(QK7 Online) - Trong cổ ngữ Việt Nam, hiếm có loài vật nào được nhắc đến với nhiều cung bậc tình cảm như chó. Có lẽ vì quá thân thuộc với đời sống hàng ngày, nên đôi khi chó cũng bị xem thường, bị mắng mỏ, thậm chí bị gán cho đủ thứ tính xấu. Nào là “chó dại cắn càn”, nào là “tham ăn như chó”.
Kẻ ích kỷ, không kham nổi mà vẫn cố giữ, không buông thì bị ví như “chó già giữ xương”. Thế giới của loài chó, trong con mắt dân gian, cũng không khác gì xã hội loài người, với những khúc mắc, ngang trái y hệt. Nào là “chó đen ăn vụng, chó trắng chịu đòn” - kẻ này gây lầm lỗi mà kẻ khác phải chịu oan. Người nào gặp may mắn ngẫu nhiên, chứ không phải do tài năng mà có thì được ví như “chó ngáp phải ruồi”. Chàng rể lép vế, phải ở nhờ nhà vợ bị so sánh với “chó chui gầm chạn”, bức bối vô cùng…
Thế nhưng lúc bình tâm, người ta luôn coi chó là người bạn gần gũi và đáng tin cậy. Chẳng thế mà “lạc nhà theo chó, lạc ngõ theo trâu”. Tình cảm thủy chung của loài chó với con người cũng được trân trọng ghi nhận: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”…
Thậm chí, trong cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước Việt Nam, nhiều dân tộc (như Cơ Tu, Bru, Tà Ôi, Xê Đăng, S’tiêng, Giẻ Triêng, Chăm, Dao, Lô Lô…) coi chó là linh vật, thậm chí tổ tông của dân tộc mình. Người Dao có tục thờ chó, trang phục mô phỏng chó hay trang trí hình chó. Trong ngày cưới, người Dao đỏ đội một chiếc mũ hình đầu chó, mặc váy có hình đuôi chó, trang trí trang phục bằng hình ảnh đôi chó ngộ nghĩnh quay lưng lại nhau. Người dân tộc Nùng Cháo ở Lạng Sơn có tục chọn ngày tốt để đặt chó đá trước cửa nhằm trừ tà và giúp trông nom nhà cửa. Ngày Tết, chó đá được tắm bằng lá nước bưởi đun nóng, được gia chủ quàng trên cổ những vòng vải đỏ hoặc giấy hồng điều; được cúng kẹo, cúng cơm. Khi chúc Tết, mọi người có thể có bao lì xì đỏ dành riêng cho chó đá.
Trong cộng đồng dân tộc Việt (người Kinh), chó cũng rất được yêu quý và biết ơn. Hình tượng chó đã được khắc họa trên trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ và một số đồ đồng khác với hình dáng và tư thế sinh động, đặc sắc. Con mình tròn, thân ngắn, lông xù - điển hình của chó giữ nhà; con thì mình thon, mõm dài, cổ cao, nanh nhọn, ra dáng chiến binh cừ khôi; con thì chân cao, mõm ngắn, đuôi cong, bầu bạn cùng con người vượt qua muôn trùng sóng gió trên những con thuyền lớn… Ngày nay, nhiều vùng nông thôn Bắc bộ vẫn đặt tượng chó đá trước cổng làng, cổng đền đình miếu mạo hoặc ngay trước cửa nhà. Nhiều cụ cao niên ở vùng đồng bằng Bắc bộ giữ nếp cổ, vẫn kính cẩn gọi chó đá là cụ Thạch, Thần cẩu, quan lớn Hoàng Thạch…
H.G (ST)