Trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại Việt - Mỹ đạt gần 111 tỷ USD. Hình minh họa
Theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 10/2024 có 7 thị trường/nhóm thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên.
Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu với tổng kim ngạch đạt 98,69 tỷ USD, tăng 24,6% (tương ứng tăng tới 19,47 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là mức tăng mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu có tăng trưởng của Việt Nam trong 10 tháng qua.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu từ Mỹ trong 10 tháng/2024 đạt 12,24 tỷ USD, tăng 7,9%, tương ứng tăng 895 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại với Mỹ duy trì xuất siêu khi đạt 86,45 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, trong 10 tháng năm 2024, thương mại Việt - Mỹ đạt gần 111 tỷ USD, bằng với kim ngạch thương mại 2 chiều của cả năm ngoái.
Nhiều năm qua, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ hai của nước ta.
Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thương mại Việt-Mỹ đạt mốc 100 tỷ USD lần đầu vào năm 2021, với 111,5 tỷ USD. Bước sang năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thương mại 2 chiều vẫn có sự tăng trưởng đáng ghi nhận với quy mô kim ngạch đạt gần 124 tỷ USD.
Sang năm 2023 giảm xuống còn 110,8 tỷ USD, (giảm 10,5% so với năm 2022), trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa trị giá 97 tỷ USD, giảm 11,3% so với năm 2022, nhập khẩu từ Mỹ đạt 13,8 tỷ USD, giảm 4,5%. Thặng dư thương mại với Mỹ đạt 83,2 tỷ USD, giảm 12,3% so với năm 2022.
Với kết quả đạt được trong 10 tháng, năm nay là năm thứ 4 liên tiếp thương mại giữa hai nước cán mốc trăm tỷ USD.
Lý giải nguyên nhân, Bộ Công Thương đánh giá, tại thị trường Mỹ đã có những động thái cắt giảm lãi suất, qua đó kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Nhờ đó đã giúp nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ, thủy sản, dệt may… tại thị trường này đang tăng mạnh mẽ.
Phân tích về tình hình xuất khẩu sang Mỹ, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, từ đầu năm đến nay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: điện thoại và linh kiện, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản… sang thị trường Mỹ có sự tăng trưởng cao cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của thị trường này.
Đơn cử, trong nhóm các thị trường hàng đầu của thủy sản Việt Nam 9 tháng qua, Mỹ có tín hiệu tốt nhất khi xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 551 triệu USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Hay như xuất khẩu gỗ cũng cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng, trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ vào Mỹ đạt 5,9 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là thị trường quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Mỹ là thị trường có quy mô nhập khẩu lớn nhất thế giới. Việt Nam tuy nằm trong tốp đầu các thị trường xuất khẩu lớn vào Mỹ, nhưng mới chiếm khoảng 3% tổng mức nhập khẩu của nước này, nên dư địa xuất khẩu sang Mỹ còn rất lớn.
Đặc biệt, quan hệ giữa hai nước đã được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2023, tạo thuận lợi cho thương mại hai chiều.
Phương Vũ