Ngày 26/3, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ về việc hỗ trợ nguồn vật liệu cát san lấp cho dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ.
Tỉnh Sóc Trăng đã có buổi làm việc với TP Cần Thơ về việc hỗ trợ nguồn vật liệu cát san lấp cho dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết đang tập trung triển khai dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ với chiều dài 37,4 km.
Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán đã được phê duyệt, nhu cầu vật liệu cát san lấp cho dự án khoảng 7 triệu m3 cát. Trong quá trình triển khai dự án, TP Cần Thơ gặp khó khăn về nguồn cát san lấp và được tỉnh An Giang hỗ trợ 2,3 triệu m3, hiện còn thiếu khoảng 4,7 triệu m3 cát.
Lãnh đạo TP Cần Thơ cho biết, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 là công trình trọng điểm và có ý nghĩa đối với các tỉnh có dự án cao tốc đi qua và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Vì vậy, TP Cần Thơ đề nghị tỉnh Sóc Trăng xem xét hỗ trợ nguồn vật liệu cát san lấp khoảng 5 triệu m3 giúp triển khai dự án cao tốc đảm bảo đúng tiến độ đề ra, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng cho biết, địa phương hiện có 7 mỏ cát (lòng sông) làm vật liệu xây dựng thông thường để cung cấp dự dự án thành phần 4 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 với tổng trữ lượng 16,5 triệu m3.
Tuy nhiên, do tỉnh Sóc Trăng có địa thế nằm ở cuối sông Hậu nên cát có kết cấu thành phần có các lớp cát, bùn xen kẽ và lẫn nhiều tạp chất nên không thể sử dụng trực tiếp san lấp cho công trình mà phải qua khâu tuyển rửa xong mới sử dụng.
Đối với cát biển, tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cấp 333 cấp 222 đạt 680 triệu m3. Trong đó, cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3 có thể đáp ứng được nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng ĐBSCL.
Nhấn mạnh vai trò của TP. Cần Thơ là trung tâm về kinh tế - chính trị của vùng ĐBSCL, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết với trữ lượng 7 mỏ cát sông hiện có trên địa bàn, tỉnh Sóc Trăng sẵn sàng ưu tiên hỗ trợ cho TP Cần Thơ để thực hiện dự án.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát cụ thể trữ lượng nguồn cát sông hiện có hỗ trợ cho TP Cần Thơ. Đồng thời mong muốn Cần Thơ xem xét phương án đầu tư, sử dụng nguồn cát biển để cùng hoàn thành dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Được biết, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài hơn 188 km đi qua 4 tỉnh thành An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, được khởi công từ tháng 6/2023.
Điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tổng mức đầu tư của dự án này gần 44.700 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.
Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được chia làm 4 dự án thành phần do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản. Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2 km, dự án thành phần 2 tại TP Cần Thơ dài 37,2 km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37 km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9 km.
Hữu Việt