(QK7 Online) - Đồng chí Lê Đức Anh, sinh ngày 1 tháng 12 năm 1920, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế). Đồng chí tham gia cách mạng năm 1937, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938. Năm 1944, đồng chí tổ chức và phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh.
Đại tướng Lê Đức Anh.
Tháng 8-1945, đồng chí nhập ngũ và giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến Chính trị viên Tiểu đoàn, Chi đội 1 và Trung đoàn 301. Tháng 12-1948, Bộ Chỉ huy Khu 7 và Khu Sài Gòn - Chợ Lớn đổi lên là Bộ Tư lệnh Khu. Các khu chấn chỉnh lại một bước nhân sự và tổ chức các cơ quan. Đồng chí Lê Đức Anh làm Tham mưu trưởng Khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Giai đoạn này ở Nam Bộ, thực dân Pháp áp dụng chiến thuật Đờ Latua một cách ráo riết, triệt để. Bộ Tư lệnh Khu Sài Gòn - Chợ Lớn quyết tâm tìm mọi biện pháp để phá chiến thuật Đờ Latua, phải tìm ra cách tiêu diệt tháp canh. Ngày 21-1-1950, Bộ Tư lệnh Khu Sài Gòn - Chợ Lớn quyết định mở đợt hoạt động Dầu Tiếng - Bến Cát. Đồng chí Lê Đức Anh được chỉ định làm Tham mưu trưởng đợt hoạt động. Đợt hoạt động quân sự trên địa bàn Dầu Tiếng - Bến Cát diễn ra trong 3 ngày (từ 25 đến 27-1) làm gián đoạn giao thông của địch trong một thời gian dài (địch phải dùng máy bay tiếp tế cho đồn điền cao su Dầu Tiếng). Đợt hoạt động để lại những kinh nghiệm thiết thực cho quá trình chiến đấu về sau. Tháng 8-1950, Khu Sài Gòn - Chợ Lớn giải thể. Khu 7 được mở rộng gồm các tỉnh Bà Rịa, Biên Hòa, Chợ Lớn, Gia Định, Thủ Dầu Một và Tây Ninh, đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Khu 7. Trong vai trò Tham mưu trưởng, đồng chí cùng Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Khu 7 mở Chiến dịch Bến Cát (7-10-1950 - 15-11-1950). Đây là chiến dịch đầu tiên và duy nhất được tiến hành ở miền Đông Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1951, đồng chí được bổ nhiệm làm Tham mưu phó, quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Đồng chí cùng Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Nam Bộ đề ra chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, phù hợp với đặc điểm chiến trường sau lưng địch ở Nam Bộ. Lúc ấy ở Nam Bộ, nhiều người muốn xây dựng các đơn vị chủ lực quy mô lớn và xây dựng đến cấp trung đoàn, nhưng đồng chí đề xuất không nên xây dựng những đơn vị Quân đội có quy mô lớn. Theo đồng chí Lê Đức Anh, chỉ xây dựng đến cấp tiểu đoàn, còn lại tập trung tiềm lực để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang địa phương, nhằm duy trì và phát triển phong trào chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch. Ý kiến của đồng chí được thực tiễn cách mạng chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.
Tháng 5-1955, đồng chí đảm nhiệm trọng trách Cục phó Cục Tác chiến, rồi Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 8-1963, đồng chí được bổ nhiệm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ tháng 2-1964, đồng chí vào chiến trường miền Nam và được giao giữ chức vụ Tham mưu trưởng rồi Tư lệnh phó kiêm Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Bộ Chỉ huy Miền). Đồng chí cùng Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền chỉ đạo lực lượng vũ trang xây dựng, chiến đấu, góp phần thay đổi cục diện chiến trường cho đến khi kết thúc chiến tranh. Khi quân Mỹ và quân đồng minh trực tiếp tham chiến ở chiến trường miền Nam Việt Nam, vấn đề đặt ra là chúng ta dám đánh Mỹ không? - một quân đội nhà nghề và vũ khí được trang bị vào bậc hiện đại, tối tân nhất lúc bấy giờ. Nếu dám, ta có đánh được không? Nếu đánh được thì đánh bằng cách nào? Lúc ấy, đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp thực hiện tổ chức lại chiến trường bằng cách chia nhỏ các địa bàn không có dân để trở thành các tổ chức quân sự theo lãnh thổ. Đồng chí mạnh dạn chỉ đạo mở các kho vũ khí lưu cất dọc biên giới Việt Nam như ở Tây Ninh để trang bị vũ khí mới cho những “nhân viên dân sự”. Chỉ sau một thời gian, chủ trương trang bị vũ khí cho “nhân viên dân sự”, biến họ thành chiến sĩ trở nên hữu dụng và thực tế, họ giành được những thắng lợi rất lớn trong chiến dịch chống cuộc phản công mùa khô và cuộc hành quân của đế quốc Mỹ vào Tây Ninh.
Đây là sáng tạo độc đáo và đóng góp lớn của đồng chí Lê Đức Anh trong thời gian đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phản kích quyết liệt, cách mạng miền Nam tổn thất rất nặng nề, đặc biệt ở chiến trường Quân khu 9. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Đức Anh với tư cách Tư lệnh phó Bộ Chỉ huy Miền được phân công xuống làm Tư lệnh Quân khu 9 cùng Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt đề ra chủ trương và chỉ huy lực lượng vũ trang toàn địa bàn Tây Nam Bộ dần lấy lại thế và lực của cuộc kháng chiến, phát triển lực lượng vũ trang, phát triển căn cứ địa.
Tháng 6-1974, đồng chí được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, giữ trách nhiệm Tư lệnh phó Quân giải phóng miền Nam, Tư lệnh phó Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn.
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, tháng 5-1976, đồng chí làm Tư lệnh Quân khu 9. Thời điểm này, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng có chủ trương giảm biên chế đối với Quân đội, giải quyết cho đi lao động xuất khẩu, chuyển ngành, phục viên… số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ. Nhiều đơn vị trong toàn quân, nhất là ở khu vực phía Nam đã thực hiện chủ trương của cấp trên. Riêng đồng chí Lê Đức Anh rất thận trọng, bởi đồng chí nhận thấy tình hình biên giới Tây Nam nước ta đang có những diễn biến phức tạp, căng thẳng. Đồng chí bàn bạc trong Đảng ủy - Bộ Tư lệnh và thống nhất tạm thời chưa thực hiện chủ trương của cấp trên, đồng thời quyết định giữ lại nhiều hạ sĩ quan, chiến sĩ đã qua chiến đấu, có tinh thần dũng cảm, gan dạ, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, cùng nhiều cán bộ có năng lực, trình độ, khả năng chỉ huy, đã trải qua chiến đấu. Đặc biệt, đồng chí cho giữ lại những đơn vị có truyền thống đánh giặc, lập công, có nền nếp chính quy tốt và đề nghị thành lập Sư đoàn 330. Khi quân Pôn Pốt ngang nhiên xâm lược tuyến biên giới Tây Nam nước ta, Sư đoàn 330 là một trong những đơn vị chủ lực thiện chiến, có sức chiến đấu mạnh mẽ, trừng trị thích đáng tội ác của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari, góp phần giúp bạn giải phóng nhiều địa bàn quan trọng.
Từ tháng 6-1978, với cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, đồng chí cùng Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang vừa xây dựng, chiến đấu vừa làm công tác quốc phòng - quân sự địa phương; góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari. Sau khi các lực lượng của ta đánh tan quân Pôn Pốt xâm lược trên tuyến biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, đồng chí Lê Đức Anh có nhiều đề xuất thể hiện tầm nhìn và tư duy chiến lược về việc giúp bạn hồi sinh đất nước. Việc đầu tiên đồng chí đề xuất và được tập thể lãnh đạo nhất trí là bộ đội và Chuyên gia của ta phải tập trung cứu đói, cứu đau cho dân; nhanh chóng khôi phục lại xã hội Campuchia; khôi phục lại sản xuất; vận động binh lính Pôn Pốt bỏ hàng ngũ, trở về với gia đình; giúp bạn xây dựng thực lực cách mạng để bạn tự đảm đương công việc của mình. Đồng chí chỉ đạo các đơn vị Quân tình nguyện cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đánh bại các cuộc phản kích và truy quét, làm tan rã một bộ phận lớn tàn quân Pôn Pốt, giữ vững thành quả cách mạng; đồng thời giúp bạn xây dựng công trình phòng thủ biên giới mang tên “K5” dài 800km. Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, với cương vị Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, đồng chí Lê Đức Anh luôn quan tâm giáo dục, động viên bộ đội và Chuyên gia vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả. Dưới sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của đồng chí Lê Đức Anh, Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam cùng quân và dân Campuchia đã thực hiện thắng lợi ba mục tiêu chiến lược của cách mạng Campuchia. Với thành tích xuất sắc trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, tái thiết đất nước, đồng chí Lê Đức Anh được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng tháng 1-1980 và lên Đại tướng tháng 12-1984.
Ngày 7-12-1986, đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay khi được bổ nhiệm Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí Lê Đức Anh đi thị sát 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Trong chuyến thị sát này, đồng chí Lê Đức Anh có những quyết định táo bạo giúp cho tình hình biên giới phía Bắc bớt căng thẳng. Đồng thời, có những đề xuất để điều chỉnh về mặt chiến lược quân sự, tổ chức lại lực lượng, giảm một lượng lớn số quân thường trực nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Ngày 16-2-1987, Bộ Chính trị và Hội đồng Nhà nước quyết định bổ nhiệm đồng chí Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong những năm giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí cùng tập thể Thường vụ, Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân; xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức.
Trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí đề xuất với Đảng, Nhà nước và trực tiếp chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề lớn, quan trọng về quân sự, quốc phòng như: Thực hiện giảm quân số, giảm ngân sách quốc phòng trong tình hình nền kinh tế bị khủng hoảng; tiến hành các chính sách cụ thể để cải thiện đời sống bộ đội, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ, thực hiện chính sách hậu phương quân đội; chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trong tình hình mới... Đồng chí đưa ra quyết sách “không tưởng” và tổ chức thực hiện nó một cách tài tình. Đó là quyết định giảm đến 60% số quân thường trực trong Quân đội và bố trí lại thế phòng thủ chiến lược quốc gia, tạo điều kiện để nâng cao khả năng phòng thủ đất nước trong xu thế hội nhập và phát triển. Các chủ trương giảm số quân thường trực để tập trung tiềm lực phát triển đất nước, bảo đảm tốt hơn đời sống của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội. Trước tình hình cuộc sống của nhiều cán bộ, chiến sĩ rất khó khăn, đồng chí đã tạo điều kiện cấp đất, cấp nhà cho cán bộ sĩ quan Quân đội từng tham gia kháng chiến, góp phần làm thay đổi to lớn hậu phương quân đội, động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác và sẵn sàng chiến đấu.
Đại tướng Lê Đức Anh đã có bài phát biểu quan trọng ở Trường Sa năm 1988. Ảnh tư liệu
Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí đặc biệt quan tâm đến công tác phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cuối tháng 2-1987, đồng chí một mặt chỉ đạo Quân chủng Hải quân đưa lực lượng đóng giữ bãi đá ngầm Thuyền Chài, mặt khác trình Trung ương chủ trương và kế hoạch giữ đảo. Kế hoạch được Ban Bí thư Trung ương Đảng phê chuẩn ngày 20-3-1987.
Ngay lập tức, đồng chí chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân: “Cần thấy rõ vị trí chiến lược của Biển Đông. Trước tiên phải lo phòng thủ Trường Sa, nơi có thể xảy ra xung đột. Ta phải hành động kiên quyết, suy nghĩ mọi cách để xây dựng Hải quân mạnh như mong muốn của toàn quân”. Ngày 6-11-1987, đồng chí Lê Đức Anh ban hành Mệnh lệnh số 1679/ML-QP giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân: “Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá cạn chưa có người, không chờ xin chỉ thị cấp trên; trước mắt đưa ngay lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Đá Chữ Thập, Đá Lớn, Đá Tiên Nữ”... để khai thác và sẵn sàng bảo vệ đảo. Ngày 7-5-1988, tại Lễ kỷ niệm ngày truyền thống của Quân chủng Hải quân, đồng chí Lê Đức Anh khẳng định: Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, với đạo lý quốc tế... “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta!”. Ngày 29-3-1989, đồng chí ban hành Mệnh lệnh số 167/ML-QP về đóng giữ, bảo vệ khu vực thềm lục địa, bãi đá ngầm ở Trường Sa. Đồng chí chỉ đạo Quân chủng Hải quân khẩn trương xây dựng lại và xây mới nhà giàn nổi tại các đảo chìm; đồng thời chỉ đạo các quân chủng, binh chủng xây dựng kế hoạch, tổ chức diễn tập thực binh chi viện đảo, nhà giàn và hoàn chỉnh các phương án phòng thủ biển, đảo. Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TƯ về việc bảo vệ khu vực DK1, đồng chí Lê Đức Anh giao nhiệm vụ cho đồng chí Giáp Văn Cương - Tư lệnh Quân chủng Hải quân khẩn cấp triển khai Lữ đoàn 171 khảo sát khu vực DK1. Các lực lượng khảo sát trên vùng biển rộng 60.000km², tìm ra 6 bãi đá ngầm san hô. Từ những dữ liệu đó, hệ thống nhà giàn DK1 được xây dựng.
Trong công tác ngoại giao, đặc biệt là mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, cuối tháng 2-1987, đồng chí Lê Đức Anh đề xuất tiến hành phá thế bao vây cấm vận của Mỹ và bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, tìm cách gia nhập ASEAN. Bộ Chính trị nhất trí với đề xuất của đồng chí và đề nghị Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là đồng chí Lê Đức Anh lo đoạn “mở đầu” và đồng chí hoàn thành nhiệm vụ “một cách xuất sắc”. Chiều 31-7-1991, cuộc hội kiến chính thức giữa lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo Trung Quốc diễn ra tại Trung Nam Hải, phía Trung Quốc do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân làm Trưởng đoàn. Hội đàm đạt kết quả tốt, mọi vấn đề đặt ra đều được hai bên thỏa thuận, nhất trí, Việt Nam - Trung Quốc bình thường hóa quan hệ.
Từ năm 1992, trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Lê Đức Anh cùng tập thể lãnh đạo Đảng và Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng để chỉ đạo công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước ta dần thoát khỏi khủng hoảng kinh tế trầm trọng và sự bao vây, cấm vận. Đồng chí đã cùng Quốc hội xây dựng hệ thống luật pháp, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ cách mạng, bảo đảm cho công cuộc đổi mới đi đúng hướng; đồng thời, tích cực đẩy mạnh hợp tác với các nước trên thế giới để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam cả về lĩnh vực chính trị và kinh tế. Đồng chí là “kiến trúc sư” của lộ trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Đồng chí có nhiều kiến nghị về việc giải quyết chính sách đối với các gia đình có công với cách mạng, gia đình có người là nạn nhân chất độc da cam/ dioxin, các thương bệnh binh... và đề xuất phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Được Bộ Chính trị đồng ý, ngày 10-9-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký Lệnh số 36L/CTN công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công giúp đỡ cách mạng.
Năm 1997, đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và có nhiều ý kiến đóng góp cho Đảng và Nhà nước trong quá trình hoạch định chủ trương, đường lối và chính sách xây dựng, phát triển đất nước. Năm 2001, đồng chí nghỉ hưu theo chế độ.
Ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Anh, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng đồng chí Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Hà Vi
Trích sách Chân dung tướng lĩnh Quân khu 7 (1945-2020), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2021.