Cách đây tròn 70 năm, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một cuốn sách khổ nhỏ bằng bàn tay với tiêu đề “Đời sống mới”. Bác khẳng định: “Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”. Trong điều kiện trình độ dân trí thấp, nhiều người chưa biết chữ, Bác Hồ viết sách dưới dạng hỏi-đáp rất ngắn gọn, dễ đọc, với mong muốn “cho đồng bào xem để hiểu, để thực hành đời sống mới”.
Cuốn sách gồm 19 câu hỏi và câu trả lời, tập trung vào các nội dung chính như: Sự cần thiết phải thực hành đời sống mới; Đời sống mới nghĩa là gì?; Những việc phải làm trong thực hành đời sống mới; Đối tượng tham gia đời sống mới gồm tất cả các thành phần trong xã hội, bao gồm già, trẻ, gái, trai, từ gia đình, làng xã đến công sở, trường học, nhà máy, đơn vị bộ đội đến phạm vi cả nước, nghĩa là mọi người, mọi nhà, mọi nơi… đều phải thực hành đời sống mới. Bác viết: “Mỗi người, mỗi đoàn thể lại phải theo công việc, nghề nghiệp của mình, mà làm đời sống mới cho hợp với hoàn cảnh”.
Đề cập đến phương châm, cách thức thực hiện đời sống mới, Bác chỉ dẫn: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp”.
Nói về ý nghĩa của việc thực hành đời sống mới, Bác Hồ chỉ rõ: “Do nhiều người nhóm lại mà thành làng. Do nhiều làng nhóm lại mà thành nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”.
Đối với mỗi người dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải có lòng yêu Tổ quốc, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì hại cho dân phải hết sức tránh”; hăng hái tham gia các việc công ích; không kiêu căng, nịnh hót, tham lam, bủn xỉn; cách ăn mặc cần sạch sẽ, giản dị; làm việc phải siêng năng, đến nơi đến chốn; trong ứng xử thì thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ người khác; có tinh thần ham học hỏi: “Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ”. Nếu tất cả người dân “Ai cũng làm như thế, thì tự nhiên nước Việt Nam ta trở nên một nước mới, một nước văn minh”.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Nghi lễ Quân đội (Bộ Tổng tham mưu) đọc sách, báo tại thư viện đơn vị. Ảnh: Linh Lan
Trong cuốn sách, Bác Hồ dành riêng một phần để nói về bộ đội thực hành đời sống mới. Sau khi khẳng định: “Bộ đội là một đoàn thể tổ chức nghiêm ngặt đã sẵn, càng dễ thực hành đời sống mới”, Người đã chỉ bảo bộ đội cần phải thực hiện 9 điều cụ thể, đó là: Giữ nghiêm kỷ luật; chăm chỉ tập luyện; chưa biết chữ thì phải học để biết chữ; có hiểu biết chính trị nhất định; hăng hái tăng gia sản xuất; tiết kiệm đạn dược, lương thực, vải vóc; giữ gìn vệ sinh; giúp đỡ dân và làm cho dân tin, dân phục, dân yêu; đánh được nhiều giặc, lấy được nhiều súng.
Có một đối tượng được Bác Hồ yêu cầu phải “Nêu cao và thực hành cần, kiệm, liêm, chính”, đó là “những người làm trong các công sở” (tức là đội ngũ cán bộ, công chức). Vì theo Bác, những người này “ăn lương của dân, làm việc cho dân” và “đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Nói về chữ “cần”, Bác dạy bảo cán bộ, công chức đến công sở phải đúng giờ, chớ đến muộn, về sớm, làm việc đâu ra đấy, vì “Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”. Bên cạnh đó, phải triệt để thực hành tiết kiệm của công từ những vật dụng nhỏ bé như giấy, bút, phong bì... Đặc biệt, Bác yêu cầu “Những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu” và giữ gìn chữ “chính”, vì: “Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Việc gì cũng phải công bình, chính trực”.
Sau 70 năm thực hiện lời Bác Hồ dạy về xây dựng đời sống mới, chúng ta đã làm được nhiều việc đáng khích lệ. Nhiều hủ tục của chế độ phong kiến thực dân cũ dần dần được loại bỏ. Nhiều nét đẹp văn hóa mới trong chế độ xã hội chủ nghĩa đang hình thành và thấm sâu vào mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Diện mạo nếp sống mới đã và đang lan tỏa trong mỗi gia đình, nhà trường, công sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn và xây dựng văn minh đô thị đã góp phần làm thay đổi bộ mặt mỗi làng quê, góc phố. Đời sống vật chất, tinh thần của đa số nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước đã no đủ, phong phú hơn xưa. Có được thành quả to lớn đó là nhờ công lao khơi dậy, tổ chức phong trào xây dựng đời sống mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động từ tháng 3-1947.
Ngẫm lại những lời dạy của Bác Hồ về xây dựng, thực hành đời sống mới, bên cạnh niềm vui về những kết quả đã đạt được, chúng ta còn đó bao nỗi băn khoăn, trăn trở, bởi trong khi những phiền toái, tàn dư của xã hội cũ chưa được chấm dứt triệt để, thì những rườm rà, phô trương, lai căng lại có biểu hiện manh nha, lây lan trong một bộ phận người dân đã vô hình trung làm cản trở con đường xây dựng đời sống mới hiện nay. Do kinh tế phát triển, đời sống vật chất sung túc, lại sính tâm lý “phú quý sinh lễ nghĩa” mà một bộ phận người dân (trong đó có cả cán bộ, đảng viên, công chức) đã tổ chức cưới hỏi, tang gia, mừng thọ rình rang, lãng phí; đi chùa chiền, lễ hội thì nặng về “mâm cao cỗ đầy” mà nhẹ về ý thức văn hóa ứng xử đúng mực với tổ tiên, thần thánh, làm biến tướng lễ hội. Trong khi phần đông đồng bào ta luôn nêu cao đạo lý tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, thì vẫn còn một bộ phận người sống dửng dưng, thờ ơ, vô cảm. Những biểu hiện đó đang làm xói mòi những giá trị đạo đức, văn hóa xã hội và tác động tiêu cực đến việc xây dựng đời sống mới, nếp sống văn hóa mới.
Mục đích của đời sống mới, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, là “làm cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”. Nhưng xin đừng quên rằng, muốn đạt được điều đó, ngoài việc tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu, thì cán bộ, đảng viên-như Bác Hồ đã nhấn mạnh trong cuốn sách “Đời sống mới”, đó là: “Phải cố gắng làm kiểu mẫu” và: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Thực tế cho thấy, ở đâu, lúc nào mà cán bộ, đảng viên luôn thấm nhuần và làm tròn bổn phận “hoa tiêu” dẫn đường cho nhân dân trong thực hành đời sống mới, thì ở đó, lúc đó phong trào xây dựng đời sống mới sẽ ăn sâu bám chắc vào nếp nghĩ, nếp sống hằng ngày của nhân dân. Theo Bác, để thực hành đời sống mới không ngoài năm việc là ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc. Thế nên, việc ăn ở, đi lại, sinh hoạt, quan hệ, ứng xử, làm việc của cán bộ, đảng viên sao cho mực thước, thấu tình đạt lý, “vừa mắt ta, ra mắt người”, hợp với “ý Đảng lòng dân”, để nhân dân học tập, noi theo.
Xây dựng đời sống mới thực chất là kiến tạo, vun trồng, bồi đắp những giá trị văn hóa mới cho con người. Trong hoàn cảnh đất nước vừa bước vào cuộc kháng chiến còn muôn vàn khó khăn, là lãnh tụ tối cao của dân tộc và cách mạng, dù phải tập trung trí lực để giải quyết những vấn đề cần kíp liên quan đến sự sống còn của Tổ quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành tâm huyết, thời gian để viết sách “Đời sống mới”. Điều đó chứng tỏ Bác Hồ hết sức quan tâm đến vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với việc xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng nền văn hóa mới. Vì vậy, những lời chỉ dẫn của Bác Hồ trong cuốn sách “Đời sống mới” đã trở thành một trong những động lực to lớn để đồng bào, chiến sĩ cả nước đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Sau 70 năm xuất bản lần đầu, đến nay, cuốn sách “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị và là một trong những “cẩm nang văn hóa” soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời xây dựng, vun trồng và không ngừng làm giàu những giá trị văn hóa mới, bảo đảm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
NGUYỄN VĂN HẢI
nguồn: qdnd.vn