Theo mô hình phát triển này, Bình Thuận sẽ huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đảm bảo tính đồng bộ và kết nối giữa các khu vực trong và ngoài tỉnh. Các dự án trọng điểm được ưu tiên bao gồm hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng cho phát triển kinh tế biển, các khu công nghiệp, cùng hệ thống thông tin, truyền thông và chuyển đổi số.
Kế hoạch cũng đặc biệt nhấn mạnh đầu tư vào các khu vực có vai trò động lực, góp phần tạo ra không gian phát triển mới và nâng cao hiệu quả kinh tế vùng.
Bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế biển, Bình Thuận đặt mục tiêu hoàn thiện hạ tầng y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ, và các lĩnh vực an sinh xã hội. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng hạ tầng phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu để đảm bảo phát triển bền vững.
Không chỉ dựa vào nguồn vốn đầu tư công, Bình Thuận còn tập trung thu hút đầu tư tư nhân và vốn FDI để phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, công nghệ cao, và du lịch.
Với phương châm "Lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư nhân," tỉnh sẽ bố trí vốn công cho các dự án trọng điểm, có tính đột phá cao, nhằm tạo sức lan tỏa lớn và không gian phát triển mới. Đồng thời, Bình Thuận sẽ cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư.
Mô hình "Một trục - Hai liên kết - Ba trung tâm" là định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng đồng bộ của Bình Thuận. Với cách tiếp cận này, tỉnh không chỉ nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Theo quy hoạch 2021 – 20230, Bình Thuận sẽ trở thành tỉnh năng động, làm giàu bền vững từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước. Là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển mang tầm quốc gia, quốc tế; trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Cũng với mục tiêu trên, đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực Duyên hải Trung bộ, có kinh tế biển phát triển bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại. Là trung tâm năng lượng sạch; trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, bố trí không gian phát triển theo nguyên tắc "Một trục động lực - Hai trục liên kết - Ba trung tâm - Ba hành lang phát triển".
N.Đăng