Hình minh họa
Đề xuất chi 21.700 tỷ xây dựng đường trên cao nối TP.HCM với Bình Dương
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã đề xuất dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, với tổng chiều dài khoảng 6,3 km.
Dự án bao gồm việc mở rộng mặt đường lên 10 làn xe, rộng 60 m, và xây dựng đoạn đường trên cao dài hơn 3 km với 4 làn xe ở giữa tuyến. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 21.700 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 68% (hơn 14.700 tỷ đồng), phần còn lại do nhà đầu tư huy động.
Dự kiến, việc giải phóng mặt bằng sẽ bắt đầu từ quý 3 năm nay, và quá trình xây dựng dự kiến hoàn thành sau hai năm kể từ khi khởi công vào quý 3/2026.
Vào đầu tháng 2/2025, dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 52 km, đã được khởi công. Dự án này kết nối từ Đường Vành đai 3 TP.HCM đến thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), tạo động lực phát triển cho khu vực Đông Nam Bộ và mở rộng kết nối lên Tây Nguyên. Tuyến cao tốc được quy hoạch với quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 17.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Thông tin tuyến đường sắt hơn 8,3 tỷ USD vừa được Chính phủ đề xuất vay vốn Trung Quốc để triển khai
Chiều 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Theo nội dung tờ trình, dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 203.231 tỷ đồng (tương đương 8,369 tỷ USD). Dự án này nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa và liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Tuyến chính của dự án có chiều dài khoảng 390,9 km, đi qua 9 tỉnh và thành phố, bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Quy mô xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa khổ 1.435 mm, phục vụ cả vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tốc độ thiết kế: Đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng: 160 km/h. Đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội: 120 km/h. Các đoạn nối và tuyến nhánh: 80 km/h.
Toàn tuyến dự kiến xây dựng 18 ga (bao gồm 3 ga lập tàu và 15 ga hỗn hợp) cùng 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật. Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là một phần quan trọng trong hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, giúp tăng lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cần hơn 162.000 tỷ đồng đầu tư “siêu cảng” lớn nhất khu vưc phía Nam
UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến những đề xuất đối với dự án xây dựng cảng biển Trần Đề.
Cụ thể, vị trí Cảng được đề xuất xây dựng tại cửa Trần Đề, thuộc xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, cách bờ hiện hữu khoảng 25 km về phía Đông.
Các hạng mục quan trọng gồm: Cầu cảng có tổng chiều dài 5.300 m, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp và tàu container trọng tải đến 100.000 DWT (tương đương 6.000-8.000 TEU), cũng như tàu hàng rời 160.000 DWT.
Đê chắn sóng có tổng chiều dài 9.800 m, trong đó giai đoạn khởi động xây dựng 4.000 m.
Cầu vượt biển có chiều dài 17,8 km, kết nối cảng với đất liền, dự kiến sẽ là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và thuộc hàng dài nhất Đông Nam Á.
Khu dịch vụ hậu cần cảng và logistics: Tổng diện tích khoảng 4.000 ha, bao gồm các hạng mục như san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện động lực, phòng cháy chữa cháy và thông tin liên lạc.
Bình Định sẽ đầu tư tuyến đường nối từ quốc lộ 1 đến đường ven biển kết nối với cảng Đề Gi gần 1.500 tỷ đồng
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đồng ý cho thực hiện đầu tư xây dựng dự án Tuyến đường nối từ Quốc lộ 1 đến đường ven biển (ĐT.639), kết nối với Cảng Đề Gi.
Cụ thể, điểm đầu dự án tại nút giao Quốc lộ 1 (tại Km1188+070) và đường trục chính quy hoạch trung tâm xã Cát Hanh. Điểm cuối dự án tại vị trí nút giao ĐT.633 với tuyến đường tránh ĐT.633, đoạn từ Núi Ghềnh đến giáp đường ven biển (ĐT.639).
Tổng chiều dài tuyến đầu tư khoảng 17,3Km đi qua địa phận các xã Cát Hanh, Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh, huyện Phù Cát. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.432 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2024 – 2028. Trong đó, năm 2024 – 2025 chuẩn bị thực hiện dự án; năm 2026 – 2028 là thực hiện dự án.
Hoàng An