(QK7 Online)- Những con đường dọc dài ôm trọn từng tấc đất biên cương, nơi mà trước đây chỉ là những vùng hoang vu thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Long An. Trên những cung đường đó, giờ đây sát cánh cùng các đồn, trạm Biên phòng, các chốt dân quân thường trực có sự hiện diện của những “Cột mốc sống” - họ là những hộ gia đình tình nguyện tạo dựng cuộc sống lâu dài trên vùng biên giới. Thành quả đó bắt nguồn từ chủ trương lớn và tâm huyết của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các tỉnh, thành phố trên vùng đất miền Đông Nam Bộ. Tất cả cùng chung ý nguyện ươm đúc những chồi xanh, trở thành “Những lá chắn” vững chãi trên vùng biên Tổ quốc
Kì 1: TẦM NHÌN TỪ CON ĐƯỜNG CHIẾN LƯỢC
Ngày 9/11/2017, Bộ Quốc phòng có Quyết định số 5002 và 5003 và Quyết định số 5223 ngày 18/11/2017 về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán đường tuần tra biên giới, giao cho Quân khu làm chủ đầu tư triển khai 3 dự án tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An với tổng chiều dài toàn tuyến trên 274km, tổng mức đầu tư được duyệt trên 2.350 tỷ đồng (trong đó tỉnh Bình Phước dài gần 110 km, dự toán trên 492 tỷ đồng, Tây Ninh dài trên 130 km, dự toán gần 1.170 tỷ đồng, Long An dài trên 34 km, dự toán trên 474 tỷ đồng).
Ngày 29/11/2017, Bộ Tư lệnh Quân khu chính thức khởi công thi công đường tuần tra biên giới trên địa bàn Quân khu.
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu thường xuyên kiểm tra, động viên các lực lượng tham gia thi công công trình.
Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu, người trực tiếp theo sát Dự án từ những ngày còn trên bản vẽ cho biết: Khó khăn lớn nhất là: Dự án được thiết kế tuân thủ theo Quyết định số 313 ngày 14/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng khi áp dụng vào địa bàn biên giới Quân khu không đáp ứng được yêu cầu gắn quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, xã hội. Thời gian thực hiện rút ngắn từ giai đoạn 2017- 2020, xuống hoàn thành trong năm 2019.
Để tháo gỡ các “điểm nghẽn” này, theo Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, trước hết là sự vào cuộc chỉ đạo sát sao, thường xuyên, quyết liệt của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu. Sự quan tâm giúp đỡ tận tình của các cơ quan Bộ Quốc phòng, sự đồng thuận, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An. “Thay đổi thiết kế phù hợp là vấn đề khá nan giải, chúng tôi phải thường xuyên lắng nghe ý kiến của các địa phương, nhất quán quan điểm chỉ đạo của trên để đề xuất điều chỉnh cả về quy mô, cấp đường… đáp ứng yêu cầu giao thông trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”. Thiếu tướng Đặng Văn Hùng chia sẻ.
Các lực lượng chủ động, tích cực thi công trên các tuyến.
Trong suốt quá trình thi công, từ những vùng rừng sâu heo hút, cách khu dân cư hàng chục km ở những huyện biên giới của tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, đến những con đường sình lầy, cách trở thuộc vùng sông nước Long An, các đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu và các cơ quan Quân khu thường xuyên có mặt kiểm tra nắm tình hình, động viên cán bộ, chiến sĩ, người lao động tích cực thi công công trình… Mặc dù phải chạy đua với thời gian, nhưng Ban quản lý dự án Quân khu giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các quy trình thi công, đồng thời khẩn trương vào cuộc với tinh thần “khó ở đâu, tìm biện pháp tháo gỡ ngay chỗ đó”, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà thầu, đơn vị thi công.
Quá trình thi công nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Phước, “Ngay từ đầu khi được Quân khu, tỉnh triển khai và giao nhiệm vụ, Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành và cấp ủy, chính quyền các xã biên giới vào cuộc mạnh mẽ. Chúng tôi thực hiện song song vừa tiến hành lập phương án đền bù, vừa vận động người dân giao đất trước để cho đơn vị thi công, phải nói rằng người dân huyện Châu Thành rất tốt và họ ủng hộ chính sách này, cho nên tiền đền bù thì chưa nhận mà người dân sẵn sàng giao đất”. Ông Đặng Thanh Hải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cho biết.
Vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết để thực hiện nhiệm vụ.
Những ngày đầu triển khai thi công do thời gian khảo sát thiết kế ngắn, chưa đánh giá đầy đủ tác động của địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt… Quá trình thi công thường xuyên điều chỉnh hướng, tuyến để phù hợp với thực tế hiện trường dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ. Trước tình hình đó, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu nhất quán quan điểm, khó mấy cũng phải thực hiện, vào cuộc với tinh thần quyết liệt đảm bảo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình. Các nhà thầu và tư vấn giám sát phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thực hiện đúng quy trình, khoa học, huy động tối đa nhân lực, vật lực, chủ động tính toán, khảo sát, đưa ra những giải pháp tối ưu nhất.
Các đơn vị phát động thi đua đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Lá thư khen của đồng chí Chính ủy Quân khu như “cú” hích tinh thần tạo nên luồng sinh khí mới lan tỏa trên những công trình, các đơn vị thi công đều phát động thi đua “Chung sức, đồng lòng, vượt khó khăn, về đích sớm, đẩy nhanh tiến độ thi công đường tuần tra biên giới”. “Chúng tôi tổ chức bố trí lực lượng, phân ca hợp lý thay nhau làm việc bất kể ngày đêm, mưa gió; đảm bảo tốt các chế độ chính sách tiền lương cho người lao động. Quyết tâm hoàn thành vượt tiến độ về thời gian, đảm bảo chất lượng công trình”, Đại tá Cao Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty Đông Hải cho hay.
Quang cảnh đường tuần tra biên giới trong quá trình thi công.
Đến thời điểm này cả 13 gói thầu xây lắp thuộc dự án đường tuần tra biên giới trên địa bàn 3 tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An hoàn thành 100% khối lượng công trình và đã nghiệm thu, bàn giao địa phương đưa vào quản lý, sử dụng.
Từ Bình Phước, đến Tây Ninh, về vùng sông nước Long An, giờ đây có niềm vui nào lớn hơn khi được chứng kiến những con đường hiện hữu giữa mênh mông màu xanh của những cánh đồng lúa, những vườn cao su ngút ngàn, cách biên giới nước bạn khoảng vài trăm mét đến 1km. Điều mà những người dân vùng biên chân chất cảm nhận, đó là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới với rất nhiều niềm tin, hy vọng vào những đổi thay kỳ diệu. “Từ đời ông đến đời cha bây giờ, phải nói rằng, thứ nhất là cái tuyến đê, thứ nhì là được Nhà nước đầu tư làm thành con đường như thế này. Người dân chúng tôi hết sức vui mừng phấn khởi, giờ rất thuận tiện, làm ruộng phân tro chở tới tận nơi, thu hoạch giá cả cao hơn rất nhiều, không biết nói gì hơn, cám ơn Đảng, Nhà nước, Quân khu 7 và các đơn vị thi công rất nhiều”, nông dân Nguyễn Văn Ngừa, ấp 6, xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An bộc bạch.