Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các tỉnh trong khu vực 12 (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh); lãnh đạo các đơn vị Vụ, Cục NHNN và lãnh đạo các NHTM; hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn.

Trên địa bàn NHNN Chi nhánh Khu vực 12 quản lý có 227 chi nhánh ngân hàng cấp 1 (của 47 ngân hàng); 790 chi nhánh cấp 2 và phòng giao dịch; 73 quỹ tín dụng nhân dân, 8 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô CEP, 2 chi nhánh và 6 văn phòng đại diện công ty tài chính.
Phát biểu khai mạc Hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế Khu vực 12”, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, Khu vực 12 là vùng kinh tế năng động của cả nước, có tầm ảnh hưởng lớn nhờ vào sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics và đô thị hóa, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, vào thu hút đầu tư nước ngoài và giải quyết việc làm. Ngoài ra, nhiều dự án lớn trong khu vực cũng tạo động lực quan trọng, thúc đẩy sự chuyển mình toàn diện cho phát triển kinh tế như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án điện khí Nhơn Trạch 3, 4; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... Do đó, đây là khu vực có rất nhiều tiềm năng để thu hút vốn huy động cũng như khả năng tăng quy mô dư nợ tín dụng trong thời gian tới.
Theo số liệu của NHNN Việt Nam, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 3/2025 của Khu vực 12 ước đạt hơn 1.189.327 tỷ đồng, tăng 0,86% so với đầu năm, trong đó Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận tăng trưởng khá.
Để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nước tối thiểu 8% và 5 tỉnh của Khu vực 12 từ 8% đến 10%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả nước 16%. Với mức tăng trưởng chung này thì Khu vực 12 cần tăng thêm quy mô tín dụng khoảng 189 nghìn tỷ đồng. Đây là một thách thức cần sự nỗ lực vào cuộc của cả ngành ngân hàng, sự hợp tác từ khách hàng, doanh nghiệp và sự hỗ trợ tạo điều kiện của hệ thống chính trị nói chung, đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền các địa phương.

Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Phùng Thị Bình cho biết, Agribank xác định khu vực Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của đất nước. Đông Nam bộ cũng là khu vực dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2025, nhiều tỉnh thành trong khu vực Đông Nam bộ đã được giao chỉ tiêu tăng trưởng 2 con số như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… Đây là cơ hội để các TCTD nói chung và Agribank nói riêng có điều kiện thuận lợi tăng trưởng đầu tư tín dụng.
Tại địa bàn 5 tỉnh thuộc NHNN Chi nhánh Khu vực 12, Agribank hiện có 10 chi nhánh loại I, 53 chi nhánh loại II và các phòng giao dịch. Hoạt động của các chi nhánh hiệu quả, ổn định và luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Giai đoạn 2020 - 2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các Chi nhánh Agribank khu vực Đông Nam bộ đạt bình quân 9,4%/năm. Đến 31/3/2025, dư nợ của 10 chi nhánh Agribank thuộc khu vực 12 đạt gần 164.000 tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm và chiếm 9,3% tổng dư nợ của Agribank. Dự kiến đến hết năm 2025, dư nợ tín dụng của 10 chi nhánh Agribank trong khu vực sẽ tăng 19.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 12%, quy mô dư nợ chi nhánh tại Khu vực 12 đạt khoảng 178.000 tỷ đồng.
Để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt mức 8% trở lên, ngay từ đầu năm, Agribank đã xây dựng kế hoạch kinh doanh trình NHNN. Đồng thời đã chủ động giao sớm kế hoạch kinh doanh cho các chi nhánh trực thuộc và quán triệt nghiêm túc thực hiện với tinh thần đổi mới, không ngừng nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm cao để cùng Agribank hoàn thành nhiệm vụ. Agribank cũng sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Bên cạnh việc tích cực tham gia các chương trình cho vay ưu đãi theo chương trình của Chính phủ, NHNN, Agribank đang triển khai 12 chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô 360.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm từ 1-2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Đặc biệt, đối với khu vực Đông Nam Bộ, Agribank ưu tiên đầu tư các dự án liên kết vùng, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, logistic, lĩnh vực xuất khẩu, các dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp...; khuyến khích khách hàng ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, phát triển tín dụng xanh.
Ngoài các chương trình tín dụng, Agribank cũng tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng; triển khai có hiệu quả việc cải tiến quy trình, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ vào quy trình cho vay, tuân thủ các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay nhưng đảm bảo không hạ tiêu chuẩn, nới lỏng điều kiện cấp tín dụng.
Để hỗ trợ đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong Khu vực 12, Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình kiến nghị chính quyền các địa phương trong khu vực cần quan tâm chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại khu vực Đông Nam bộ, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các TCTD trong công tác tăng trưởng tín dụng.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, hiệp hội cần tiếp tục có định hướng và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc quy hoạch vùng sản xuất, có hệ thống dự báo, định hướng đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm có ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo phát triển tín dụng nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Đồng chí Phùng Thị Bình cũng mong muốn chính quyền các địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ Nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” của Chính phủ. Đồng thời hỗ trợ các chi nhánh Agribank trên địa bàn tiếp cận sớm các dự án trọng điểm trên địa bàn; đồng hành cùng khách hàng từ khi bắt đầu triển khai phương án, dự án đầu tư; qua đó phát triển khách hàng tiềm năng, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại địa phương.