Ông không nhớ nổi mình đã cứu sống bao nhiêu người, vớt được bao nhiêu thi thể chết đuối trong suốt 40 năm qua. Chỉ biết rằng, có tuần ông liên tiếp cứu sống hai người nhảy cầu tự vẫn. Ông bảo: “Năm nào cứu, vớt ít người là tôi mừng lắm, chứ càng cứu được nhiều người, càng vớt được nhiều thi thể tôi lại càng xót xa, bởi chẳng hiểu sao họ lại rẻ rúng mạng sống của mình đến thế!”.
Với tất cả những gì ông đã làm, bà con xóm nghèo dưới chân cầu Bình Lợi (TP Hồ Chí Minh) yêu quý gọi ông là “hiệp sĩ cướp cơm hà bá”.
Sau cơn mưa tầm tã, nước sông Sài Gòn dâng lên, ngầu đục. “Căn nhà” của ông Nguyễn Văn Chúc (Ba Chúc, thường gọi là Ba) dù đã neo chặt vào mấy chiếc cọc ven bờ vẫn bồng bềnh, chao lắc. Với diện tích chưa đầy chục mét vuông, con thuyền gỗ cũ kỹ là nơi trú ngụ của gia đình ông Ba ngót nửa thế kỷ nay. Gần 60 tuổi, ông vẫn bơi giỏi như rái cá và thuộc làu từng luồng lạch, mực nước trên sông. Ngồi tại mũi thuyền, nhâm nhi ly nước chè đỏ quạch, ông Ba hồi tưởng về những ngày đầu bươn chải kiếm sống ngay tại khúc sông này:
- Lên 3 tuổi tôi đã theo cha đi đánh bắt cá nên sớm quen với môi trường sông nước. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy thi thể người chết đuối khi bố tôi kéo lưới vớt lên bờ. Tôi sợ và bỏ ăn mấy ngày liền. Năm tôi tròn 20 tuổi, sau khi cưới vợ ít ngày, trong lúc đang ngồi ăn cơm trên thuyền neo ở gầm cầu Bình Triệu, tôi phát hiện một cô gái nhảy từ trên cầu xuống. Tôi bỏ chén đũa, lao xuống sông vớt được cô gái lên. May sao cô gái vẫn còn sống. Đấy là trường hợp đầu tiên chính tay tôi cứu người tự tử cách đây 39 năm.

Chỉ vài tuần sau, ông Ba lại vớt một người đàn ông tự tử, nhưng lần này người đó không qua khỏi. Ông Ba buồn rầu kể:
- Vừa nghe một tiếng “ùm”, linh tính mách bảo có người nhảy cầu, tôi bỏ ngay mẻ lưới đang kéo dở, chèo thuyền ra chân cầu. Ngụp lặn một hồi, tôi đưa được người đàn ông lên thuyền, nhưng do tôi không biết cách hô hấp nhân tạo nên cứ loay hoay mãi và không cứu được nạn nhân. Bàn giao tử thi cho công an mà lòng tôi buồn tê tái. Mãi đến sau này khi vào trong xóm, tình cờ tôi nhìn thấy trên ti vi hướng dẫn kỹ thuật cấp cứu nạn nhân đuối nước nên mới học theo. Từ đó, hầu như những trường hợp nhảy cầu Bình Lợi, Bình Triệu nếu được phát hiện kịp thời tôi đều cứu sống.
Dường như cái công việc chẳng giống ai này đã chọn ông nên sau lần ấy vợ chồng ông Ba chuyển hẳn “căn nhà” của mình sang neo đậu sát chân cầu Bình Lợi để tiện ứng cứu những người tự tử. Suốt một thời gian dài, vợ chồng ông Ba lặng lẽ cứu vớt những phận đời hẩm hiu mà chẳng mấy ai biết đến. Gần đây người ta mới biết ông qua những câu chuyện truyền tai nhau đầy ngưỡng mộ.
- Lúc đầu, khi vớt những tử thi đuối nước lâu ngày bị phân hủy, tôi sợ lắm. Vợ tôi cũng phàn nàn, kiêng cữ, đêm chẳng dám nằm gần. Nhưng rồi vợ chồng bảo nhau, kiếp này mình nghèo quá, cố tích đức để lại cho con. Dù người ta có chết vì lý do gì thì mình vớt được cũng là duyên phận. Nghĩ vậy nên vợ chồng tôi bền bỉ làm việc thiện từ bấy đến nay-ông Ba chia sẻ.
Trải qua nhiều năm vớt xác, cứu người tự tử, ông Ba cũng nhiều lần suýt chết vì gặp phải những trường hợp… "tự tử nửa mùa", nhảy xuống nước rồi mới thấy sợ chết nên bám chặt lấy ông khiến cả hai cùng chìm nghỉm. Những lúc đó ông phải rất khéo léo mới thoát hiểm nguy và cứu được họ đưa lên bờ. Cũng có những trường hợp tình huống cứu người chẳng khác gì trên phim, khiến ông đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ông nhớ lại:
- Vào một buổi sớm tinh mơ, như thường lệ tôi đi kéo mẻ cá về cho vợ mang ra chợ bán, kiếm vài chục ngàn sống qua ngày. Đang kéo lưới thì tôi nhìn thấy một người phụ nữ ôm mảng lục bình trôi sông. Tôi khua mái chèo, chị ta không hề động đậy nên tôi nghĩ chắc đã chết rồi. Tôi bỏ mẻ lưới, bơi thuyền lại, định bụng vớt lên rồi báo cho công an nhận dạng. Ai dè, lúc tôi lấy dây thừng quấn quanh người chị ta thì thấy cánh tay động đậy rồi nắm chặt tay tôi. Giật thót tim, tôi nói theo quán tính: "Ủa, còn sống hả?". Ngay sau đó tôi đưa chị ta lên ghe chạy về cầu cứu vợ và bà con chòm xóm. Toàn thân chị ta run lẩy bẩy, tái nhợt, không nói được gì. Vợ tôi lấy bộ quần áo thay cho chị ta, rồi đun nước nóng, xức dầu gừng, nấu mì gói cho ăn. Hồi lâu chị ta khỏe lại, vừa khóc, vừa kể do bị vỡ nợ phải cầm cố sổ đỏ. Chủ nợ đòi riết quá nên quẫn bách tính liều. Thương cảm hoàn cảnh của chị, vợ chồng tôi thuê hai chiếc xe ôm áp tải chị về tận nhà, đúng lúc có hai chủ nợ đang ngồi chờ. Tôi liền vào khuyên ngăn: “Các bà ép quá, chị ta vừa nhảy cầu tự tử đấy! Hại chết một mạng người sẽ mang tội suốt đời! Các bà gia hạn nợ nần, cho người ta con đường sống với!”. Nghe vậy, hai chủ nợ đồng ý gia hạn rồi lặng lẽ bỏ về.
- Nhà mình nghèo chú lấy đâu tiền trả lộ phí cho những trường hợp như thế? Tôi hỏi. Ông Ba cười xởi lởi:
- Có đáng là bao. Nhiều lần cứu được người tự tử, công an đến lập biên bản, đưa vào bệnh viện cấp cứu chỉ có tôi là người làm chứng kiêm luôn người nhà nên phải bỏ tiền ra đóng viện phí. Đa số trường hợp sau khi gia đình họ đến thì trả lại cho mình, nhưng cũng có trường hợp họ túng quẫn quá nên trốn viện luôn. Mình đã thương thì thương cho trót, nghĩ ngợi làm gì.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình ông thuộc diện nghèo nhất xóm, hai vợ chồng vất vả mưu sinh để nuôi 5 cô con gái nhưng ông bà vẫn không ngần ngại dốc sạch những đồng tiền tích cóp còm cõi để đóng viện phí giúp nạn nhân hoặc trả tiền lộ phí đưa họ về nhà. Vậy mà, mấy năm đầu ông Ba còn bị nghi ngờ, có kẻ độc miệng nói ông lợi dụng việc cứu vớt nạn nhân để móc túi họ. Ngay cả công an địa phương lúc đầu cũng nhìn ông với ánh mắt dò xét. Ông Ba chỉ im lặng nhưng buồn và tủi thân lắm! Vợ ông thì khóc thút thít cả đêm. Ông Ba động viên vợ: “Việc mình làm có trời đất và các nạn nhân làm chứng, bấy nhiêu thôi là đủ”. Quả thực, cái tâm trong sáng của vợ chồng ông đã được bà con và các chiến sĩ công an ghi nhận. Anh Nguyễn Ngọc Ái, 49 tuổi, hàng xóm cạnh thuyền ông Ba, tâm sự:
- Rất nhiều nạn nhân sau khi được anh Ba cải tử hoàn sinh đã đến cảm tạ vợ chồng anh. Thế nhưng, anh chỉ nhận tấm lòng của họ mà không hề nhận một đồng hào, cắc bạc. Bởi vậy, nhiều người xin nhận làm con nuôi nhưng vợ chồng anh cũng đắn đo mãi mới nhận hai người. Anh bảo, mình chẳng nuôi nổi họ, chẳng thể làm tròn trách nhiệm người cha thì đâu dám nhận nghĩa tình thiêng liêng ấy.
Đang ngồi trò chuyện, bỗng “ùm…, ùm…”, ông Ba bật dậy ngó nghiêng, rồi nhảy lên bờ quan sát. Thì ra là mấy đứa trẻ sống ở gầm cầu nô đùa tắm sông. Chẳng biết tự bao giờ vợ chồng ông Ba đã hình thành thói quen cảnh giác. Ngay cả trong giấc ngủ, chỉ cần một tiếng quẫy nước cũng làm ông bật dậy rọi đèn ra phía gầm cầu. Trong lúc ông Ba lên bờ, tôi mới để ý kỹ “phòng khách” của ông. Ở đó, ngoài mấy bằng khen, giấy khen của chính quyền trao tặng, có một tấm hình vợ chồng ông chụp cùng một nam thanh niên trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh Ái “bật mí”:
- Đó là cậu con nuôi của anh Ba đấy. Năm ngoái, gia đình nó vào tận đây nằng nặc mời vợ chồng anh Ba ra thăm nhà ở Nghệ An, rồi đưa bố mẹ nuôi ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác. Đây cũng là lần đầu tiên vợ chồng anh Ba ra khỏi Sài Gòn.
Nói về trường hợp cứu sống người con nuôi này, ông Ba kể:
- Chuyện xảy ra đã mấy năm rồi. Hôm đó, thằng Đức (tên người con nuôi), cùng 4 công nhân khác đang sửa cầu Bình Lợi. Trong lúc làm việc chẳng may 5 đứa rớt xuống sông. Nghe tiếng “ầm”, tôi đoán có chuyện chẳng lành nên chèo thuyền ra ngay. 3 người biết bơi, vào được tới bờ trong cơn hoảng loạn, 1 cậu chìm mãi xuống đáy sông, còn 1 cậu được vợ chồng tôi cứu sống. Đúng một tuần sau khi đã bớt hoảng sợ, anh chàng tìm đến gặp tôi xin nhận làm con nuôi. Lúc đầu vợ chồng tôi từ chối, tới khi bố mẹ nó từ ngoài quê vào nói chuyện người lớn tôi mới nhận Đức làm con nuôi.
Gần 40 năm cứu người, vớt xác với bao cảm xúc buồn, vui. Gặp những trường hợp nam, nữ thanh niên trong lúc quẫn trí trót dại quyên sinh, khi được cứu sống, vợ chồng ông Ba còn khuyên bảo, thậm chí dọa cho họ sợ để biết quý trọng sinh mạng của mình. Thấy họ thức tỉnh, vợ chồng ông mừng lắm! Nhưng cũng có trường hợp khiến ông bật khóc. Cách đây 7 năm, trong lúc kéo cá, phát hiện xác một người phụ nữ dập dềnh trên sông, ông Ba nhảy xuống kéo người phụ nữ vào bờ thì nhìn thấy một bàn chân trẻ em chừng 5 tuổi thòi ra từ trong tấm vải buộc ngang bụng mẹ. Tay người phụ nữ vẫn trong tư thế giữ đầu đứa trẻ. Chắc nó đã giãy đạp, cố nhoi đầu lên trước khi thoát xác. Cảnh tượng ấy khiến mắt ông nhòa lệ, nói như trách móc người mẹ nhẫn tâm: Nó có tội tình gì mà cháu bắt nó chết oan như thế! Vài ngày sau khi công an đăng tin trên báo, người chồng từ Bình Dương xuống nhận tử thi. Anh ta kêu khóc thảm thương, chỉ vì vợ chồng cãi cọ mà xảy ra cơ sự đau lòng…
Còn bao câu chuyện nhói lòng như thế mà ông Ba là người được nghe nhiều nhất. Nhờ tấm lòng của ông, đã có hàng trăm người trở về từ cõi chết, và cũng có hàng trăm thi thể được vớt lên từ dưới dòng sông. Thế nhưng, nghĩ đến phận mình ông Ba lại thở dài:
- Vợ chồng tôi chẳng có một tấc đất cắm dùi, chết đi cũng chẳng có tiền mà mua nổi một chỗ chôn thân. Chiếc thuyền cũ kỹ này vừa là nhà, vừa là nơi cho các nạn nhân thay đồ, nằm nghỉ khi mới được vớt lên. Ước gì tôi có một túp lều nho nhỏ…
Ông Ba bỏ lửng câu nói khiến lòng tôi se sắt. Ngày mai, ngày kia… ông vẫn tiếp tục cứu người, vớt xác. Người ta vẫn nhớ tới ông với những câu chuyện của một hiệp sĩ giữa đời thường. Còn tôi, tôi nhớ đến ông-một lão ngư nghèo rớt mồng tơi vẫn xả thân làm việc nghĩa chẳng cần trả ơn, như đóa hoa lục bình thầm lặng làm đẹp những dòng sông.
Hoàng Thành
Nguồn: qdnd.vn