Sự phát triển nhanh chóng và tác động toàn diện của khoa học - công nghệ vào đời sống xã hội khiến nhiều tập tục gia phong bị lãng quên, coi nhẹ, thậm chí không ít tập tục đã biến mất.
Ảnh minh họa: qdnd.vn.
Xã hội hiện đại xuất hiện những thuật ngữ mới, phần nào phản ánh thực trạng đời sống giới trẻ, như: “Sống nhanh”, “sống vội”, “sống gấp”, “sống ảo”, “sống online”, “sống order”… Môi trường chịu tác động lớn nhất chính là tổ ấm của mỗi nhà. Sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh công nghiệp phần nào tạo ra những “hố” ngăn cách về tư duy, lối sống của các thế hệ ngay trong mỗi gia đình. Ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu… rất khó tìm tiếng nói chung nếu không có sự ràng buộc, gắn kết chặt chẽ từ cái gốc của nền tảng gia phong. Những hình ảnh quen thuộc như cả nhà quây quần cùng nhau chuẩn bị một công việc, hay mâm cơm thường ngày có đông đủ các thành viên trong gia đình, ngỡ như rất đơn giản nhưng lại không dễ dàng để thực hiện trong đời sống hôm nay. Ngay cả vào các dịp lễ, tết, các hình thức văn hóa tín ngưỡng, gia phong cũng chịu ảnh hưởng toàn diện của dịch vụ hóa, thương mại hóa. Tiện ích và tiện lợi của môi trường sống hiện đại khiến một bộ phận đông đảo đồng bào ta, nhất là các thế hệ đã trải qua thời kỳ bao cấp, không khỏi có cảm giác ngậm ngùi, tiếc nuối…
Gần 3 tháng qua, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm có ý nghĩa quyết định thành công cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 hiện nay, nhân dân ta thực hiện phong cách “sống chậm”, với phương châm nhà nào ở nhà đó, hạn chế di chuyển để phòng ngừa dịch bệnh. Bên cạnh chịu thiệt hại không nhỏ về đời sống kinh tế, đây lại là môi trường, cơ hội để mỗi người, mỗi gia đình dành tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Các hình thức sinh hoạt truyền thống trong đời sống gia đình có điều kiện, cơ hội để thể hiện. Những thông tin, hình ảnh về cuộc sống gia đình ấm áp, chan hòa tình cảm trong thời phòng, chống dịch bệnh cho thấy, một vùng bản sắc gia phong ngỡ như bị vùi lấp trong nhịp sống hiện đại, đã được đánh thức, khơi dậy sức sống mạnh mẽ. Công chúng thực sự ngưỡng mộ những gia đình “tứ đại đồng đường” ở nhiều vùng quê có bề dày truyền thống văn hiến, văn vật. Trong bối cảnh đất nước phải thực hiện cách ly xã hội để bảo toàn tính mạng, sức khỏe nhân dân, họ đã trân quý khoảng thời gian “sống chậm” để đánh thức những nét đẹp gia phong. Trong tổ ấm tình thân ruột thịt, mối quan hệ huyết thống giữa các thế hệ được gắn kết bằng những việc làm rất đỗi bình dị mà ý nghĩa. Ông bà truyền dạy cho con cháu gia phả, truyền thống dòng họ, nghi lễ thờ cúng tổ tiên, hướng dẫn con cháu cách nấu những món ăn truyền thống. Con cháu hướng dẫn ông bà cách sử dụng thiết bị di động, nói tiếng Anh… Bên mâm cơm ấm áp tình ruột thịt, sợi dây tình cảm được gắn kết bền chặt hơn, các thành viên biết quan tâm đến nhau nhiều hơn, lan tỏa những nét đẹp nhân văn, đạo đức gia tộc giữa các thế hệ…
Không ai mong muốn đất nước, đồng bào mình gặp hoạn nạn, nhưng khi đối mặt với hoạn nạn, khó khăn thì ai cũng phải có bổn phận chung tay, góp sức để vượt qua. Đó là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta được hun đúc từ ngàn đời. Gia đình là nơi khởi phát và hội tụ các giá trị văn hóa xã hội, là thành tố bền vững, quan trọng nhất để giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Với phương châm “biến nguy thành cơ, chuyển bại thành thắng, biến khó khăn thành cơ hội”, việc chấn hưng văn hóa, bồi đắp các giá trị đạo đức truyền thống từ mỗi nếp nhà trong giai đoạn hiện nay cũng chính là cách để mỗi gia đình góp phần giữ cho xã hội bình yên, cùng đất nước vượt qua khó khăn, hoạn nạn.
Lữ Ngàn
Nguồn: qdnd.vn