Theo đó, để có cơ sở pháp lý cho việc quản lý đô thị một cách đồng bộ, tổng thể, đáp ứng nhu cầu quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng, phát triển đô thị Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho phép UBND tỉnh tổ chức lập Quy hoạch chung đô thị Khánh Hòa.
Cụ thể, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh Khánh Hòa.
Quy hoạch chung đô thị Khánh Hòa được lập ở tỷ lệ 1/25.000 (riêng các khu vực đô thị trung tâm được lập ở tỷ lệ 1/10.000 theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24-10-2022 của Bộ Xây dựng).
UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất kinh phí lập quy hoạch là từ nguồn ngân sách địa phương, thời gian lập quy hoạch từ năm 2024 đến năm 2026.
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế.
Khánh Hòa là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; là một trong những địa phương đi đầu trong bảo vệ môi trường và việc thực hiện phát thải khí nhà kính về mức không.
Lê Phước Bình