Vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hũ tối ngày 1/4
Tối ngày 1/4, một dãy nhà nằm ven kênh Tàu Hũ (quận 8, TP.HCM) đã bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa thiêu rụi nhiều căn nhà và tài sản, rất may không có thương vong về người.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP.HCM, vụ cháy xả ra lúc 19h30, lửa bốc lên tại xưởng gỗ rộng 320 m2 nằm ven kênh Tàu Hủ, phường 2 (khu vực giữa cầu Chữ Y và Nguyễn Văn Cừ). Khi phát hiện cháy, nhiều người dân đã dùng bình chữa cháy để dập lửa nhưng bất thành.
Lửa nhanh chóng lan sang dãy nhà gỗ, lợp mái tôn nằm sát nhau. Mỗi căn có diện tích 50-150 m2, bên trong có nhiều đồ nội thất, bàn ghế, quần áo. Lửa đỏ rực cả đoạn kênh, kèm cột khói cao nghi ngút khiến cả khu dân cư hoảng loạn.
Hàng chục cảnh sát PCCC quận 8 có mặt nỗ lực dập lửa. Nhiều ghe, canô dưới kênh cũng được huy động xịt nước hạn chế đám cháy lan rộng. Phòng cảnh sát PCCC TP.HCM chi viện lực lượng xuống hiện trường hỗ trợ.
Sau khoảng gần 2h chữa cháy, ngọn lửa đã được không chế. Vụ cháy không gây thương vong về người nhưng khiến nhiều ngôi nhà và tài sản của người dân bị thiêu rụi.
Sáng 2/4, lực lượng công an phong tỏa hiện trường để tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ hỏa hoạn. Người dân có nhà bị cháy được chính quyền địa phương hỗ trợ tìm nơi ở tạm.
Tại TP.HCM hiện vẫn còn hàng nghìn căn nhà nằm dọc các kênh rạch. Những căn nhà này chủ yếu làm tạm bợ, không đảm bảo điều kiện an sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Hàng chục nghìn tỉ di dời nhà ven kênh rạch
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, thành phố có 5 tuyến kênh rạch chính dài hơn 105 km trong phạm vi nội thành, giải quyết tiêu thoát nước cho khu vực rộng 14.200 ha.
Tuy nhiên, hệ thống này ngày càng bị thu hẹp và ô nhiễm. Để cải thiện môi trường đô thị, từ năm 1993, TP.HCM thực hiện việc di dời nhà ven và trên kênh rạch nhưng tiến trình di dời vẫn diễn ra rất chậm.
Tổng số căn nhà trên và ven kênh rạch lên đến hơn 65.000 căn (thống kê từ năm 1993 đến nay). Nhìn chung, các giai đoạn thực hiện chương trình giải tỏa, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch đều đạt chỉ tiêu khá thấp (dưới 50%).
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 1993 - 2020, TP.HCM mới di dời được hơn 38.185 trên tổng số hơn 65.000 nhà cần di dời; giai đoạn từ năm 2021 - 2025, TPHCM mới chỉ di dời được 2.867 căn trên tổng chỉ tiêu 6.500 căn.
Nhà ven kênh rạch gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan đô thị
Tại kỳ họp HĐND TP.HCM khóa X vào tháng 12/2023, UBND TP.HCM đã trình nội dung dự án di dời hơn 1.000 hộ dân trên và ven bờ bắc kênh Đôi (quận 8) để làm đường, chỉnh trang đô thị có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng.
Cụ thể, dự án sẽ bao gồm các hạng mục chính như xây dựng khoảng 4,3 km kè, kết hợp nạo vét một phần lòng sông kênh Đôi phía bờ Bắc; mở rộng đường Hoài Thanh, Nguyễn Duy dọc bên lên 20 m; xây mới đường Nguyễn Duy nối dài (từ hẻm 157 Hưng Phú đến cầu chữ Y) rộng 16 m và cầu Hiệp Ân 2.
Dự án cũng sẽ làm hệ thống thoát nước mưa, nước thải, cây xanh, chiếu sáng dọc theo các đường ven kênh; xây dựng bến thủy nội địa (loại bến hành khách) dọc kè bờ bắc kênh Đôi tại phường 8.
Sau khi đuộc HĐND thành phố thông qua, dự án sẽ lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chuẩn bị chuẩn bị công tác bồi thường cho khoảng 1.017 căn nhà trong năm 2024.
Năm 2025, sẽ tiến hành bồi thường, hỗ trợ tái định cư đồng thời khởi công dự án. Dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2028.
Ngoài bờ bắc kênh Đôi, TP.HCM hiện cũng đang nghiên cứu di dời, cải tạo bờ nam con kênh này. Dự án sẽ có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 9.000 tỉ đồng với hơn 5.000 hộ dân phải di dời.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã chính thức phê duyệt dự án cải tạo con rạch Xuyên Tâm với tổng mức đầu tư lên đến 9.664 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 6.339 tỉ đồng.
Rạch Xuyên Tâm có điểm đầu từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (quận Bình Thạnh) và kết thúc tại sông Vàm Thuật (quận Gò Vấp) với tổng chiều dài gần 9km.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, toàn tuyến rạch Xuyên Tâm và 3 tuyến nhánh (rạch Cầu Sơn, rạch Bình Lợi, rạch Bình Triệu) dài gần 9 km sẽ được xây kè, lòng rạch nạo vét sâu 3,5 m, rộng 20-30 m.
Hai bên rạch làm đường giao thông quy mô 2 làn xe mỗi bên cùng công viên, mảng xanh, đèn chiếu sáng.
Trong đó, đoạn qua địa bàn quận Gò Vấp sẽ được khởi công vào tháng 8/2024 và hoàn thành trong tháng 4/2025. Đoạn qua quận Bình Thạnh sẽ khởi công vào tháng 4/2025 và hoàn thành trong tháng 4/2028.
Để thực hiện dự án, sẽ có khoảng gần 1.900 hộ dân sống ven hoặc trên con kênh này tại các quận Bình Thạnh, Gò Vấp phải di dời.
Đề xuất cho người dân nhà ven kênh rạch được thuê, mua nhà ở xã hội Trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM vào tháng 11/2023, Sở Xây dựng TP.HCM đã cho biết, có nhiều khó khăn khiến cho việc di dời, giải tỏa nhà ven kênh rạch chậm tiến độ. Trong đó có lý do đa số các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đều có pháp lý nhà đất phức tạp như nhà không có pháp lý về quyền sử dụng đất, nhà lấn chiếm, nhà có một phần trên đất một phần trên kênh rạch… Do đó, việc hiệp thương, bồi thường chậm, làm dự án kéo dài. Nhiều trường hợp tiếp tục khiếu nại, chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố giải pháp thí điểm cho tất cả các đối tượng là hộ gia đình đang có nhà trên và ven kênh rạch được thuê nhà ở xã hội (hoặc thuê, mua tùy khả năng) để người dân ổn định cuộc sống. |
Phong Vân