Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì buổi làm việc.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh khuyến khích các đơn vị mạnh dạn đặt câu hỏi, rút kinh nghiệm từ Viettel. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến cách tiếp cận của Viettel khi nghiên cứu công nghệ mới và đặt câu hỏi cho việc “Tại sao Viettel có thể thực hiện những nhiệm vụ dường như bất khả thi?”. Thứ trưởng cũng yêu cầu Viettel trình bày cách làm chủ công nghệ lõi và dự báo xu hướng nghiên cứu khoa học.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội báo cáo với đoàn công tác Bộ Quốc phòng.
Một yếu tố quan trọng trong nghiên cứu là tầm nhìn rõ ràng. Theo Chủ tịch Tập đoàn, mỗi dự án phải xác định đầu ra cụ thể để công trình thực sự đi vào thực tiễn.
Đại diện Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã đặt các câu hỏi về cách Viettel xây dựng và quản lý nhân sự. Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Tào Đức Thắng cho biết Viettel tuyển chọn kỹ sư từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường, đào tạo bài bản để phát triển đội ngũ chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh biểu dương Viettel trong công tác nghiên cứu khoa học, khẳng định các đơn vị trong Bộ Quốc phòng có thể học hỏi cách làm này. Thứ trưởng nhấn mạnh muốn làm chủ công nghệ phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; cần lấy công nghệ của các nước phát triển làm thước đo cho mình. Thứ trưởng Lê Huy Vịnh giao Viettel phải tiếp tục đặt ra tiêu chuẩn cao hơn để vừa kinh doanh hiệu quả, vừa nghiên cứu khoa học thành công.
“Các đơn vị trong Bộ Quốc phòng cần học hỏi Viettel trong công tác đào tạo và phát triển nguồn lực. Tại Viettel, những người làm nghiên cứu khoa học tự hào khi sản phẩm của họ thành công. Để đạt được thành công ấy, họ phải có bản lĩnh, ý chí vươn lên, sẵn sàng phấn đấu và sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ”, Thứ trưởng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.
Đồng chí giao Viettel hoàn thành tốt các mục tiêu khoa học công nghệ năm 2025, trong đó có 37 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2024 và 16 nhiệm vụ mới do Bộ Quốc phòng giao. Đồng thời, Viettel cần hoàn thiện chính sách thu hút nhân tài, ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám và đảm bảo chế độ đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ nghiên cứu.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tham dự hội nghị như Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga nghiên cứu kinh nghiệm của Viettel để định hướng chiến lược phát triển trong những năm tới. Đồng chí nhấn mạnh rằng các đơn vị cần tập trung đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị để đưa ra các sản phẩm chất lượng cao, đồng thời tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin để tận dụng tối đa thế mạnh của từng đơn vị.
Sau gần 15 năm nghiên cứu công nghệ quốc phòng công nghệ cao, tính đến năm 2024, Viettel đã triển khai 204 đề tài trong các lĩnh vực như tác chiến điện tử, vệ tinh, tự động hóa chỉ huy và an ninh mạng.
Viettel đã hoàn thành nhiều sản phẩm quân sự chất lượng cao, với tổng doanh thu vượt 50.000 tỷ đồng.
Tập đoàn đã nộp hơn 680 đơn đăng ký sáng chế trong nước (175 sáng chế được cấp bằng), và 127 đơn đăng ký tại Mỹ (41 bằng sáng chế được cấp).
Viettel hiện có hơn 3.000 nhân sự nghiên cứu và sản xuất, cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế.