Thầy bộ đội tay làm, miệng thuyết minh chậm rãi, tỉ mỉ. Đến lúc học viên cầm dao thực hành, thầy cầm tay từng người, như cô giáo cầm tay học sinh lớp 1 trong tiết luyện chữ.
Mỗi năm, Đoàn Kinh tế quốc phòng 778 mở hai lớp kỹ năng nông nghiệp (cấp chứng chỉ) cho đồng bào S’tiêng sinh sống tại tỉnh Bình Phước. Bộ đội dạy đồng bào kỹ thuật liên quan đến nuôi trồng cao su, điều, rau sạch, chăn nuôi. Quá trình tuyển học viên là gian truân nhất. Bộ đội xuống các thôn, nhờ trưởng thôn, già làng kêu gọi bà con đăng ký học; nhờ chính quyền treo băng rôn tuyên truyền… Mới đầu, rất ít người quan tâm. Bà con cho rằng học không tốn tiền nhưng tốn thời gian. Với họ, một ngày không làm ra tiền là cả nhà không có gạo. Sau khi những học viên đầu tiên có chứng chỉ nghề, có việc làm ổn định, bà con mới bảo nhau đến lớp. Đấy là chuyện cách đây vài năm. Còn hiện tại, lớp học khai giảng là có ngay từ 50 - 100 học viên. Thầy giáo phải chia tổ, nhờ công nhân lành nghề “trợ giảng”. Thanh niên S’tiêng đổi mới và cởi mở hơn, luôn chủ động hỏi thêm kiến thức. Theo thầy Nguyễn Thành Năm, hiện lớp thiếu nguồn cây giống, phương pháp phòng, trị sâu bệnh tiên tiến. Do vậy, các anh cũng như đồng bào cần các cơ quan chuyên môn trợ giúp.
Ngày bế giảng, lớp tổ chức tiệc ngọt. Mỗi học viên góp 10.000 đồng. Kinh phí còn lại… thầy tự lo. Tất cả học viên, nếu chăm chỉ thì đều có việc làm ổn định, không lo chạy ăn từng bữa như xưa. Vợ chồng anh Điểu Đai (ngụ xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) đều học lớp trồng, chăm sóc, cạo mủ cao su. Hiện cả hai làm công nhân tại Đoàn Kinh tế quốc phòng 778. “Từ khi đi làm, nhà tôi sắm máy giặt, ti vi đời mới… Hàng tháng làm đều đặn, gia đình tôi thu nhập 10 triệu đồng. Hai con tôi an tâm học lên đại học mà không lo nghỉ giữa chừng do thiếu tiền ăn, học như trước kia”, anh Điểu Đai phấn khởi.
Học viên nghỉ học đều nhắn tin hoặc điện thoại xin phép và thật thà “khai”: Nhà hết gạo rồi! Vì “Nghe thương quá!” nên các thầy lại cùng nhau góp tiền mua gạo. Phóng viên đến lớp xin phép chụp hình, thầy Năm phải lên tiếng giải thích, mọi người mới đồng ý. Đây là tập tục lâu đời, đồng bào luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào những người mình hay tiếp xúc, gần gũi. Nhiều người dù ra nghề đã lâu nhưng khi trông thấy các anh bộ đội từ xa, vẫn lễ phép: “Chào thầy bộ đội!”. Gặp nhau, trò mừng rỡ, thầy xúc động. Tình cảm, lòng tin đồng bào gửi gắm chính là động lực giúp những người thầy gắn quân hàm trên vai phát huy trọng trách của người lính và thầy giáo dạy nghề.