Kinh tế vĩ mô và tác động đến ngành thép
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa có báo cáo triển vọng năm 2025, trong đó đánh giá toàn diện các yếu tố kinh tế vĩ mô và diễn biến ngành, từ đó đưa ra những khuyến nghị đầu tư đáng chú ý.
VCBS cho rằng giải ngân đầu tư công là công cụ quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của Chính phủ, với tiến độ giải ngân sẽ cải thiện tích cực hơn.
Đơn vị này đánh giá thủ tục đầu tư và hoạt động triển khai thuận lợi hơn nhờ ổn định bộ máy nhân sự tại các địa phương và cơ quan chuyên trách. Những cập nhật từ Luật Đất đai và bảng giá đất mới thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng.
Việc công bố quy hoạch của các tỉnh thành giúp mở ra không gian phát triển mới và là cơ sở cho việc triển khai các dự án công trình công cộng, trung tâm hành chính mới của địa phương. Áp lực hoàn thành chỉ tiêu cao hơn khi năm 2025 là năm cuối trong kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Các dự án đầu tư công trọng điểm năm 2025. Nguồn: VCBS
Với ngành thép, VCBS cho rằng Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đang đứng trước những cơ hội lớn để mở rộng quy mô và gia tăng vị thế trên thị trường trong năm 2025.
Năm 2025, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng từ 7-7,5% nhờ sự ổn định của các yếu tố vĩ mô, bao gồm lạm phát được kiểm soát dưới 4% và chính sách tiền tệ linh hoạt.
Các dự án đầu tư công trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành và các tuyến đường vành đai tại các đô thị lớn đang được đẩy mạnh giải ngân. Đây là những động lực chính thúc đẩy nhu cầu sử dụng thép trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng.
Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, đang nắm giữ hơn 40% thị phần thép xây dựng, 30% thị phần ống thép và 32% thị phần thép HRC tại Việt Nam.
Ngoài các sản phẩm chủ lực như thép xây dựng, thép HRC, tôn mạ và ống thép, Hòa Phát còn thể hiện tham vọng lớn khi đặt mục tiêu tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trị giá 67 tỷ USD. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát chia sẻ, doanh nghiệp đã sẵn sàng cung cấp các thanh ray đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 3/2024, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần gần 34.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu 9 tháng đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 75% kế hoạch đề ra.
Lợi nhuận của nhà sản xuất thép này cũng gia tăng nhờ cải thiện biên lợi nhuận. Hòa Phát lãi ròng tăng 51% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2024, tập đoàn báo lãi hơn 9.200 tỷ đồng, tăng 140%.
Cơ hội và thách thức 2025
Năm 2025 mang đến nhiều cơ hội cho Hòa Phát nhờ các yếu tố hỗ trợ từ chính sách và thị trường. Nhu cầu thép xây dựng được kỳ vọng tiếp tục tăng cao nhờ các dự án hạ tầng lớn.
Triển vọng giá thép thế giới tạo đáy và bắt đầu chu kỳ đi lên
Thị trường bất động sản trong nước sau nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ và mặt bằng lãi suất thấp đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể so với giai đoạn đóng băng trước đó với sự cải thiện của nguồn cung bất động sản tại khu vực phía Bắc và phía Nam. Số lượng dự án đang triển khai tại Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao và hỗ trợ cho tiêu thụ thép nội địa.
Thị trường bất động sản dần hồi phục sau giai đoạn trầm lắng, đồng thời, việc Chính phủ đẩy mạnh các chính sách thu hút đầu tư công cũng mở ra cơ hội lớn cho Hòa Phát tham gia các dự án trọng điểm.
Triển vọng giá thép thế giới tạo đáy và bắt đầu chu kỳ đi lên. Cụ thể, triển vọng lãi suất hạ trên toàn thế giới giúp kích thích thị trường nhà ở tại các thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, châu Âu và đặc biệt là Trung Quốc với biện pháp kích thích lớn nhất từ đại dịch.
Đơn vị này cho rằng, nhu cầu cho ngành thép Trung Quốc đã tạo đáy và có nhiều động lực phục hồi và kích thích giá thép tăng trong năm tới.
Động lực từ dự án Dung Quất 2, sau khi dự án hoàn thành và hoạt động hết công suất sau 2-3 năm, quy mô doanh thu của Hòa Phát có thể duy trì ở mức 175.000-200.000 tỷ đồng/năm với lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 20.000-25.000 tỷ đồng.
VCBS cho rằng thời điểm Hòa Phát đưa nhà máy Dung Quất 2 vào hoạt động cũng khá trùng khớp với thời điểm quyết định áp thuế chống bán phá giá với thép HRC Trung Quốc.
Tuy nhiên, Hòa Phát cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ. Biến động giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt và than cốc có thể ảnh hưởng đến chi phí sản xuất. Mặt khác, áp lực cạnh tranh buộc các doanh nghiệp thép phải không ngừng đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Năm 2024, VCBS dự báo lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát có thể đạt 12.069 tỷ đồng, tăng 77% so với năm trước. Bước sang năm 2025, đơn vị này ước tính doanh thu của Hòa Phát sẽ đạt 155.580 tỷ đồng, tăng 14,89% so với năm 2024. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 17.373 tỷ đồng, tăng gần 44%.
Với động lực từ dự án Dung Quất 2, cùng với sự hồi phục của thị trường bất động sản và giá thép, VCBS đưa ra giá mục tiêu cho HPG là 32.000 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng tăng 20% so với giá hiện tại.
Trên thị trường, cổ phiếu HPG hiện đang giao dịch quanh mức 26.900 đồng/cp trong phiên 2/1/2025.
Thúy Hà