Một đặc điểm dễ nhận thấy của thời đại công nghiệp 4.0 là có rất nhiều hình thức kinh tế mới ra đời. Điều đó, khiến việc quản lý kinh tế vĩ mô phải luôn năng động mới đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, hiện nay hình thức “kinh tế chia sẻ” đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam nhưng các công cụ quản lý còn thiếu...
Xu hướng của công nghiệp 4.0
“Nền kinh tế chia sẻ” là thuật ngữ đề cập đến mô hình kinh doanh (KD) khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành mô hình KD. Mô hình này thường do các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp khởi xướng-đối tượng này không sở hữu bất kỳ nhà máy hay kho hàng nào nhưng lại có cả một kho tài nguyên sẵn có trên toàn cầu và luôn sẵn sàng gia nhập hệ thống. Nếu hiểu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng phát hiện nhu cầu con người từ đó dựa trên các nền tảng công nghệ có sẵn để đáp ứng thì nền kinh tế chia sẻ chính là một biểu trưng.
Việc “chia sẻ” tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ cùng những khoản lợi nhuận khổng lồ đem lại cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên, khiến mô hình KD này nhanh chóng phổ biến toàn thế giới. Trong sự thành công của kinh tế chia sẻ có thể kể đến nhiều tên tuổi nổi tiếng, như: Airbnb, Uber, RabbitTask... Chỉ trong thời gian ngắn, dịch vụ cho thuê, chia sẻ chỗ ở Airbnb.com ra đời, thu hút khoảng 3.000 tòa lâu đài, biệt thự; 2.000 căn hộ ngoài trời; 900 hòn đảo và hàng chục nghìn ngôi nhà trên toàn thế giới. Đến năm 2015, dịch vụ Airbnb.com được định giá khoảng 20 tỷ USD. Rất nhiều dịch vụ khác đã và đang phát triển mạnh, chia sẻ và cho thuê gần như mọi thứ: Từ máy nông nghiệp, máy công nghiệp cho đến máy ảnh, đồ chơi, thiết bị thể thao, cho thuê sách, gọi vốn…
Tại Việt Nam hiện loại hình dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ đang mở rộng quy mô với các tên tuổi nước ngoài là dịch vụ vận tải trực tuyến, như: Uber, Grab và dịch vụ chia sẻ chỗ ở Airbnb, cùng với đó là dịch vụ của nhiều start-up trong nước, như: Dịch vụ sửa điện thoại, điện lạnh; dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ huydong.com... Theo một ước tính, có khoảng 6.500 cơ sở tham gia Airbnb ở Việt Nam tính đến tháng 6-2017.
Ích lợi kinh tế và lỗ hổng quản lý
Theo kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, thì kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết thích ý tưởng KD về mô hình này (chiếm 75%). Trong khi đó, mức độ sẵn sàng về ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) của DN và người dân cũng như quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam ở mức trung bình khá trong khu vực. Bên cạnh những lợi ích vượt trội như tận dụng được hạ tầng, phương tiện, tạo thêm nhiều việc làm và mang lại các dịch vụ tiện ích, thì mô hình nền kinh tế chia sẻ cũng gây ra mối lo ngại về tính pháp lý. Việc thiếu chế tài cho các loại hình mới khiến cơ quan quản lý không chỉ của Việt Nam mà nhiều quốc gia bối rối, vô hình trung tạo sự cạnh tranh không công bằng giữa phương thức KD truyền thống và phương thức kinh tế chia sẻ. Có thể thấy rõ điều này qua việc quản lý đối với Grab, Uber và đối với các hãng taxi truyền thống tại Việt Nam thời gian qua. Trong khi các hãng taxi truyền thống bị quản lý rất chặt cả về thuế, giá cước, khuyến mại, các tuyến phố được hoạt động thì suốt một thời gian dài xe gia đình hoạt động như taxi của Grab và Uber gần như không chịu các quy định quản lý. Gần đây, các xe dạng này mới buộc phải dán nhãn và không được đi vào một số tuyến ở một số giờ quy định. Cùng với đó, việc trốn thuế của các công ty tham gia kinh tế chia sẻ cũng trở thành mối quan tâm lớn của chính phủ các quốc gia, trong khi lợi nhuận mà các công ty này thu được ước tính lên tới những con số khổng lồ.
Bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) nhận định: Các vấn đề về quản lý liên quan đến kinh tế chia sẻ đang đặt ra, gồm: Môi trường KD bảo đảm hài hòa lợi ích đối với các mô hình KD dịch vụ truyền thống; kiểm soát việc minh bạch về thông tin; quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ; quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm; chống thất thoát thuế và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Sẽ trình đề án về mô hình kinh tế chia sẻ trong tháng 6-2018
Tại phiên họp thường kỳ vừa diễn ra, Chính phủ nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) báo cáo về sự cần thiết xây dựng đề án về mô hình kinh tế chia sẻ. Theo Bộ KH&ĐT, nhìn chung sự phát triển của các dịch vụ này trong thời gian vừa qua còn mang tính tự phát, trong khi các cơ quan quản lý còn khá lúng túng việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này. Hệ thống pháp luật về hoạt động KD của nước ta, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử… và các quy định về thuế hiện nay hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ.
Riêng trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Đây được coi là văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến dịch vụ vận tải theo bản chất của kinh tế chia sẻ. Về thuế, hiện nay, Bộ Tài chính coi dịch vụ phần mềm kết nối của Uber là “bộ phận cấu thành của dịch vụ vận tải” và đã có công văn hướng dẫn thu thuế với loại hình này theo mức thuế suất 3% như với dịch vụ vận tải.
Bộ KH&ĐT cho rằng, trong khi xu thế ứng dụng công nghệ vào sản xuất KD là tất yếu thì vấn đề quan trọng với Việt Nam hiện nay là làm thế nào để khai thác tối đa điểm mạnh của mô hình kinh tế chia sẻ, đồng thời hạn chế thấp nhất những bất cập. Mục tiêu của đề án về mô hình kinh tế chia sẻ là đề xuất giải pháp phát triển các loại hình KD của mô hình kinh tế này theo hướng tạo môi trường KD bình đẳng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong nền kinh tế ở Việt Nam...
Dự kiến, đề án có 3 phần chính: Tập trung đánh giá thực trạng mô hình kinh tế chia sẻ và khung khổ pháp lý, chính sách; đề xuất một số giải pháp phát triển các loại hình KD theo mô hình kinh tế chia sẻ tới năm 2025; tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho bộ, ngành, địa phương.
Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Việc Chính phủ đưa ra chủ trương có đề án về mô hình kinh tế chia sẻ là cần thiết, chuẩn bị cơ sở pháp lý và các điều kiện, các giải pháp liên quan. Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì tiếp thu các ý kiến, làm việc với các bộ, ngành liên quan, lấy ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước để hoàn thiện đề án trình Chính phủ trong tháng 6-2018.
Hồ Quang Phương