(QK7 Online) - Những ngày này cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh Long An chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người chiến sĩ, bác sĩ không ngại vất vả, nguy hiểm, mang hết tinh thần, trách nhiệm của mình để phục vụ nhân dân với mong muốn bệnh dịch mau qua khỏi.
Tại Trường Quân sự huyện Bến Lức – Bộ CHQS tỉnh Long An được bố trí nhiều khu riêng biệt rất an toàn, nền nếp, thoáng đãng với quy mô 100 gường, làm nơi thu nhận, theo dõi, cách ly 14 ngày những người trở về từ vùng dịch. Tại đây các chiến sĩ, đội ngũ y bác sĩ là lực lượng chính chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, theo dõi, kiểm tra sát sao sức khỏe đồng hành cùng bà con trong thời gian cách ly. Công việc của họ bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc lúc 22 giờ đêm. Ở đây từ chiến sĩ đến người có quân hàm, cấp bậc cao luôn tất bật với công việc và chịu trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao. Vất vả nhất vẫn là bộ phận hậu cần của đơn vị.
Các y, bác sĩ đến từng phòng thăm hỏi sức khỏe người dân trong khu cách ly
Chúng tôi gặp hạ sĩ Nguyễn Anh Kha, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3 - Đại đội 1 đang cùng đồng đội chuẩn bị bữa ăn cho đơn vị và người đang cách ly. Anh Kha cho biết: Bộ phận này gồm 5 đồng chí, đến từ các đơn vị khác nhau. Để có những tô hủ tiếu nóng hổi ăn sáng lúc 6h30 bộ phận anh nuôi phải thức dậy làm việc từ lúc 3h khuy. Sau bữa sáng, anh em vội vả ăn phần của mình và tiếp tục chuẩn bị bữa cơm trưa, cơm chiều cho đến khi thu dọn, xử lý, vệ sinh dụng cụ nấu ăn, nhà bếp… đến giữa đêm. Khi được phân công làm việc này, mọi người có chút lo lắng, nhưng với tinh thần của người lính đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì dù khó khăn, nguy hiểm và thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ y tế nên rất an tâm và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chung tay góp sức đẩy lùi dịch Covid-19.
Ngoài bộ phận nuôi quân, đội ngũ y, bác sĩ cũng thức dậy từ sớm để chuẩn bị y cụ để đến 7 giờ sáng mọi người sẵn sàng trong bộ đồ bảo hộ đến từng phòng cách ly đo thân nhiệt và hỏi thăm sức khỏe từng người, làm cho buổi đo thân nhiệt bớt căng thẳng, người bị cách ly cảm nhận được tình người trong lúc hoạn nạn. Trung úy, bác sĩ Đỗ Tấn Phương - Bệnh xá Bộ CHQS tỉnh chia sẽ: Đội ngũ y, bác sĩ làm việc ở đây với tinh thần trách nhiệm của người lính, vừa với lương tâm của một người thầy thuốc. Chúng tôi vừa theo dõi, kiểm tra, bảo vệ sức khỏe cho bà con trong khu cách ly và tuyên truyền, chia sẽ, đồng hành để bà con cảm thấy yên tâm, thoải mái thực hiện quy định trong thời gian cách ly.
Cán bộ, chiến sĩ dậy thật sớm chế biến thực phẩm sao cho tươi ngon
Tiếp đến là đội ngũ cán bộ phụ trách, quản lý họ luôn chủ động, xử lý linh hoạt mọi tình huống, trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Khi chúng tôi đang trò chuyện cùng Đại úy Nguyễn Văn Ngoan, Đại đội trưởng- Đại đội 1- Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738 thì chiến sĩ liên lạc chạy lên báo cáo đại đội trưởng cháu N-T (3 tuổi) đã hết sữa, mẹ cháu không có tiền mua sữa. Không đắn đo, ngay lập tức, đại đội trưởng lấy trong bóp ra đưa tiền mua sữa cho bé.
Tìm hiểu chúng tôi được biết gia đình bé N-T là việt kiều Campuchia có 3 người gồm bà ngoại và mẹ. Nghe tin cửa khẩu tạm đóng, 3 mẹ con bà cháu từ Campuchia nhanh chóng về Việt Nam và được đưa đi cách ly tại đây. Đi gấp quá họ không kịp lấy tiền, từ đó không có tiền mua sữa cho con uống. Thời gian qua cán bộ, chiến sĩ ở đây đã quyên góp tiền mua sữa cho bé. Tình người, tình quân dân gắn bó càng thêm tỏa sáng.
Các lực lượng đưa cơm trưa vào phục vụ người dân trong khu cách ly
Cùng với đó là cuộc điện thoại của con trai nhỏ gọi cho cha đang làm nhiệm vụ nơi bệnh viện dã chiến khiến người ngoài cuộc không khởi chạnh lòng- “Nay chủ nhật sau cha không về? Cha về thăm con, con nhớ cha”. Tôi hỏi anh Ngoan bao lâu rồi không về thăm gia đình. Anh nói rất lâu, từ ngày nơi đây thành lập khu cách li. Nếu ngày nay con không điện tôi cũng chẳng biết là chủ nhật. Đối với anh em chúng tôi khi vào đây làm việc phải đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, hi sinh cái riêng cho cái chung của bà con nhân dân. Đối với nhiều người khi làm xong công việc có thể về nhà, về bên tổ ấm của mình. Còn những người đang làm việc tại đây không biết thứ 7, chủ nhật là gì.
Các lực lượng phục vụ tại Bệnh viện dã chiến thường xuyên được kiểm tra thân nhiệt
Chúng tôi gặp Ông Huỳnh Văn Phụng (quê tỉnh Bình Phước) đang thực hiện cách ly, ông chia sẻ: “Chỉ có Việt Nam mình mới tổ chức đưa đồng bào về nước, bố trí nơi ăn ở thoải mái như vậy. Ở đây cách ly tôi xem như một cuộc nghỉ dưỡng sau thời gian làm việc mệt nhọc. Chắc khi về địa phương, tôi nhớ nhất hình ảnh mấy chú bộ đội dễ thương, nhiệt tình và rất tận tâm”.
Đến nay, Bệnh viện dã chiến và Khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Long An đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ vượt qua mọi khó khăn đảm đương tốt nhiệm vụ được giao, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc” đóng góp tích cực cùng Đảng và Nhà nước, Quân đội chiến thắng đại dịch Covid-19.
Thùy Trang