Gian nan cột mốc biên cương
Thực hiện Chỉ thị số 07 ngày 6-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia năm 1985, từ tháng 9-2006, công tác phân giới cắm mốc trên đoạn biên giới Bình Phước bắt đầu được triển khai. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề trên biên giới Việt Nam - Campuchia là một quá trình lâu dài, nhiều khó khăn, phức tạp.
Trực tiếp tham gia, chỉ đạo công tác phân giới cắm mốc, Thiếu tá Phạm Văn Chỉnh, Đội trưởng Đội phân giới cắm mốc số 5 của tỉnh cho biết: “Trong quá trình thực hiện công tác phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia đoạn qua Bình Phước có nhiều khó khăn, các thành viên phải nỗ lực hết mình mới hoàn thành nhiệm vụ. Ngay như Hiệp ước 1985 chỉ mô tả bằng lời văn, đường biên giới thể hiện trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 với một nét bút mực nên khi ra thực địa có thể sai lệch hàng chục, thậm chí cả trăm mét. Sự không thống nhất giữa lời văn hiệp ước và bản đồ đính kèm với thực địa dẫn đến việc không thống nhất được hướng đi của đường biên giới, tạo ra những tồn đọng buộc hai bên phải nhiều lần đàm phán để giải quyết. Quá trình xây dựng mốc trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Do địa hình phức tạp, xa dân cư; chủ yếu cột mốc được xây dựng tại khu vực rừng rậm, sông, suối, đồi núi nên việc vận chuyển và tập kết vật liệu khó khăn. Trong khi đó, để đến thực địa phân giới cắm mốc chỉ có duy nhất đường tuần tra biên giới. Do đó, việc vận chuyển vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ xây dựng cột mốc đều dựa vào sức người”.
Cuối năm 2011, khi thực hiện đề tài viết về “Những cột mốc biên giới”, chúng tôi đã trực tiếp thực địa nhiều cột mốc chính, trong đó có cột mốc 73 (1, 2, 3) khu vực biên giới huyện Lộc Ninh đang thi công. Tại đó, chúng tôi chứng kiến cảnh các chiến sĩ vận chuyển từng bao xi măng, xô cát, đá, thùng nước vào vị trí xây dựng. Chúng tôi còn nhớ, Trung đội trưởng Đội thi công lúc bấy giờ là Trung úy La Văn Thắng, Đại đội Công binh, Bộ CHQS tỉnh, nói: Vị trí cột mốc 73 là một trong những vị trí khó xác định và hai bên phải bàn bạc nhiều lần mới thống nhất được. Do đó ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Tại cột mốc này, lối vào vị trí vô cùng khó khăn, các cột mốc 73 (1, 2) phải qua sông Chiu Riu. Do đó, thành viên đội thi công phải phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng phát quang bụi rậm, mở đường hơn 1 tuần mới có thể đến vị trí xây dựng.
Đi đầu trong phân giới cắm mốc
Ngày 10-1-2012, Ban chỉ đạo Phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Campuchia tỉnh Bình Phước đã đi kiểm tra lần cuối và bàn giao vị trí, hiện trạng các cột mốc mang số hiệu 70, 71, 72, 73 (1,2,3) cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý, bảo vệ. Các cột mốc này đều bảo đảm hiện trạng thân mốc, bệ mốc, móng mốc nguyên vẹn, đảm bảo chất lượng và đúng yêu cầu thiết kế kỹ thuật. Đây là những cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới Bình Phước. Hoàn thành hiện trạng các cột mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia, Bình Phước trở thành địa phương hoàn thành cắm mốc chính sớm nhất trong toàn tuyến và cũng là tỉnh đầu tiên hoàn thành phân giới cắm mốc giai đoạn 1 với 19 vị trí tương đương 28 cột mốc chính từ mốc 61 đến mốc 79 (2), trong đó có 1 mốc 3, 8 mốc đôi và 10 mốc đơn.
Đến tháng 6-2015, Ban chỉ đạo quốc gia về phân giới cắm mốc tiếp tục triển khai xây dựng mốc phụ theo Công văn số 1028 ngày 15-5-2015. Theo đó, trên toàn tuyến biên giới của tỉnh Bình Phước xây dựng 181 vị trí/353 mốc phụ. Trong đó, Việt Nam xây dựng 173 mốc phụ, Campuchia xây dựng 180 mốc. Thiếu tá Phạm Văn Chỉnh cho biết thêm: “Đến nay, công tác thực địa đã xác định và hoàn chỉnh thủ tục pháp lý 181 vị trí tương đương 353 mốc. Công tác xây dựng đã thực hiện 353/353 mốc. Ban chỉ đạo quốc gia về phân giới cắm mốc đã hoàn chỉnh nghiệm thu 334 biên bản cắm mốc; 358 bảng đăng ký cột mốc, đo tọa độ, độ cao; 8 bảng quy thuộc cồn bãi; 131 biên bản mô tả hướng đi của đường biên giới với chiều dài 255,290km, còn 2 đoạn dài 3,776km chưa thống nhất được hướng đi của đường biên giới.
Hiện nay, UBND tỉnh đang chuẩn bị tổ chức lễ tổng kết công tác phân giới cắm mốc trên địa bàn tỉnh. Qua đó tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giữ vững cột mốc biên cương trên địa bàn Bình Phước.