Lễ ra mắt Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944 tại tỉnh Cao Bằng. Ảnh: TTXVN
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị, Đội xây dựng kế hoạch tổ chức một trận đánh để “cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của cả một dân tộc đang bị nô lệ, đang sục sôi ý chí vùng lên”, đồng thời “khắc phục tình hình thiếu vũ khí trang bị”.
Dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội thảo luận đánh vào đâu và đánh như thế nào, để chỉ với một lực lượng nhỏ nhưng có thể giành được thắng lợi to lớn về chính trị và quân sự, đồng thời hạn chế tổn thất về người và vũ khí. Sau khi bàn bạc các phương án, Ban chỉ huy Đội quyết định “phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược”, mục tiêu là đồn Phai Khắt và Nà Ngần.
Di tích đồn Phai Khắt, nơi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đánh thắng trận đầu.
Chiều 24/12/1944, lực lượng tham gia trận đánh cải trang thành lính dõng, hành quân về Phai Khắt. 17 giờ ngày 25/12, Đội tiến vào đồn một cách dễ dàng, nhanh chóng chia làm hai mũi: Tiểu đội 1 chiếm nơi để súng, Tiểu đội 2 bao vây đồn. Trong khi bọn địch chưa kịp phản ứng, đồng chí Thu Sơn hô tập hợp, 17 tên lính và tên cai ra tập hợp giữa sân. Địch bị bất ngờ, không kịp trở tay, nhanh chóng đầu hàng. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, tên đồn trưởng từ Nguyên Bình trở về cũng bị tiêu diệt. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên và bắt sống 17 tên địch, thu được 17 khẩu súng, đạn và quân trang.
Sau khi hạ được đồn Phai Khắt, ngay trong đêm 25/12, Đội khẩn trương hành quân tới xã Cẩm Lý (cách Phai Khắt 15km), nơi có đồn Nà Ngần. Đội tiếp tục cải trang làm toán lính dõng, lính khố đỏ áp giải ba “cộng sản” đến giao nộp cho đồn. Khoảng 7 giờ sáng 26/12/1944, đồng chí Thu Sơn cùng tổ xung phong dẫn ba “cộng sản” bị trói vào đồn. Bọn lính tưởng thật vội bố trí lực lượng xếp hàng đón theo nghi thức nhà binh. Sau khi cả Đội tiến vào đồn, bốn chiến sĩ án ngữ giá để súng. Sau đó các đội viên chặn cửa đồn, chia thành từng tổ vây bắt tù binh và gọi địch đầu hàng. Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt 5 tên, bắt 17 tên, thu 27 súng và nhiều đạn. Trong trận này, đồng chí Nông Văn Bê bị thương nhẹ.
Trong hai trận đánh đầu tiên, Đội sử dụng chiến thuật tiến công bằng lối hóa trang kỳ tập (tập kích), mở đầu một cách xuất sắc trang sử chiến thuật của QĐND Việt Nam. Ngoài việc tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trong đồn, Đội còn thu được nhiều vũ khí, quân trang. Quan trọng nhất là giành thắng lợi theo đúng Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “Trận đầu nhất định phải thắng lợi”.
Cùng với vận dụng chiến thuật phù hợp, thắng lợi của hai trận đầu ra quân thể hiện một số nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là chọn mục tiêu và thời điểm tiến công phù hợp. Mục tiêu hai đồn nằm cách xa nhau và xa trung tâm chỉ huy của địch (châu lỵ Nguyên Bình), nên chúng không thể chi viện kịp thời cho nhau. Về thời cơ tiến công: Đánh đồn Phai Khắt lúc 17 giờ, địch đang hoặc vừa ăn cơm chiều xong; đánh đồn Nà Ngần lúc 7 giờ sáng khi địch vừa ngủ dậy - đây là hai thời điểm quân địch sơ hở, mất cảnh giác. Ngoài ra ta đã thực hiện tốt công tác giữ bí mật nên quân địch nghi ngờ, để cả Đội cải trang tiến vào khống chế đồn.
Trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đây là hai chiến thắng có ý nghĩa đặc biệt, củng cố vững chắc niềm tin vào khát vọng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần là biểu tượng sinh động của ý chí quyết chiến quyết thắng, của nghệ thuật quân sự Việt Nam ngay từ buổi đầu còn non trẻ của Quân đội cách mạng.