Kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng Long Khánh, chúng tôi đã tìm gặp một số cựu chiến binh (CCB)- những người đã trực tiếp tham gia 12 ngày đêm lịch sử năm ấy. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ký ức hào hùng, một thời hoa lửa vẫn ùa về trong họ như mới ngày hôm qua.
Ký ức không quên
Ông Đào Bá Lượng, nguyên Đội trưởng, Đội biệt động Long Khánh là người trực tiếp tham gia nhiều trận đánh lớn trong kháng chiến chống Mỹ tại địa bàn Long Khánh. Nhắc về những ngày tháng tư lịch sử, ký ức về một thời đạn bom khói lửa lại ùa về trong ông. Ông Lượng kể lại: Đội biệt động Long Khánh còn được gọi là Đội vũ trang cách mạng đặc biệt được thành lập tháng 5-1966. Qua 9 năm chiến đấu, Đội lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần quan trọng trong chiến dịch giải phóng Long Khánh, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975.
Trận đánh tiêu biểu khiến ông nhớ nhất, đó là trận tấn công đồn Bốn Thước trên đoạn đường xe lửa bắc qua Suối Rết (ấp Ruộng Lớn, Bảo Vinh ngày nay). Đồn Bốn Thước là một vị trí trọng yếu bảo vệ Tòa hành chính tỉnh Long Khánh nên địch xây dựng rất kiên cố với nhiều lô cốt chìm, nổi, hàng rào kẽm gai, giao thông hào chằng chịt...nên công việc điều nghiên, chuẩn bị cho trận đánh rất khó khăn. Ông Lượng kể: “Khi điều nghiên ta chỉ quan sát thấy 5-6 xe tăng của địch thuộc các đơn vị Sư đoàn 18, lực lượng Bảo an và Trung đoàn 52. Nhưng khi chủ lực của ta đánh vào thì địch có đến vài chục xe tăng, cuộc chiến đấu giằng co ác liệt. Được lệnh của trên, Đội biệt động đã áp sát dùng lựu đạn để giải quyết nhanh chiến trường. Nhờ vậy, đồn Bốn Thước bị tiêu hủy, diệt 26 tên địch, làm bị thương 5 tên và bắt sống 1 tên... tạo điều kiện để chủ lực ta tiến vào giải phóng Long Khánh”.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh (còn gọi Năm Thanh, ngụ xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh, làm cơ sở mật nội thành thời kỳ chống Mỹ) nhớ lại, vào nửa cuối tháng 3-1975, quân dân địa phương cùng quân chủ lực đã tấn công liên tục vào các vị trí của địch ở khu vực này để tạo bàn đạp tấn công. Đến ngày 31-3-1975, quân dân địa phương đã làm chủ vùng ven thị xã gồm 4 ấp Bảo Vinh A, Bảo Vinh B, Suối Chồn, Bình Lộc… Nhờ đó, Tư lệnh chiến dịch Xuân Lộc đã quyết định đặt sở chỉ huy tiền phương tại khu vực này, nhằm nhanh chóng đưa ra mệnh lệnh chỉ huy, tác động lớn đến cục diện chiến dịch.
Cựu chiến binh Phạm Thanh Mừng, người trực tiếp chỉ huy trận tập kích tiểu khu tình báo 33 ngụy kể lại, đây là một trong những trận đánh hay của đội Biệt động Long Khánh, vì đã diệt gọn được đầu não tình báo gián điệp của tiểu khu 33. Trong trận này, đội Biệt động Long Khánh đã vận dụng cách đánh bất ngờ, táo bạo, chớp thời cơ, đánh nhanh, rút gọn, không để chúng kịp trở tay.
Như vậy, chỉ trong vòng 9 năm, đội Biệt động Long Khánh đã tham gia đánh trên 290 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương 4.400 tên địch. Năm 1976, đội Biệt động Long Khánh vinh dự được Nhà nước phong tặng đơn vị danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Dựa vào dân để chiến đấu
Cựu chiến binh Trần Văn Phú, nguyên chiến sĩ Công binh xưởng TX. Long Khánh kể lại: “Để có được thắng lợi lớn trong việc “mở cánh cửa thép” Xuân Lộc, chúng tôi đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài, trải qua nhiều trận lớn, nhỏ khác nhau và dựa vào nhân dân để đánh địch. Có nhiều bà con đã âm thầm tháo tôn lợp nhà, tủ sắt, giấu búa, đinh, các quả pháo, đạn lép rồi âm thầm chuyển vào rừng cho chúng tôi để chế tạo vũ khí”.
Là người khá hiểu biết chiến trường Xuân Lộc - Long Khánh, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thanh nhớ lại, trong Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, Long Khánh có một vị trí chiến lược quan trọng. Nơi đây có hệ thống giao thông trọng yếu như quốc lộ 1, tuyến đường sắt Bắc, Nam và các tỉnh lộ 2, 3 đi Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu. Trước đây, Xuân Lộc-Long Khánh có rừng nối liền với cực Nam Trung bộ, Xuyên Mộc, Định Quán, Tân Phú... tạo nên thế liên hoàn có khả năng xây dựng căn cứ kháng chiến. Vì thế nên cả ta và địch đều tận dụng để thực hiện các mục đích quân sự lâu dài. Đặc biệt khi mất Đà Nẵng và Phan Rang, địch coi Xuân Lộc-Long Khánh là “Cánh cửa thép” quyết tử với ta để bảo vệ Đông Bắc Sài Gòn. Chúng đã xây dựng nhiều căn cứ quân sự lớn như Chiến đoàn 52, Sư đoàn 18, Tiểu đoàn biệt động 82, Thiết đoàn 5 kỵ binh, 9 Tiểu đoàn bảo an được chi viện hỏa lực pháo binh mạnh để đánh phá và ngăn chặn thế tiến công của ta. Song “Cánh cửa thép” của địch đã bị mở toang, tạo đà cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975.
Chủ tịch Hội CCB tỉnh Đồng Nai Dương Hòa Hiệp, nguyên du kích Bảo Định thời chống Mỹ luôn tự hào là thành viên của lực lượng du kích địa phương, ông đã góp sức cùng đơn vị làm nên chiến thắng lịch sử, giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975, thống nhất đất nước. Ông Hiệp nhận định: “Với chiến dịch Xuân Lộc- Long Khánh, trải qua 12 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quân chủ lực của ta với sự hỗ trợ hiệu quả từ quân dân địa phương đã đập tan “Cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn, mở toang cánh cửa Xuân Lộc, tạo điều kiện cho đại quân ta khai thông đường tiến vào giải phóng Sài Gòn vài ngày sau đó”.
Bích Thuận