(QK7 Online) - Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương nằm dọc theo Quốc lộ 13 có địa danh cầu Vĩnh Bình và chiến khu Thuận An Hòa, vùng căn cứ ven đô ở cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thuận An Hòa thực sự là chỗ dựa vững chắc để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Và hôm nay, mảnh đất Thuận An Hòa đã trở thành một trong những địa phương phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh Bình Dương.
VÙNG CHIẾN KHU XƯA
Nằm ở cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn, Chiến khu Thuận An Hòa có vị trí chiến lược quân sự quan trọng, là nơi trực tiếp phục vụ cho những đơn vị hoạt động ngay trong lòng địch và là nơi tập kết, trung chuyển các lực lượng chiến đấu của ta. Vì thế, quân địch luôn tìm mọi cách để càn quét nhằm phá bỏ căn cứ cách mạng này. Tuy nhiên, nhờ vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, mưu trí dũng cảm của lực lượng cách mạng, đặc biệt nhờ sự đùm bọc, che chở của người dân địa phương, nên mọi âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù đã không lay chuyển được ý chí, tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân ta. Từ “thế trận lòng dân” quân dân Thuận An nói riêng, Bình Dương nói chung đã góp phần cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Chiến khu Thuận An Hòa hôm nay. Ảnh: X.H
Cựu chiến binh Trần Văn Năm, khu phố Đông Ba, Bình Hòa, Thị xã Thuận An, nguyên là cán bộ Đại đội 63, Thuận An cho biết: Thuận An Hòa là căn cứ cách mạng rất quan trọng, bằng lối đánh du kích, dũng cảm quân ta ở chiến khu dám đương đầu với Chi khu Lái Thiêu, dám đánh địch giữa ban ngày. Trong dịp 30 tháng 4, quân chủ lực phối hợp với Đại đội 63 với dân quân du kích làm nhiệm vụ dẫn đường, mở đường cho chủ lực tiến qua cầu Vĩnh Bình, tiến về giải phóng Sài Gòn.
CHUYỂN MÌNH ĐỔI MỚI
Ngày nay, Thuận An đã thực sự khác xưa. 41 năm sau ngày đất nước được giải phóng, chiến khu xưa đã được Đảng bộ, chính quyền cùng quân và dân nơi đây bắt tay vào khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, chung tay góp sức xây dựng quê hương.
Vùng căn cứ cách mạng xưa giờ đã thành đất công nghiệp, dịch vụ, thương mại trù phú, những tuyến đường thênh thang rộng mở; những khu dân cư, khu chuyên gia sầm uất... tạo bộ mặt mới cho vùng đất này. Nổi bật nhất chính là những khu công nghiệp như Việt Nam - Singapore, Việt Hương... với hàng ngàn doanh nghiệp tìm đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đã tạo nên cho vùng đất chiến khu xưa lấp lánh sắc màu công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Ông Trần Chánh Tín, Đại diện Công ty Gốm sứ Cường Phát cho biết: Thị xã đã thu hút được rất nhiều đối tác đầu tư, tỉnh và thị xã Thuận An cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để từng bước nâng cao tầm, khả năng, năng lực của doanh nghiệp trong hoạt động chuyên môn nêm sức cạnh tranh cũng tăng lên. Thu hút được rất nhiều thành phần lao động từ các nơi đến trong đó có lao động công nghệ cao, doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh với thị trường, doanh nghiệp phải tự nâng mình lên để hòa nhập và phát triển.
Không chỉ giải quyết việc làm cho người dân địa phương, các khu công nghiệp này còn thu hút một lượng lớn lao động từ các tỉnh, thành khác đến làm ăn sinh sống, thúc đẩy đô thị phát triển, đời sống người dân không ngừng nâng lên. Tất cả các tuyến đường đã được nhựa hóa. Hệ thống trường học, trạm xá, bệnh viện tương đối hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt và khám chữa bệnh của người dân. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 80 triệu đồng/ người/năm.
Ông Huỳnh Văn Châu, thị trấn Lái Thiêu, Thuận An, là người từng gắn bó lâu nay với Thuận An tâm Sự: Đây là giai đoạn người dân có cuộc sống tương đối tốt, sự phát triển của Thuận An từ một vùng đất nông nghiệp và bây giờ là vùng thương mại, dịch vụ, công nghiệp có vẻ mặt của một đô thị hiện đại.
Gốm sứ. Mặt hàng truyền thống lâu đời của đất Thuận An
Đồng chí Đỗ Thành Tâm, Bí thư Thị ủy Thuận An cho biết thêm: “Thuận An sẽ trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại” đó là nội dung quan trọng được Đại hội Đảng bộ thị xã Thuận An lần thứ XI nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra trong đó tập trung xây dựng đô thị Thuận An phát triển bền vững, văn minh trong điều kiện mới. Phấn đấu thực hiện hiệu quả mục tiêu khai thác lợi thế và tiềm năng mới, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật – xã hội theo hướng phát triển đô thị, tạo nền tảng để Thuận An trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2020.
CHUNG SỨC GIỮ GÌN AN NINH TRẬT TỰ ĐỊA BÀN
Là địa bàn công nghiệp phát triển nhanh nên kéo theo những hệ lụy là dân số cơ học tăng nhanh, người dân khắp nơi đổ về Thuận An sinh sống, làm ăn mà đa số là làm công nhân trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điều đó tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội. Để từng bước giải quyết vấn đề trên, Ban chỉ huy quân sự thị xã đã làm tốt công tác tham mưu cho Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã phát triển lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp tỷ lệ từ 1 – 1,4% dân số. Công tác huấn luyện đúng đủ nội dung, thời gian theo quy định, trong đó tập trung vào các nội dung phòng chống đình lãn công, tụ tập đông người, kích động bạo loạn, phòng chống cháy nổ và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt.
Đặc biệt, Thị xã Thuận An là đơn vị đi đầu trong Lực lượng vũ trang Quân khu 7 về triển khai trung đội dân quân tại các khu công nghiệp. Từ khi đi vào hoạt động đến nay lực lượng dân quân đã phối hợp chặt chẽ với công an tổ chức nhiều cuộc tuần tra góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại các khu công nghiệp.
Phát huy truyền thống quê hương Chiến khu Thuận An Hòa với những chiến công lẫy lừng đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang thị xã Thuận An quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Bài, ảnh: Xuân Hải