Thuyết minh viên là người địa phương
Hôm đến dự lễ kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam vừa qua, tại Khu di tích Địa đạo Tam giác sắt, điều khiến chúng tôi bất ngờ là sự chú ý của các em học sinh (HS) khi tham quan các chuyên đề tại đây. Ngoài sự sắp xếp rất khoa học của Ban tổ chức theo từng chủ đề riêng cho khách tham quan dễ nắm bắt thì đóng góp của thuyết minh viên là rất cao trong sự thành công khi giới thiệu một “địa chỉ đỏ” đến với giới trẻ.
Người mà chúng tôi muốn nói đến là ông Nguyễn Văn Quân, nay đã gần 70 tuổi. Ông Quân là cựu chiến binh, người dân ở ấp An Thành, xã An Tây, TX.Bến Cát. Ông Quân cho biết, vì ở địa phương nên hầu hết các sự kiện trước và sau chiến tranh ông đều nắm rất rõ. Ở đâu và thời nào cũng thế, những nhân chứng lịch sử, nhân chứng chiến tranh là một “pho sử sống” nên rất sinh động khi thuyết minh cùng mọi người. Từng chủ đề một từ vũ khí, quân nhu, hình ảnh tư liệu... sưu tập được từ sau chiến tranh được ông Quân giải thích cặn kẽ với các em HS tham quan hôm đó. Em Nguyễn Thị Thương, HS trường THPT Tây Nam Bến Cát, cho biết: “Em là người con ở Bình Dương. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng này nhưng nay nghe ông ấy thuyết minh cụ thể như thế này em càng thấy thêm tự hào, thêm yêu quê hương mình hơn. Em cũng thường đến đây vui chơi cùng bạn bè nhưng tìm hiểu kỹ thì đây là lần đầu tiên. Ông ấy nói nhiều điều rất hay, nhất là giải thích lý do vì sao phải đào địa đạo, là giặc không cho mình sống trên mặt đất, mình phải... tạm thời sống trong lòng đất mẹ” .
Di tích Địa đạo Tam giác sắt được xây dựng trong khuôn viên có diện tích hơn 17 ha. Nằm trên vùng đất 3 xã: An Điền, An Tây, Phú An thuộc khu vực phía Tây Nam huyện Bến Cát (trước đây), tỉnh Bình Dương, cách trung tâm TP.Thủ Dầu Một 15km về phía Nam. Với vị trí và tầm vóc trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, địa đạo ba xã Tây Nam Bến Cát được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ngày 18-3-1996. Đây là một nơi cần thiết cho những ai tìm hiểu về lịch sử một vùng đất anh hùng của Bình Dương.
Nơi giáo dục cho học sinh lòng yêu nước
Trong một lần đến với di tích Nhà tù Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một), tôi gặp các thầy cô giáo trường Việt Anh dẫn HS đến tham quan ở đây. Theo lời của giáo viên trường này cũng như một số trường tiểu học, THCS khác trên địa bàn tỉnh, Nhà tù Phú Lợi là một trong những “địa chỉ đỏ” mà HS được đưa đi tham quan sau đó sẽ viết bài thu hoạch. Theo Ban Quản lý Di tích Nhà tù Phú Lợi, hàng năm ở đây đón tiếp trên 60.000 lượt khách tham quan, tổ chức các hội trại về nguồn tìm hiểu lịch sử truyền thống yêu nước. Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, niềm tự hào và động lực phấn đấu xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng giàu đẹp của thế hệ hôm nay và mai sau.
Các HS đã rất thích thú khi được các thuyết minh viên giải thích về lịch sử đấu tranh bất khuất của cha ông, nhất là đấu tranh trong nơi giam cầm khắc nghiệt của nhà tù. Hiện nay, di tích Nhà tù Phú Lợi là một trong những điểm đến hấp dẫn của hành trình di sản văn hóa đến với vùng đất - con người Bình Dương giàu truyền thống cách mạng. Theo thuyết minh viên Minh Thiện, cán bộ Ban Quản lý Di tích tỉnh, năm nay, nhiều hoạt động tưởng niệm 60 năm Ngày “Phú Lợi căm thù” (1.12.1958 - 1.12.2018) được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đây là dịp cho triển lãm chuyên đề “Ký ức chiến tranh” với những nội dung chính: “Di tích và Danh thắng tỉnh Bình Dương - Điểm đến của di sản văn hóa”; Các Nhà tù điển hình ở miền Nam trong thời kỳ chiến tranh; Kỷ vật chiến tranh. Đây cũng là dịp nói lên khát vọng hòa bình, giáo dục truyền thống yêu nước và yêu chuộng hòa bình cho thế hệ trẻ hôm nay và các thuyết minh viên sẽ làm việc bằng tấm lòng của mình để giúp HS, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn, tự hào hơn về quê hương Bình Dương.