Ngành công nghiệp thép Trung Quốc vẫn chưa hết khó khăn khi mức sản xuất vẫn duy trì ở ngưỡng cao trong khi nhu cầu nội địa suy giảm mạnh, đẩy nhiều nhà máy vào tình thế thua lỗ nghiêm trọng.
Mặc dù sản lượng đã giảm nhẹ trong năm 2024, con số này vẫn duy trì trên 1 tỷ tấn. Đây là mức cao thứ 5 liên tiếp, cho thấy sự cần thiết phải cắt giảm sâu hơn để phù hợp với nhu cầu thực tế.
Các nhà sản xuất vẫn phải cắt giảm sản lượng nhiều hơn để phù hợp với nhu cầu đang chững lại do thị trường bất động sản suy yếu và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Sự suy yếu của thị trường đến từ hai nguyên nhân chính: Cuộc khủng hoảng kéo dài trên thị trường bất động sản và sự chuyển dịch cơ bản trong cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc.
Thời kỳ tăng trưởng kéo dài nhiều thập kỷ, được thúc đẩy bởi xây dựng và đầu tư nhà nước, giờ đã khép lại. Trong khi đó, các lĩnh vực tăng trưởng mới chưa đủ sức bù đắp khoảng trống này, đặc biệt khi chính phủ Trung Quốc đang chuyển hướng tập trung vào phát triển xanh, công nghệ cao và tiêu dùng.
Ngành thép Trung Quốc đang đối mặt với áp lực khi sản lượng thép vẫn duy trì ở mức cao
Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng nhờ hoạt động xây dựng thần tốc cùng các khoản đầu tư lớn từ nhà nước, các lĩnh vực là động lực mới không đủ để thay thế cho những yếu tố trên.
Hiện tại, Bắc Kinh đang chuyển trọng tâm sang việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tiêu dùng xanh hơn, phát triển công nghệ cao và điều này làm giảm vai trò của thép với nền kinh tế.
Do đó, hầu hết các nhà máy sản xuất thép ở Trung Quốc đều đang gặp nhiều khó khăn. Hãng nghiên cứu Mysteel của Trung Quốc dự báo sản lượng sẽ giảm xuống dưới 900 triệu tấn vào năm 2030.
Theo dự báo cơ sở của Bloomberg Intelligence, tiêu thụ thép có thể sụt giảm mạnh từ mức trên 1 tỷ tấn trong năm 2020 xuống dưới 800 triệu tấn vào năm 2030. Trong kịch bản xấu nhất, con số này thậm chí có thể lao dốc xuống 525 triệu tấn vào cuối thập kỷ.
Những dự báo như vậy đã thúc đẩy các thương vụ M&A trong ngành, và quá trình này có thể được đẩy nhanh trong năm nay khi các nhà máy phải vật lộn để duy trì dòng tiền và biên lợi nhuận.
Nợ của các nhà sản xuất thép Trung Quốc
Theo Cục Thống kê Trung Quốc, ngành thép nước này đã báo lỗ trong hầu hết cả năm 2024, trong khi tổng nợ của cả ngành tăng lên mức kỷ lục là 5.100 tỷ Nhân dân tệ, khoảng 696 tỷ USD vào tháng 11/2024.
Trong đợt báo cáo tài chính mới nhất của 59 nhà máy thép niêm yết tại Trung Quốc, các doanh nghiệp ghi nhận dòng tiền tự do thấp chưa từng có từ năm 2015 kể từ quý 3/2024. Trong khi đó, tỷ lệ nợ trên tài sản tăng lên mức cao nhất từ năm 2017.
Đặc biệt, các nhà máy tư nhân quy mô nhỏ hơn dễ chịu ảnh hưởng nhất vì có xu hướng tập trung vào thép xây dựng và có liên quan nhiều hơn đến thị trường bất động sản nước này.
Mặc dù đóng góp của ngành vào nền kinh tế đã giảm dần qua các năm, theo ước tính của Gary Ng, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Natixis SA ở Hồng Kông, ngành thép vẫn chiếm 5,7% GDP trong năm 2023. Tác động này đặc biệt rõ nét tại các tỉnh sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc là Hà Bắc.
Do đó, ngành thép Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục đối mặt với “mùa đông khắc nghiệt” và khiến một số khu vực gặp khó khăn. Thành phố Đường Sơn là một minh chứng điển hình cho khó khăn này. Sản xuất thép chiếm 1 nửa GDP của thành phố này, nhưng trong 10 tháng đầu năm ngoái, đây là ngành có hoạt động ảm đạm nhất sau khi chịu khoản lỗ 3,1 tỷ Nhân dân tệ.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu - vốn thúc đẩy nhu cầu vào năm ngoái, cũng đang đối diện với sự suy giảm khi các quốc gia khác đang áp thêm các biện pháp chống bán phá giá và thuế quan.
Hiện tại, nhu cầu thép của các nhà máy sản xuất và hãng ô tô tại Trung Quốc đang giúp hỗ trợ phần nào cho ảnh hưởng từ thị trường bất động sản nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp hoàn toàn cho sự thiếu hụt. Bởi vậy, chỉ khi ngành bất động sản ổn định trở lại, nhu cầu và sản lượng thép mới có sự cải thiện.
Thúy Hà