiến máu ngay lập tức, góp phần cùng các thầy thuốc cứu sống người bệnh.
"Ngân hàng máu sống" là tâm huyết và sự dày công nghiên cứu của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương trong những năm qua. Từ mô hình của đề tài “Nghiên cứu xây dựng nguồn người hiến máu dự bị ổn định, bền vững cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” do GS, TS Nguyễn Anh Trí và PGS, TS Bùi Thị Mai An đồng chủ nhiệm, được triển khai thí điểm tại 4 huyện: Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Hải (Hải Phòng), Tịnh Biên (An Giang), Điện Biên Đông (Điện Biên), đến nay nhiều "ngân hàng máu sống" được thành lập tại huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, Phú Quý, Trường Sa hay các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, như: Đồng Văn (Hà Giang), Si Ma Cai (Lào Cai), Bố Trạch (Quảng Bình)…
Ông Phạm Tuấn Dương, Phó viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Phụ trách Trung tâm Máu Quốc gia cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với cơ sở y tế các địa phương tổ chức tuyển chọn, xét nghiệm nhóm máu, các bệnh lây truyền qua đường máu và lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn, tự nguyện tham gia "ngân hàng máu sống". Những "ngân hàng" này được thành lập dựa trên lực lượng hiến máu dự bị để bảo đảm máu được dự trữ ngay trong chính những người dân khỏe mạnh. Số lượng thành viên hiện tuy chưa đông nhưng khi cần có thể huy động kịp thời, an toàn”.
Thu Hương - Thanh Hằng