Thị trường thép trong nước đang ghi nhận nhiều biến động đáng chú ý kể từ đầu tháng 3 đến nay. Những thay đổi trong chính sách thương mại toàn cầu, đặc biệt là các biện pháp áp thuế của Mỹ và các cuộc điều tra chống bán phá giá từ các quốc gia như EU, Ấn Độ...
Đầu tháng 4/2025, Bộ Công Thương Việt Nam chính thức công bố quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mức thuế dao động từ 15,67% đến 37,13%, nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước trước tình trạng nhập khẩu gia tăng mạnh mẽ.
Theo quyết định, mức thuế cao nhất 37,13% được áp dụng cho thép mạ từ Trung Quốc, trong khi thép từ Hàn Quốc chịu mức thuế tối đa 15,67%.
Các sản phẩm thuộc diện áp thuế bao gồm thép carbon cán phẳng, dạng cuộn hoặc không cuộn với hàm lượng carbon dưới 0,6% theo khối lượng, đã được phủ, tráng hoặc mạ kim loại chống ăn mòn như kẽm, nhôm hoặc hợp kim gốc sắt.
Tuy nhiên, một số loại thép đặc thù như thép mạ crom, thép không gỉ, hoặc thép mạ kẽm bằng phương pháp điện phân không nằm trong phạm vi áp thuế.
Hoa Sen tăng giá tôn, thép mạ thêm 100.000 đồng/tấn từ ngày 6/4
Theo số liệu của Tổng cục Hải, tính đến hết tháng 3/2024, lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra trong 12 tháng đã đạt 454.000 tấn, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2023. Kể cả sau khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng vụ việc này, lượng nhập khẩu thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn gia tăng đáng kể.
Trong 9 tháng cuối năm 2024, lượng nhập khẩu đạt khoảng 382.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ, dù Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá từ trước đó.
Bộ Công Thương nhận định việc nhập khẩu thép mạ gia tăng nhanh chóng có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời. Do đó, thuế chống bán phá giá tạm thời được xem là giải pháp cấp thiết để bảo vệ thị trường nội địa.
Giới phân tích cho rằng Hoa Sen sẽ là bên được hưởng lợi lớn nhất khi các sản phẩm tôn mạ Trung Quốc, Hàn Quốc bị áp thuế chống bán phá giá. Tương tự, các nhà sản xuất thép mạ khác như Nam Kim và Tôn Đông Á cũng hưởng lợi khi áp lực cạnh tranh nội địa giảm bớt, giá bán được hỗ trợ.
Ngay sau đó, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã có thông báo tăng giá bán các sản phẩm tôn mạ, thép dày mạ và ống thép mạ kẽm thêm 100.000 đồng/tấn, áp dụng toàn quốc từ ngày 6/4. Mức tăng này tuy không lớn nhưng phản ánh kỳ vọng phục hồi biên lợi nhuận nhờ giảm cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ.
Trước đó, từ ngày 4/3, Hoa Sen cũng đã tăng giá nhiều sản phẩm, bao gồm tôn mạ, thép dày mạ và ống thép mạ kẽm, với mức điều chỉnh tăng 200.000 đồng/tấn.
Hòa Phát cũng cho biết trước áp lực giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào liên tục leo thang, công ty quyết định điều chỉnh giá bán thép cây xây dựng D10 các loại, tăng thêm 150.000 đồng/tấn, áp dụng từ ngày 3/3.
Tương tự, công ty TNHH Thép Vina Kyoei, công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam thông báo tăng 50.000 đồng/tấn đối với thép cây D10 các loại. CTCP Tập đoàn VAS Nghi Sơn cũng quyết định tăng giá thép thanh D10 thêm 150.000 đồng/tấn, do biến động thị trường và chi phí nguyên liệu đầu vào leo thang.
Thép Việt Ý cũng không nằm ngoài xu hướng khi điều chỉnh giá thép cây D10 tăng thêm 100.000 đồng/tấn, áp dụng trên toàn quốc.
Thúy Hà