Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mỗi năm tỉnh này có khoảng 10 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ được triển khai và ứng dụng vào thực tiễn, trong đó, có đến 80% thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Thời gian qua, các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, giúp người dân chăn nuôi và sản xuất theo hướng bền vững và được tỉnh cấp kinh phí thực hiện. Một số đề tài được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực như: áp dụng quy trình sản xuất, xây dựng nhà lưới, nhà màng; sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trong sản xuất rau; nghiên cứu quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cho một số loại cây trồng như bưởi da xanh Sông Xoài (huyện Tân Thành), rau an toàn (huyện Tân Thành, Đất Đỏ), thanh long ruột đỏ (huyện Xuyên Mộc)... Ngoài ra, một số giống trái cây như nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta còn được bảo tồn gen và phát triển đặc sản quý để xây dựng thương hiệu... Không chỉ trồng trọt, hiện nay các trang trại chăn nuôi ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang từng bước thay đổi cách làm truyền thống, chuyển sang áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển; năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi hàng năm đều tăng, góp phần nâng mức tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân hàng năm từ 6 đến 7%. Bên cạnh đó, các đề tài, dự án khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp trong tỉnh đã giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp sạch, hiện đại.
Theo ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, để phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong các ngành, các lĩnh vực then chốt như công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghệ môi trường… Trong đó, công nghệ sinh học phải là khâu đột phá, thông qua hoạt động lai tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao đáp ứng yêu cầu thị trường và phục vụ nhu cầu xuất khẩu, từng bước tiến lên công nghệ cao trên cơ sở nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã quy hoạch tổng diện tích dự kiến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là khoảng trên 5.000 ha tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành và Đất Đỏ nhằm kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Đến nay, đã có 28 doanh nghiệp đăng ký xin giao đất với diện tích hơn 2.500 ha để thực hiện các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực trồng trọt như: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel kết hợp bón phân.
Trong tháng 9/2017, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tại hội nghị, ngoài việc giới thiệu khái quát tiềm năng, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thông tin đầy đủ về Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, các doanh nghiệp cũng sẽ được thông tin về những chính sách ưu đãi của Nhà nước, của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với doanh nghiệp, nhất là các chính sách về đất đai và vốn…
Được biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển Khoa học và Công nghệ của tỉnh này đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt khoảng 20%/năm; thực hiện kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh… Các lĩnh vực được ưu tiên trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ; công nghệ xanh, công nghệ sạch; môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; xây dựng đô thị thông minh…/.
Nguồn: dangcongsan.vn