Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,8 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 1,3 tỷ USD. Mức xuất siêu sang Hoa Kỳ tháng đầu năm đạt 8,5 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Được biết năm 2024, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt hơn 132 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc và thiết bị quang học...
Theo đánh giá của một số chuyên gia, năm 2025 các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ như dệt may, đồ gỗ mỹ nghệ, máy móc thiết bị điện tử và nông sản... sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, với ngành dệt may, xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Năm 2025, ngành dệt may kỳ vọng đạt 25 tỷ USD xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, tăng trưởng nhờ nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm chất lượng cao và thân thiện với môi trường.
Tương tự, sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, với tiềm năng tăng trưởng mạnh, được dự đoán sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD trong năm 2025, tăng hơn 20% so với năm 2024. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm nội thất bền vững, tái chế tại Hoa Kỳ tiếp tục là động lực chính thúc đẩy ngành này.
Ngoài ra, các sản phẩm công nghệ cao như linh kiện điện tử, thiết bị viễn thông cũng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu, với giá trị dự kiến tăng từ 15-18% nhờ sự mở rộng sản xuất từ các tập đoàn như Samsung, Intel và LG.
Ngành nông sản và thủy sản, bao gồm các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và hạt điều cũng được dự báo đạt kim ngạch trên 7 tỷ USD.
Với các sản phẩm nhôm thép xuất khẩu sang Mỹ, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, trong trường hợp Mỹ áp thuế 25% với toàn bộ hàng hóa nhôm, thép thì sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội do năng lực sản xuất doanh nghiệp Mỹ chưa đáp ứng ngay nhu cầu.
năm 2024 Việt Nam xuất khẩu khoảng 983 triệu USD thép và sản phẩm thép, tăng gần 159% so với năm 2023; trong khi với mặt hàng nhôm có kim ngạch là 479 triệu USD, tăng 9,5%.
Hiện nay, mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% theo Mục 232 mà Mỹ áp dụng từ năm 2018 với hầu hết các nước.
Bên cạnh đó, sản phẩm nhôm thép của Việt Nam là đối tượng thường xuyên trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Với sản phẩm thép, Mỹ đã điều tra hơn 34 vụ, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện mà Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam còn với sản phẩm nhôm là 2 vụ việc.
Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định của Mỹ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Mỹ các vụ việc phòng vệ thương mại, khi hiện đã có 34 vụ kiện phòng vệ thương mại với mặt hàng thép và hai vụ việc điều tra với nhôm. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp.
Phương Vũ