(QK7 Online) - “Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ” là một câu hát trong ca khúc Hành khúc ngày và đêm của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (1924 – 2015) khẳng định người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa trong giai đoạn kháng chiến của dân tộc ta trước đây và vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay.
Chiến sĩ pháo binh Lữ đoàn 77 huấn luyện đêm.
Bài hát được nhạc sĩ sáng tác trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta năm 1972, khi quân Mỹ ngoài việc xâm chiếm miền Nam Việt Nam đã hiếu chiến đem bom đạn rải ra miền Bắc với dã tâm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam và đưa miền Bắc nước ta về thời kỳ đồ đá. Nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân dân hai miền (nhất là quân và dân miền Bắc trong giai đoạn này) đã làm phá sản hoàn toàn dã tâm của địch, không những chúng không thực hiện được ý đồ mà còn bị ta đánh cho tan tác trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng… buộc Mỹ phải ký kết hiệp định Paris rút quân về nước, chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.
Nói về sự ra đời của bài hát, tác giả đã tâm sự về quá trình sáng tác nên ca khúc trứ danh này như sau: Năm 1972, tình cờ Phan Huỳnh Điểu đọc được trên tạp chí Văn nghệ quân đội bài thơ của tác giả Bùi Công Minh, đó là bài “Ngày và đêm”. Nội dung bài thơ rất trùng hợp với hoàn cảnh của con trai ông lúc bấy giờ (một anh bộ đội có người yêu là một cô giáo ở Hà Nội). Ngay lập tức, nhạc sĩ quyết định phổ nhạc bài thơ như một món quà để tặng cho con trai.
Bài hát ra đời trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với Nhân dân cả hai miền Nam– Bắc, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc, miền Bắc quyết tâm đập tan cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong giai đoạn cả nước bước vào chiến tranh, mỗi người dân là một chiến sĩ, công nhân tay súng tay búa, nông dân tay cày tay súng, giáo viên tay bút tay súng … và là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, ban ngày đánh giặc, ban đêm lên lớp tại “bục giảng dưới hầm sâu”.
Nội dung bài hát kể về tình yêu đôi lứa của một người lính và một cô giáo trong những ngày khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đoạn đầu bài hát là những giai điệu trữ tình, sâu lắng, chậm rãi, man mát như một giọng hò:
“Rất dài và rất xa là những ngày thương nhớ
Nơi cháy lên ngọn lửa là trái tim thương yêu
Lá trái tim yêu thương”
Lời ca diễn tả nỗi nhớ thương dằng dặc, tha thiết của người con trai và người con gái tuy rất xa nhau nhưng vẫn da diết thương nhớ về nhau. Nỗi nhớ thương này do quân thù chia cắt vì thế trong nỗi nhớ thương da diết này đã cháy lên ngọn lửa căm thù giặc Mỹ, kẻ đã chia cắt tình yêu lứa đôi.
Từ lòng căm thù này mà tiếp theo ở những câu sau, tác giả đã chuyển ngay sang tiết tấu hành khúc mạnh mẽ của nhịp điệu trầm hùng như bước quân hành của người lính ra trận, nhưng vẫn ánh lên những hình ảnh gần gũi thân thương của những ngôi sao không ngủ trong mắt anh, để em vẫn mở cho ánh sao anh bay vào trong giáo án:
“Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ
Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào”
Và rồi những lời ca tiếp theo đã khẳng định càng xa nhau, càng cách trở thì tình yêu của đôi bạn trẻ càng mãnh liệt. Rồi trong nỗi nhớ thương đó, anh và em trên hai mặt trận cùng nhau thi đua lập nhiều chiến công, anh thi đua tiêu diệt nhiều quân thù trên trận chiến và em cũng thi đua trên mặt trận văn hóa truyền thụ kiến thức cho thế hệ trẻ tương lai:
“Ngày và đêm xa nhau đâu chỉ dài và nhớ
Thời gian trong cách trở đốt cháy lửa tình yêu
Pháo anh trên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ
Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ”.
Trong cuộc chiến tranh ác liệt, trường kỳ này có những đau thương mất mát nhưng họ không hề run sợ, họ là những con người coi cái chết nhẹ như lông hồng, cho dù hiến cả tuổi thanh xuân nhưng vẫn hẹn chờ nhau và tin vào một niềm tin chiến thắng, vẫn mãi gần bên nhau:
“Cái chết cúi gục đầu
Cuộc đời xanh tươi trẻ ngày đêm ta bên nhau
Những năm dài chiến đấu
Ngày đêm ta bên nhau những năm dài chiến đấu
Đêm ngày trong chiến đấu, anh với em sống vẫn gần nhau”.
Bài hát đã khẳng định rằng trong cuộc chiến đấu cam go, khốc liệt này dù xa nhau nhưng anh và em mãi bên nhau cùng bên nhau chiến đấu và chiến thắng, những con người luôn tin tưởng sắt đá rằng cuộc chiến tranh sẽ đi đến thắng lợi và luôn vun đắp cho tình yêu đôi lứa tuy phải xa nhau. Vì tình yêu đôi lứa đã hóa thành tình yêu quê hương, đất nước.
Lê Huy Chung