Trong văn bản mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị một số giải pháp để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền (affordable housing) có mức giá không quá 35 triệu đồng/m2, căn hộ giá không quá 03 tỷ đồng.
Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng cơ chế cho người trẻ (từ 18-45 tuổi) mua căn nhà đầu tiên được vay tín dụng với lãi suất thương mại hợp lý.
Theo gợi ý của HoREA, lãi suất này khoảng 6-7%/năm được bảo đảm khoản vay bằng chính căn nhà đó. Thời hạn vay 10-15 năm sẽ tạo “cú huých”, khuyến khích các doanh nghiệp tái cấu trúc các dự án bất động sản hiện hữu, chuyển hướng đầu tư sang phân khúc nhà ở thương mại giá vừa túi tiền.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nếu áp dụng cùng với “Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030” sẽ tái cấu trúc thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thêm vào đó, đa số người trẻ thông thường sau khoảng 10-15 năm sẽ có thu nhập tăng gấp đôi hoặc hơn gấp đôi, nên hầu như không có rủi ro cho các ngân hàng thương mại cho vay.
HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng cơ chế cho người trẻ mua căn nhà đầu tiên được vay tín dụng với lãi suất thương mại hợp lý.
Thực trạng người trẻ khó tiếp cận cơ hội an cư đang diễn ra phổ biến, nhất là tại giá nhà tại các thành phố lớn không ngừng tăng cao. Theo số liệu của CBRE Việt Nam, tính đến quý 4/2024, giá bán căn hộ chung cư tại Hà Nội đạt 72 triệu đồng/m2 thông thủy. Giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp tại Hà Nội năm trước đã ghi nhận mức tăng mạnh, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, tại TP.HCM, căn hộ chung cư tại hiện có giá bán sơ cấp đạt trung bình 76 triệu đồng/m2 thông thủy, tăng gần 24% theo năm. Mức tăng này là do hơn 70% nguồn cung mới trong năm tại thành phố là các dự án cao cấp đến hạng sang và các dự án mở bán giai đoạn tiếp theo điều chỉnh giá bán tăng từ 10% đến 40% so với giai đoạn trước đó.
Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nhóm có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số có thu nhập cao nhất – nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 14,47 triệu đồng tại Hà Nội; 13,8 triệu đồng tại Đà Nẵng; 13,26 triệu đồng tại TP. HCM; 13,9 triệu đồng tại Đồng Nai và 18,38 triệu đồng tại Bình Dương.
Đây là nhóm được kỳ vọng có khả năng sở hữu nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM mà không cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế, khi đối diện với bài toán sở hữu nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội hoặc TP.HCM, ngay cả nhóm này cũng gặp không ít trở ngại.
VARS cho biết, khả năng tiếp cận nhà ở, tạo lập chỗ ở của đa số người dân, đặc biệt những người lao động đang giảm mạnh trong vài năm qua. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này giá Bất động sản tại các đô thị lớn, vốn đã vượt xa khả năng tài chính của đại đa số người dân, lại tăng nhanh, hơn gấp nhiều lần tốc độ tăng thu nhập.
Tại hội nghị với các ngân hàng thương mại ngày 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, góp phần xoá nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có ưu đãi cho những người trẻ có nhu cầu an cư, lạc nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2025 Ngân hàng Nhà nước đã định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% và có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát diễn biến, nếu kiểm soát lạm phát được thấp thì sẽ điều chỉnh tăng chỉ tiêu này và ngược lại. Chính sách tín dụng cũng sẽ tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, khai thác các động lực như tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Với tín dụng nhà ở xã hội, cần nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngân sách nhà nước. Hệ thống ngân hàng đã rất trách nhiệm với tinh thần nhân văn, đã hỗ trợ và tự nguyện giảm lãi suất nhưng quá trình triển khai gặp khó khăn.
Ngân hàng Nhà nước mong muốn Bộ Xây dựng phối hợp địa phương đánh giá tổng thể nhu cầu về nhà ở, bao nhiêu nhu cầu cần sở hửu, bao nhiêu nhu cầu cần thuê, mua, để tín dụng ngân hàng đi vào trọng tâm.
Diệu Trang