Năm học 2020-2021 chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm hướng tới phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh. Trong đó, các nội dung môn học và hoạt động giáo dục đều hướng tới hình thành, phát triển 5 phẩm chất cơ bản cho học sinh là: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
Giáo dục lòng nhân ái là giáo dục trẻ vừa có tình yêu thương, vừa biết cách trao gửi, chia sẻ, lan tỏa tình yêu đến với nhiều người. Con người ta chỉ có lòng yêu thương, chỉ có cái tâm thiện thôi là chưa đủ, còn phải biết cách thể hiện tình yêu ấy một cách tế nhị. Trên tinh thần ấy, người Việt sâu sắc có câu triết lý: “Của cho không bằng cách cho”. Ngày nay, người ta gọi đó là văn hóa ứng xử. Trong bối cảnh dịch Covid-19 nguy hiểm lan rộng, tuy còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế cho 40 quốc gia, tổ chức trên thế giới. Phong cách ứng xử rất văn hóa ấy được thế giới lấy đó là một trong những động lực để cùng nhau chung sức chống lại dịch bệnh. Của cho có thể không nhiều nhưng tấm lòng thì lớn lao. Không chỉ là quan hệ người với người mà ở bình diện quốc gia cũng vậy, sự chân thành là sứ giả trung thành nhất để gắn nối và kết nối các bên thêm gần gũi, thấu hiểu về nhau mà thấu cảm cùng nhau.
Học sinh cả nước sẽ khai giảng vào sáng 5-9. Ảnh: tuoitre.vn
Lòng nhân ái như sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử tư tưởng Việt Nam, góp phần tạo nên bản sắc Việt “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”... Đã là người Việt, không thể phai nhạt lòng nhân ái!
Nhìn rộng ra, khi cả thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thời của kết nối vạn vật, của người máy..., con người đứng trước cơ hội được thụ hưởng những tiện ích vượt trội, những văn minh mới mẻ, nhưng cũng phải đối mặt với những thử thách ghê gớm: Nạn thất nghiệp, ô nhiễm môi sinh, dịch bệnh... Trước sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế ngày càng lớn, con người lại càng phải cần đến nhau hơn, để đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ, san sẻ và cùng vượt khó, cùng đi tới tương lai.
Tâm lý học hiện đại khẳng định nhân cách con người phần lớn được kiến tạo trước 5 tuổi. Tục ngữ Việt có những câu chí lý: “Tre non dễ uốn”, “Dạy con từ thuở còn thơ”... Đại văn hào Nga L.Tolstoy thường hay kể lại những gì ông có được ở thời hiện tại chủ yếu là nhờ sự giáo dục của gia đình thời ấu thơ. Ấn tượng mà L.Tolstoy nhớ mãi là cảnh bố ông-một quý tộc-thường yêu cầu đứa con 5 tuổi đưa bằng cả hai tay những đồng bạc lẻ cho một người già ăn xin.
Tất cả những yếu tố cơ sở trên đủ khẳng định phải coi việc giáo dục lòng nhân ái cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản. Điều này không chỉ đúng với truyền thống người Việt, đúng với tư tưởng của Bác Hồ: “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, mà còn đúng với bản chất khoa học giáo dục và cũng phù hợp với xu hướng giáo dục của hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay.
Vấn đề đáng bàn là cách thức giáo dục như thế nào để học sinh tiếp thu tối đa rồi hiện thực hóa lòng nhân ái. Các nhà tư tưởng, nhà giáo dục lớn trước nay trên thế giới đã đúc kết thành một nguyên lý: Cách giáo dục tốt nhất là giáo dục bằng chính nhân cách nhà giáo dục. Bác Hồ đã vận dụng nguyên lý ấy rồi mở rộng hơn về cả phía giáo dục người lớn: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi anh chị phụ trách đội, mỗi đoàn viên, thanh niên là tấm gương về lòng nhân ái; mỗi bậc phụ huynh, mỗi cán bộ, đảng viên là tấm gương về lòng nhân ái... thì sẽ lan tỏa, thẩm thấu vào trẻ thơ những giá trị yêu thương cao cả của con người.
PGS, TS Nguyễn Thanh Tú
Nguồn: qdnd.vn